Cậu bé chăn bò mê toán

Không phải con nhà nòi, không theo trường chuyên, cũng chẳng có thời gian để học ngày, học đêm, Trần Nho Toản (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) đã làm nhiều người bất ngờ khi liên tiếp hai năm liền giành giải nhất toán toàn tỉnh Hà Tây. Nhưng bất ngờ hơn khi người học trò lớp 12 ấy...

Học toán không cần sách bút…

 

Thời gian biểu một ngày của Toản hệt như của một nhà nông. Nửa buổi đi học, nửa buổi còn lại Toản dắt bò đi chăn mãi tận triền đê đầu xã. Rồi khi vào vụ chiêm hay vụ mùa, lại thấy Toản tất bật gặt hái ngoài đồng, tối mịt mới về. Lo cơm nước cho cả nhà xong, bấy giờ Toản mới vào bàn học bài đến 1, 2 giờ sáng. Nhưng Toản vẫn nổi tiếng là cậu học trò giỏi toán không chỉ của Trường THPT Vân Cốc mà của cả tỉnh Hà Tây.

 

Sao lạ thế? Hóa ra Toản đã rèn cho mình phương pháp học mọi lúc mọi nơi: chăn bò, hái đỗ, nấu cơm... Toản vẫn có thể lẩm nhẩm cách giải những bài toán. Thời gian học ít ỏi ở nhà chỉ để dành cho những môn buộc phải cần đến sách, bút. Môn đòi hỏi nhiều tư duy và “nằm lòng” như toán, Toản có thể giải băng băng trong đầu mà không cần đến bất cứ “công cụ hỗ trợ” nào.

 

Nhờ vậy từ lớp 9, chỉ vận dụng những kiến thức đã học của cấp trung học cơ sở, Toản đã tìm ra công thức để suy từ ngày tháng năm dương lịch sang các thứ trong tuần. Hoặc một bài toán hay, toán khó, Toản nâng lên ở cấp độ khó hơn, rồi tự giải các trường hợp riêng, để cuối cùng khái quát các trường hợp riêng thành một đề toán mới.

 

“Em từng nghĩ mình khổ nhất, nhưng…”

 

Thời điểm khó khăn nhất đối với Toản là khi mẹ mất vì điện giật, cách đây bốn năm. Toản còn nhớ như in đó là ngày người anh thứ ba của Toản làm thủ tục nhập học Trường ĐH Sư phạm, vào rằm tháng tám. Nghe tin mẹ mất, anh trai Toản chạy từ trường về khóc, đòi ở nhà hẳn vì gia cảnh gieo neo không có người gánh vác.

 

Mọi người khuyên can mãi, anh trai Toản mới gạt nước mắt trở lại trường. Bố sức khỏe yếu, ngất lên ngất xuống. Toản mới học lớp 8 nhưng cũng đã biết giấu những giọt nước mắt con trai để đảm đương công việc như một trụ cột gia đình. Nhà có năm anh em thì một anh, một chị sinh ra đã dị dạng, chỉ cao 70cm.

 

Ông nội 81 tuổi nằm liệt một chỗ, người anh bị dị tật bẩm sinh đột ngột mất năm ngoái. Cô chủ nhiệm Trần Kim Dung kể: “Hoàn cảnh khó khăn, nếu bài tập nhiều thì Toản thức khuya hơn để làm chứ không bỏ một buổi chăn bò nào. Thế mà cuối năm lớp 11, tuần nào Toản cũng dành một buổi để giúp một bạn trong lớp bị ốm phải nằm viện theo kịp chương trình. Nhiều hôm “thầy” vừa hái đỗ dưới ruộng, vừa giảng giải, “trò” trên bờ hí húi ghi chép. Kết quả cuối năm, cậu bạn tên Thái từ học yếu đã vươn lên thành HS tiên tiến”.

 

Ngồi với Toản trong căn nhà đơn sơ, những giây phút nghỉ ngơi có lẽ là hiếm hoi với cậu học trò ham học, chúng tôi vẫn nhận ra sự lãng mạn đến không ngờ của người học trò chăn bò này khi Toản rủ rỉ tâm sự: “Có lần đọc sách, người ta nói rằng khi bạn có một ngôi nhà để ở, bạn là người hạnh phúc nhất. Em cũng muốn ngôi nhà của em là ngôi nhà hạnh phúc, cho ông em, bố em và các anh chị của em...”.

 

Có lẽ với Toản, toán học đã là niềm vui, là chỗ dựa để “không thấy mình là người khổ nhất trên đời...”.

 

Theo Tuổi Trẻ