Câu chuyện giáo dục tại lớp học “con nhà nghèo”

(Dân trí) - Tại lớp học tình thương, các em tự mình làm hết mọi việc như vệ sinh, thu dọn bàn ghế, chỗ học tập. Trong khi đó, tại không ít trường học ở thành phố hiện nay, cha mẹ đóng tiền để con không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì.

Lớp học tự phục vụ

Lớp học tình thương tại quán cơm từ thiện Nụ cười 2.000 đồng ở Tân Phú (TPHCM) có khoảng 30 học sinh (HS) tham gia. Có em chưa từng biết chữ, có em bỏ học giữa chừng, có em đến để bồi dưỡng kiến thức…

Câu chuyện giáo dục tại lớp học “con nhà nghèo”

Đến lớp học này, điều ấn tượng nhất là hình ảnh các em HS tự tay làm  mọi việc liên quan đến việc học tập và sinh hoạt của mình. Trước giờ học, các em tự quét lớp học, xếp bàn ghế. Hết giờ học, không ai phải nhắc, học sinh bắt tay vào dọn dẹp lớp học.

Trước giờ học, các em được ăn miễn phí một bữa cơm. Thật ra, việc phục vụ cho các em ăn uống, giáo viên, tình nguyện viên của lớp học tự tay làm sẽ nhanh hơn, gọn hơn. Nhưng họ không làm thay phần của các em ngoài việc cơm, thức ăn được nấu sẵn.

Câu chuyện giáo dục tại lớp học “con nhà nghèo”

Câu chuyện giáo dục tại lớp học “con nhà nghèo”
Các em tại lớp học tình thương 2.000 đồng ở Tân Phú, TPHCM tự làm những công viêc vệ sinh cá nhân, trường lớp.

Những công việc như dọn bàn, dọn khay cơm, lấy thìa dĩa, ăn xong tự dọn mâm, tự rửa khay, lau bàn ăn… trao hết cho các em. Các em tự biết phân chia công việc với nhau, các bạn nữ thì dọn dẹp, rửa chén, nam làm những việc nặng hơn như bưng bê đồ ăn, sắp xếp bàn ghế. Sự quan tâm đến bạn bè và cá tính của mỗi em được thể hiện rõ nét qua những công việc này. 

Tư duy giáo dục tại lớp học tình thương ban đêm không có tiền trường, không có thành tích này được xây dựng bắt đầu bởi kỹ năng căn bản và quan trọng nhất của con người: kỹ năng tự phục vụ. Cô chủ nhiệm lớp chia sẻ, khi các em không tự chăm sóc được cho bản thân mình thì đừng hy vọng các em làm được điều gì cho người khác.

Học trò được "phục vụ tận răng"

Đó là tình trạng tại nhiều trường học ở thành phố hiện nay. HS hầu như không có khái niệm về lao động, vệ sinh lớp - trường học và ngay cả việc tự phục vụ bản thân. Mọi việc được "quyết toán" bằng tài chính để thuê bảo mẫu, nhân viên.

Ở hầu hết các trường tổ chức bán trú, đến giờ ăn các em chỉ mỗi việc ngồi vào bàn, đồ ăn được bày sẵn. Ăn xong, học sinh chỉ việc đứng dậy, để lại mọi thứ có người dọn dẹp. Không ít nhà quản lý, giáo dục đã cảnh báo tình trạng học trò được chăm theo kiểu“gà công nghiệp” như thế này.

Biết rằng, các trường thường bị “kẹt” do thiếu không gian, không có cơ sở bán trú, HS đông, khó tổ chức cho các em tự phục vụ. Tuy nhiên ngay đến những công việc vệ sinh lao động thuần túy như quét dọn lớp học, hành lang, sân trường cũng trở nên xa vời với HS. Trong khi đây là những việc nhà trường hoàn toàn có thể bố trí, thu xếp được.

Hầu hết tại các trường ở thành phố, học sinh được chăm sóc... tận răng
Hầu hết tại các trường ở thành phố, học sinh được chăm sóc... tận răng.

Việc “bao hết” của nhà trường còn có sự tiếp tay không nhỏ từ phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, có con học tại một trường tiểu học ở Q.2, TPHCM chia sẻ, đầu năm họp phụ huynh, đề xuất để các con tự vệ sinh trường lớp của chị bị “đè bẹp” bởi số đông phụ huynh. Các ông bố mà mẹ đều ủng hộ việc đóng tiền để thuê thêm bảo mẫu phục vụ con mình, ngay cả những việc trẻ có thể tự làm như lau dọn lớp học, bàn ghế. Họ chỉ muốn con đến trường để học, không phải làm bất cứ một việc gì khác.

Một vài năm gần đây, tình trạng thiếu kỹ năng sống trầm trọng của học sinh được cảnh báo. Để giải quyết tình trạng này, ngành Giáo dục đã có chủ trương lồng ghép kỹ năng sống vào các môn học, tăng cường xây dựng các chương trình, hoạt động ngoại khóa cho HS…

Lúc nào chúng ta cũng nghe ra rả đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho các em và việc giáo dục cũng mới chỉ thể hiện bằng lời. Thầy cô nói với các em nhiều lời lẽ về việc phải tự chăm sóc bản thân nhưng các em nghe vậy thôi chứ mọi việc đã có người làm thay, các em không có cơ hội để thực hành, để hiểu giá trị của lao động. Mọi kỹ năng của con người không bao giờ có thể hình thành nếu chỉ được nghe nói mà không tự tay làm.

HS được học tập ở những ngôi trường có đầy đủ tiện nghi, được chăm sóc chu đáo mà sao vẫn thấy thương các em quá. Các em thiệt thòi hơn nhiều so với với HS tại lớp học “con nhà nghèo” kể trên. Ở lớp học đó bàn không ra bàn, lớp không ra lớp, nhiều HS không đủ tập viết… nhưng các em được tự lập, được khẳng định bản thân.

Hoài Nam