Cậu học trò nghèo miền Tây với nỗi lo tiền đóng phí nhập học

(Dân trí)- “Cầm giấy báo trúng tuyển đại học của con, tôi mừng hết biết, nhưng khi nhìn con số học phí phải đóng đến hơn 2 triệu đồng, tôi như chết đứng...”, ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ huyện Giá Rai, Bạc Liêu) chia sẻ về tình cảnh cậu con trai vừa đậu đại học.

Hơn 6h tối ngày 23/8, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Sơn (61 tuổi, ngụ ấp 22, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) khi biết tin con trai út của ông là em Nguyễn Văn Nghi vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ đang làm vui cả ấp.
 
Sau khi đọc bài viết này, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn xin số điện thoại của em Nguyễn Văn Nghi để chia sẻ, động viên em. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Nghi: 01243 939 702 (địa chỉ: ấp 22, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu)
Khi đến nhà, chúng tôi chỉ thấy bà Nguyễn Thị Kết (59 tuổi, mẹ em Nghi) lui cui dưới bếp chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Còn hai cha con ông Sơn, bà Kết cho biết vẫn còn đang lặn ngụp dưới con sông trước nhà để giăng lưới kiếm con cá, con tôm bán lấy tiền đong gạo.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện con trai bà trúng tuyển đại học, bà Kết mừng trong tiếng thở dài: “Nuôi nó ăn học chỉ mong nó học đến nơi đến chốn, nay đậu đại học rồi coi như cũng phần nào là kết quả cả chục năm đèn sách, ai mà không mừng. Nhưng nói đến ăn học đại học tôi thấy lo quá, lo vì không biết lấy tiền đầu mà cho nó học tiếp”.

Em Nguyễn Văn Nghi cầm giấy báo trúng tuyển đại học trong tâm trạng ngậm ngùi.
Em Nguyễn Văn Nghi cầm giấy báo trúng tuyển đại học trong tâm trạng ngậm ngùi.

Bà Kết cho biết, bà có đông con nhưng hầu như chỉ mới học vài lớp là nghỉ vì nhà nghèo. Chỉ có duy nhất cậu con trai út là em Nghi được “ưu tiên” lo ăn học đến giờ. Nhưng với 12 năm đèn sách cũng đã đủ “vắt kiệt” sức hai vợ chồng với công việc làm thuê làm mướn, chưa kể nay người ốm, mai kẻ đau. Do đó, để nuôi tiếp cho con học đại học, bà Kết cho biết là cả một vấn đề lớn.

Gần 7h tối, chúng tôi mới thấy hai cha con ông Sơn về đến nhà trong bộ quần áo ướt sũng vì trầm mình dưới nước để giăng lưới từ đầu giờ chiều. Chúng tôi thấy trên gương mặt em Nguyễn Văn Nghi lộ rõ tâm trạng mệt mỏi, buồn bả. Chia sẻ với PV Dân trí, em Nghi bộc bạch: “Em thi khối A được 14 điểm, trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật máy tính. Lúc coi trong danh sách trúng tuyển có tên mình, em mừng dữ lắm. Nhưng rồi vui chưa được bao lâu thì em lại sợ, em sợ không biết nhà có tiền để cho em nhập học hay không nữa”.

Ngồi tiếp chuyện với PV, ông Nguyễn Văn Sơn cũng không giấu được sự khốn khó, nỗi lo lắng của mình. Nói đến việc nuôi con học đại học, ông lại thở dài, ngao ngán. Ông Sơn nghẹn ngào: “Cầm giấy báo trúng tuyển đại học của con, tôi mừng đến rơi nước mắt. Nhưng khi thấy số tiền học phí phải đóng hơn 2 triệu đồng, tôi như chết đứng vì đây không phải là con số nhỏ đối với gia đình tôi lúc này”.

Ông Sơn, bà Kết chưa biết xoay sở ra sao để cho con bước vào giảng đường đại học.
Ông Sơn, bà Kết chưa biết xoay sở ra sao để cho con bước vào giảng đường đại học.
 
Ông Sơn cho biết, để có tiền nuôi con ăn học, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn ở tận tỉnh Đắc Nông. Trước đây, còn khỏe mạnh nên cũng làm được đồng vô, đồng ra. Giờ sức khỏe cũng đã yếu nên ông bà phải về lại quê nhà giăng lưới kiếm con cá, con tôm nhưng cũng chỉ đủ mua gạo sống qua ngày. “Thật sự là lúc này tôi không biết kiếm đâu ra 2 triệu đồng để cho con đi làm hồ sơ nhập học. Mà không chỉ tiền học phí, còn tiền thuê chỗ ở, tiền ăn, tiền sách vở nữa, chưa biết xoay sở ra sao”, ông Sơn nói trong bế tắc.

Clip chia sẻ của gia đình em Nghi:


Theo giấy báo trúng tuyển của trường gửi cho em Nguyễn Văn Nghi, ngày 28/8 này là trường hết hạn nhận hồ sơ nhập học nên gia đình em như “ngồi trên đóng lửa”. Bà Kết bùi ngùi: “Trước mắt chắc phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn để có tiền nhưng cũng chưa biết chạy ở đâu. Con nó ham học, giờ không tiền để con nó nghỉ học thì khổ cho nó nữa”. Lời bộc bạch của bà Kết khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Qua Dân trí, chúng tôi mong bạn đọc sẽ cùng chung tay tiếp sức cho em Nguyễn Văn Nghi để em có điều kiện tiếp tục đến trường.

Huỳnh Hải