Bạn đọc viết:

Cha mẹ hãy giỏi Facebook để định hướng cho con trẻ

(Dân trí) - Giới trẻ bây giờ không hề sung sướng mà rất khổ. Tôi thấy các em luôn hoang mang, khó khăn để định hình cái tôi trước vô vàn cạm bẫy và thử thách khi mạng xã hội bủa vây bởi cả núi thông tin khổng lồ, thật giả lẫn lộn.

Chỉ cần điện thoại thông minh trong tay là cả thế giới đã kết nối trước mắt các em, sức hấp dẫn của thế giới ảo như ma lực cuốn các em đi. Các bạn trẻ vào mạng xã hội ở mọi lúc, mọi nơi, nhịn ăn nhịn uống chứ không thể sống mà thiếu Facebook, thậm chí có em nghiện Facebook tới mức nhập viện tâm thần. Đây là hồi chuông cảnh báo tới các bậc phụ huynh!

Có rất nhiều phụ huynh vẫn giữ suy nghĩ là chỉ cần giữ con an toàn, tránh xa mạng xã hội là yên tâm nhất. Nhiều anh chị nói, phây là cái gì, nhảm nhí đốt thời gian, mình còn phải bươn chải kiếm sống làm sao lại đi đua với lũ trẻ. Thế là về nhà, bố mẹ giáo huấn đủ điều, cấm các con lướt “phây” và chơi game, tập trung mà rèn luyện thành tài, học là trên hết.

Bố mẹ chỉ biết cấm đoán chứ không biết tận dụng Facebook để làm bạn với con. Phụ huynh có biết đâu, ở nhà con rất ngoan ngoãn vâng lời, đi đến nơi về đến chốn nhưng tung hoành trên “phây” với đủ thứ ngôn ngữ “quái dị”, thậm chí nhiều em tuyên ngôn không nói bậy không phải tuổi teen. Các em học sinh từ cấp THCS đã có tài khoản Facebook để giao lưu kết bạn khắp nơi, lập hội nhóm kín để bình phẩm cùng chủ đề. Các em học sinh THPT nhiều em biết tận dụng lợi thế mạng xã hội để bán hàng online, tập tành kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm học hành, yêu đương...

Cha mẹ hãy giỏi Facebook để định hướng cho con trẻ - 1

Thế mà cha mẹ vẫn dửng dưng đứng ngoài lề của “guồng quay” Facebook thì không ổn chút nào. Nếu có chút kinh nghiệm về Facebook, cha mẹ sẽ có những lời khuyên hữu ích với các con, thậm chí chỉ cần tinh ý cha mẹ sẽ biết được con đang sa đà quá mức, có dấu hiệu trầm cảm vì nghiện “phây” để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Mạng xã hội đang tấn công vào giới trẻ, nguy hiểm nhất là các em học sinh cấp 2, cấp 3 vì các em hiểu biết còn non nớt, dễ bị lôi kéo và sức đề kháng thậm chí là con số 0 nếu như không được cha mẹ, thầy cô định hướng. Bản thân tôi dùng Facebook đã 5 năm, trải qua vô số cung bậc cảm xúc, những tình huống éo le không thể lường trước nên hiểu rõ, để sử dụng Facebook hợp lý là điều khó khăn với chính những người trưởng thành, huống chi các em học sinh đang tuổi ẩm ương, luôn muốn khẳng định cái tôi cá nhân trước mọi người.

Bạn sẽ khuyên nhủ con bạn ra sao nếu như bạn không tường tận mạng xã hội? Tôi đã từng ăn ngủ cùng Facebook hàng năm trời ròng rã và sau đó phải tìm cách thoát thân, tìm cách cai nghiện. Facebook kết nối bạn bè ở khắp mọi vùng miền, bạn mừng rỡ đến mất ngủ khi tìm lại được bạn thân sau hàng chục năm xa cách, bạn lâng lâng sung sướng khi được một ca sĩ, nhà văn, MC truyền hình tầm cỡ chấp nhận lời mời kết bạn, bạn nghẹn ngào hạnh phúc vì nhận được cả trăm lời chúc mừng sinh nhật, bạn vui vẻ khi có những người bạn có chung sở thích chia sẻ hình ảnh, kinh nghiệm thật nhiệt tình.

Chỉ riêng việc xem ảnh, bấm like, viết những lời bình luận có cánh đã ngốn của bạn hàng giờ. Bạn còn phải nhọc nhằn xây ngôi nhà của riêng mình trên mạng xã hội thật long lanh, thật ấn tượng để “hút” like từ bạn bè. Niềm vui ảo, hạnh phúc ảo có ma lực khủng khiếp cuốn bạn đi khiến bạn quên ăn, quên ngủ để được sống hết mình trên Facebook. Nhưng vô vàn rắc rối cũng sinh ra từ mạng xã hội: nói xấu, chửi đổng, thóa mạ nhau vì lời bình ác ý dẫn tới đánh nhau, đâm chém nhau ngoài đời thực.

Để giúp con cai nghiện Facebook, tôi nghĩ cách tốt nhất cha mẹ nên hiểu rõ những trạng thái tâm lý của con để kịp thời chấn chỉnh. Phụ huynh có thể áp dụng chiêu kể chuyện chính mình dùng Facebook thú vị ra sao để khai thác chuyện của con. Con sẽ nghĩ, bố mẹ thích Facebook giống mình, bố mẹ và mình cùng “chiến tuyến”, mình đang có chút rắc rối nhờ bố mẹ gỡ rối giùm. Những kinh nghiệm thực tế khi bố mẹ hiểu biết về Facebook sẽ giúp con điều chỉnh lại nếp sống, con sẽ sử dụng mạng xã hội hợp lý và hiệu quả.

Bản thân tôi đã cố gắng cai nghiện Facebook bằng cách kết bạn chọn lọc, đọc tin bài trong khoảng thời gian nhất định và lập tức tắt máy tính, điện thoại để bắt tay làm những việc cần thiết khác. Khi lên “phây” đăng bài thì suy nghĩ trước sau, không quá bận tâm đến chuyện nhiều like, ít like, không ham hố ôm đồm cái gì cũng đọc để rồi sau đó đầu óc rối tung, bấn loạn. Hãy giữ sức khỏe, cảm xúc của mình cho công việc, gia đình, bạn bè ngoài đời thực...

Tôi nghĩ các bậc cha mẹ dù bận rộn đến đâu cũng nên dành thời gian quan sát con, đồng hành với con để kịp thời định hướng cho các con. Để con không nghiện Facebook thì cách đơn giản và hiệu quả nhất là hướng cho con tìm tòi và nuôi dưỡng một vài sở thích lành mạnh và không quá tốn kém như thể thao, đọc sách, làm vườn, nhận làm hàng thủ công tại nhà.

Cha mẹ hãy giỏi Facebook để định hướng kịp thời cho con trẻ!

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!