Cha và con cùng lên lớp đại học

(Dân trí) - Bước vào lớp, tôi phát hiện ngay một bé gái khoảng 5, 6 tuổi ngồi cạnh một học viên nam. Anh đứng lên lí nhí trình bày lý do: “Mẹ nó đi rẫy nên không ai giữ nó, xin cô cho nó ngồi trong lớp. Nó ngoan lắm, sẽ không phá gì đâu”.

Trường đại học nơi tôi công tác nằm ở địa bàn Tây Nguyên - nơi có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống như Ê Đê, Jrai, M’Nông, K’Ho… Trường tôi mở nhiều lớp hệ vừa học vừa làm ở các huyện và các tỉnh lân cận. Tôi và các đồng nghiệp của mình luân phiên đi dạy ở các lớp đó. Mọi người đi về thường hay kể cho nhau những câu chuyện thật cứ như đùa.

Không chỉ riêng tôi mà có nhiều giảng viên khác cũng đều đã gặp tình huống cho cả mẹ lẫn con cùng vào lớp, may mắn là các con đều ở độ tuổi mẫu giáo chứ chưa có ai bế con sơ sinh vào lớp để thầy phải ra tay nghĩa hiệp bế giúp như một thầy giáo ở trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Chuyện mẹ đưa con đi học cùng không còn quá xa lạ với chúng tôi. Nhưng tôi có một trường hợp còn đặc biệt hơn - bố đưa con đi học - mà cho đến giờ tôi vẫn không quên.

Năm đó, lần đầu tiên tôi đi dạy ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Lớp học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên mới xây của huyện nghèo gần nhất nhì tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm được xây trên một ngọn đồi cao, đường lên dốc đứng. Khi chở tôi lên Trung tâm bằng xe máy, anh lớp trưởng nửa đùa nửa thật: Cô bám chắc vào em không là rớt xuống đất đó! Đứng trên tầng hai của trường, tôi nhìn thấy mây bay rất thấp, nhà cửa nhấp nhô phía dưới. Có cảm giác như đang ngồi trên máy bay nhìn khung cảnh dưới mặt đất vậy.

Lớp học có hơn 20 người chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bước vào lớp, tôi phát hiện ngay một bé gái khoảng 5, 6 tuổi ngồi cạnh một học viên nam. Anh đứng lên lí nhí trình bày lý do: Mẹ nó đi rẫy nên không ai giữ nó, xin cô cho nó ngồi trong lớp. Nó ngoan lắm, sẽ không phá gì đâu. Nhìn cách anh xin phép tôi thấy tội quá mới cười đồng ý: Không sao, có thêm một học viên lớp càng thêm đông vui.

Cô bé da nâu, có đôi mắt đen rất đặc trưng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, khuôn mặt toát lên vẻ lanh lợi. Cô bé ban đầu còn sợ người lạ nên ngồi rất ngoan, hí hoáy vẽ vào cuốn vở của mình. Một lúc sau, có lẽ chán vẽ, cô bé quay sang bố thì bắt gặp ánh nhìn nghiêm khắc của ông bố nên lại thôi. Thêm một lúc nữa, thấy tôi không nhắc nhở gì mình, cô bé đứng lên đi xuống cuối lớp rồi lại đi lên. Nhìn vẻ mặt lúng túng của ông bố, tôi giả vờ quay lưng xuống lớp, chăm chú viết bảng. Lúc nhìn lại thì cô bé đã về vị trí và ngoan ngoãn ngồi vẽ tiếp. Thỉnh thoảng cô bé ngừng vẽ, chuyển sang chăm chú ngắm… tôi.

Mọi người thường có cái nhìn không mấy tích cực đối với hệ vừa học vừa làm nhưng thực tế thì có một số sinh viên của hệ này nhất là những anh, chị người dân tộc thiểu số rất tội nghiệp, dù nhà xa, bận con nhỏ nhưng rất ham học. Người nào con lớn thì mang con đến trường, để con tha thẩn chơi trong sân đợi bố mẹ học xong.

Hôm nào có nhiều trẻ con thì còn vui chứ hôm nào chỉ có một đứa theo mẹ đến trường là đứa đó buồn thiu vì không có ai chơi cùng. Có khi chán quá lại đến cửa sổ đứng xem bố mẹ học. Người nào con nhỏ thì xin phép giáo viên để con được vào lớp cho yên tâm rồi vừa học phải vừa trông chừng con, sợ con nghịch hay gây mất trật tự. Dù khả năng tiếp thu bài học của các sinh viên này không tốt bằng người khác nhưng tôi luôn trân trọng sự nghiêm túc và cố gắng, nỗ lực hơn người của họ. Giảng viên chúng tôi chưa ai từ chối những học sinh đặc biệt đó.

Đi nhiều nơi, nhất là về những vùng sâu vùng xa mới thấy thương bà con mình ở đó nhiều hơn. Cuộc sống của họ dù đã khá hơn xưa nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở là người dân tộc tại chỗ. Vì yêu cầu của công việc, họ phải học để nâng cao trình độ, để đạt chuẩn về bằng cấp nhưng đường đến trường lại quá gian nan. Nếu về trung tâm thì đường xá quá xa xôi nhưng tại địa phương thì lại có rất ít lớp để học vì có ít trường đại học lên liên kết mở lớp. Số học viên của mỗi huyện không đủ nhiều các trường có thể mở lớp tại đây mà không phải bù lỗ. Xe cộ lại không thuận tiện lắm nên có nơi vài năm mới mở được một lớp đại học hệ vừa học vừa làm. Kể ra sẽ có người không tin nhưng thực tế tôi đã gặp những anh học viên của mình mặc áo rách hoặc cũ sờn, bạc màu, mang dép tổ ong đi học dù họ mang tiếng là cán bộ xã.

Em bé học sinh đặc biệt làm tôi thấy thêm yêu nghề của mình và bớt đi sự ngại ngần mỗi khi được báo: Chuẩn bị đi huyện dạy nhé!

Lại Thị Ngọc Hạnh

(Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!