Chàng trai giành huy chương Olympic quốc tế bằng “bia uống không say”

(Dân trí) - Từ một lần tình cờ đọc thông tin về loại bia không cồn, Đức đã nghiên cứu tạo ra loại nấm men đặc biệt để sản xuất bia không cồn, giúp người uống không bị tổn hại đến sức khoẻ.

Sản xuất loại bia không cồn

 

Mới đây, trong kỳ thi Olympic Sinh Học 2015 tổ chức tại Đan Mạch nhiều người dành sự chú ý đến Phạm Minh Đức học sinh lớp 12 – trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Chàng trai xứ Thành Nam này đã giành về cho nền giáo dục nước nhà tấm huy chương đồng danh giá với công nghệ “sản xuất bia không cồn”.

Ngày đoàn học sinh trở về nước, bà Trần Thị Huệ Vương (mẹ cả Đức) gặp lại con trai tại sân bay quốc tế Nội bài sau 8 ngày dự thi tại Đan Mạch không giấu được nỗi niềm xúc động chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 cháu nó đoạt Huy chương đồng, khi biết kết quả, cháu đã điện thoại về báo với mẹ rằng ‘con chỉ được Huy chương đồng, kết quả không như mong muốn mẹ ạ’, nghe xong, tôi vừa mừng vừa thương nó”.

Phạm Minh Đức vừa đạt huy chương đồng Olympic Sinh học 2015

Phạm Minh Đức vừa đạt huy chương đồng Olympic Sinh học 2015
 

Phạm Minh Đức sinh ra trong gia đình theo nghề cơ khí, nhưng Đức lại mang trong mình ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu khoa học. Ban đầu Đức thích học chuyên Toán nhưng tới giữa năm lớp 10 Đức đột ngột chuyển ngang sang chuyên sinh học khiến nhiều bạn bè và thầy cô tiếc nuối.

Chia sẻ về quá trình đến với đề tài “sản xuất bia không cồn của mình”, Đức cho biết: “Từ một bài báo có nhắc đến việc tạo ra loại bia không cồn, em nghĩ rằng, mình có thể làm một cách nào đó để tạo ra một chủng nấm men dành cho việc sản xuất loại bia không cồn này, nghĩa là trong quá trình ủ bia lên men, men bia không tạo ra cồn và được chuyển gen trong công đoạn này”.

Sau khi tìm hiểu, Đức hiểu rằng, hiện nay có rất nhiều chủng loại bia có tái tổ hợp gen khác nhau, và cũng có những chủng loại bia không tạo ra cồn, vậy tại sáo không tự chuyển loại gen đó vào trong nấm men thông thường để nó tự lên men và không tạo ra cồn?, như vậy giá thành bia vừa rẻ lại không tốn công đoạn sản xuất mà lại không gây hại cho sức khỏe, người uống sẽ không bị say.

Từ đây, Đức bắt đầu sưu tập tài liệu để nghiên cứu, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô để bắt đầu tiến hành những thí nghiệm và thu được kết quả tốt. Có nhiều đêm, Đức đã thức trắng để tiến hành ngồi phân tích các kết quả nghiên cứu của mình để ghi chép lại các phản ứng. Sự nỗ lực của chàng trai này cũng được đền đáp xứng đáng khi tiếp tục giành huy chương trong kỳ Olympic 2015. Giống như một năm trước đó, Đức cũng đã giành tấm huy chương đồng tại kỳ Olympic tổ chức vào năm 2014.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tham gia đội tuyển sinh học ôn thi Olympic Sinh học, Đức kể rằng: “Bình thường nếu học xong mà đội tuyển ôn về sớm quá, cô giáo sẽ bảo là chúng em lười học. Thế nên đúng hôm mưa bão, gió rất to, vì sợ cô nên cả đoàn vẫn ngồi học cẩn thận dù mưa theo gió lùa hắt ướt hết cả lớp. Cho đến tận tối muộn cả đội vẫn ngồi học, cô giáo khi ấy đến trường tìm và rất ngạc nhiên trước các học sinh của mình ướt lướt thướt nhưng vẫn ngồi học”.

Suýt chạm tay vào tấm huy chương bạc

Trong kỳ thi Olympic vừa qua, điều Phạm Minh Đức không thể nào quên được đó là sự tiếc nuối khi để vuột mất tấm huy chương bạc dù chỉ cách có một “chút xíu”. Đức cho rằng, do lỗi kỹ thuật hệ thống máy tính của nước chủ nhà nên Đức đã không thể tải được 2 tấm ảnh tham gia thi dẫn đến phần thi đó không được tính điểm. Chính vì vậy điểm số của Đức đã bị tụt xuống hạng huy chương đồng.

“Giá như, có một chút may mắn đến với em, thì có lẽ sẽ thay đổi nhiều, vì trong phần thi lý thuyết, rõ ràng em đã hoàn thiện trước rồi nhưng lúc chấm lại không thấy ảnh đâu nữa; và trong phần thi thí nghiệm, mình phải nắm hết các thí nghiệm thì mới kịp thời gian làm, nhưng hôm đó, em có hơi choáng đầu nên hiệu quả bài thí nghiệm đó cũng không được cao như mong đợi”, Phạm Minh Đức chia sẻ.

Cùng phụ trách đội tuyển ứng thi tại nước chủ nhà Đan Mạch, cô Trần Thị Thanh Xuân (giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đã tỏ ra tiếc nuối chia sẻ: “Năm ngoái, tham dự kỳ thi Olympic Sinh học tại Indonesia và “suýt sát” lọt vào top giải bạc, Đức đã nghĩ rằng, năm nay sẽ phải cố gắng để đạt được nguyện vọng; nhưng một lần nữa vận may đã không đến với em khi 2 tấm ảnh bài thi đã không thể tải được trong lúc nộp bài, ban giám khảo buộc phải bỏ qua phần thi đó của em”.

Cô Xuân cho rằng: “Tuy tấm huy chương không được ‘đổi màu’ như mong muốn nhưng sự cố gắng bấy lâu của Đức đã mang danh hiệu cao quý về cho trường chuyên Lê Hồng Phong, góp phần sức lực đưa Việt Nam giành cờ đăng cai Olympic Sinh học quốc tế 2016”.

Cô giáo Xuân cũng cho hay, 12 năm giữ cương vị lớp trưởng và luôn giữ chức Phó bí thư Đoàn trường, cậu học trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vốn là một cán bộ gương mẫu, một học sinh chỉnh chu và luôn có ý thức cầu tiến.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)