“Chao ôi! Cái thời đi học sao mà đáng ghét thế!”

(Dân trí) - “Không phải là tôi không thích học, nhưng tôi ghét đi học ở trường. Ngoài cảnh roi vọt, còn cái cảnh phải luôn giữ mình sao cho giống y hệt với những học trò cùng lớp, hễ khác chút ít là bị chế giễu, mỉa mai, trêu ghẹo, hành hạ”.

Ký ức về thuở còn đi học đã cách đây đã gần 70 năm đối với GS Toán học Bùi Trọng Liễu là như vậy. Trò chuyện cùng Dân trí, GS Liễu luôn thể hiện một nỗi buồn man mác khó giấu. Những tâm sự của ông về cái tuổi hoa niên của mình dù có khoảng cách rất xa về thời gian nhưng dường như vẫn có nhiều điểm tương đồng với sự học của bọn trẻ con thời nay.

Trong khi ngành giáo dục đang rốt ráo tìm các biện pháp ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, những tâm sự của một nhà khoa học già xa xứ này có lẽ cũng sẽ giúp được ngành ít nhiều trong việc lý giải vì sao mỗi ngày đến trường của các em chưa thực sự là một ngày vui.

“Cảnh roi vọt làm tôi luôn nhục nhã...”

“Tôi vẫn coi cái « việc đi học » như một cái « nợ », vui ít khổ nhiều, một phần là vì cái quan niệm việc đi học của một thời, một phần vì hoàn cảnh xã hội và gia đình buộc như thế. Vào khoảng 1940, lúc đó tôi 5, 6 tuổi, tôi học vỡ lòng ở nhà, do một thày giáo tư tên là thày giáo Tảo dạy. Thày nghiêm, nhưng không ác, tôi không bị đòn, nên rất kính nể thày.

Rồi sau đó, tôi vào học ở một trường tư, trường Tự Đức, ở thị xã Hà Đông. Trường nhỏ, học trò đều là học trò nghèo, lớp học thì hình như lẫn lộn học trò lớp nhì lớp ba lớp tư học chung với nhau. Tôi giữ một kỷ niệm rất xấu của thời đó, vì tôi phải học chung với học trò lớp trên nên bị « quên » là học trò lớp dưới. Vì thế, bài học thường rất khó, chả hiểu gì, lại sợ bị đòn, nên tôi rất ghét đi học.

Lúc đó, bố tôi làm quan tỉnh nên gia đình ở thị xã; tôi là con út ; trừ chị thứ nhì, mấy chị lớn của tôi đã lập gia đình ; và mấy anh chị gần tuổi tôi đều học ở trường Tây ở Hà Nội. Bố mẹ tôi bận, chị (thứ nhì) tôi che chở nuông chiều tôi, nên thường là tôi hay viện cớ rức đầu, để trốn học, rồi lêu lổng theo anh người làm (thời đó gọi là « thằng nhỏ » tuy anh ta đã ngoài 20 tuổi) đi bắn chim sẻ, hoặc chọi dế. Mấy lần, bố tôi chợt thấy, mắng mỏ và đánh đòn, tôi lại càng ghét đi học. Chả biết thời gian đó thực sự kéo dài bao lâu, nhưng đối với tôi thì đằng đẵng.

Rồi tôi lại vào học ở trường công ở thị xã, hình như lớp ba. Tôi không nhớ tên ông giáo, chỉ nhớ là ông ta rất dữ đòn. Mỗi sáng, buổi học bắt đầu bằng việc lần lượt mỗi học trò khoanh tay đọc thuộc lòng bài hôm trước, ai không thuộc làu thì ăn đòn. Và luôn luôn sáng nào cũng một dãy trò nhỏ bị tụt quần, đánh đòn bằng roi mây lằn đít. Tuy chưa hề bị đòn, tôi càng hãi càng ghét đi học, nhưng vì trường công nghiêm hơn trường tư, không trốn đi học được nữa, tôi đành phải chấp nhận cái... số phận đi học, bằng cách chăm học , từ năm giờ sáng đã thắp đèn học lại bài, trong khi cả nhà còn ngủ ...

Chao ôi! Cái thời đi học đó sao mà đáng ghét thế! Không phải là tôi không thích học, nhưng tôi ghét đi học ở trường. Ngoài cái cảnh roi vọt, mà tôi coi là nhục nhã, còn cái cảnh phải luôn luôn giữ mình sao cho giống y hệt với những học trò cùng lớp, hễ khác chút ít là bị chế giễu, mỉa mai, trêu ghẹo, hành hạ.

Học trò trường tỉnh, đều là học trò tầng lớp nghèo, đồng phục là áo dài đen, đi guốc. Tôi còn nhớ những buổi đi học, tôi chưa từng bao giờ dám mặc quần « là nếp », mà phải vo cái quần cho thật nát, rồi vuốt nó tàm tạm, xếp dưới chiếu ngủ, để hôm sau khi mặc, nó có nếp, kiểu nhà nghèo. Tôi còn giữ gì ở cái học ở thời đó? Ngoại trừ mấy bài học luân lý trong cuốn « giáo khoa thư » còn thuộc lòng đến ngày nay, còn toàn là những kỷ niệm buồn và vô ích.

Mà hai thí dụ điển hình nhất là: những buổi học thủ công, với những tờ giấy bóng láng, phải kẻ, phải cắt, để đan những hình con chim con cò, thường thường phải mang về nhà nhờ người lớn làm hộ, để rồi hôm sau khi chấm, bị mắng mỏ, vụt thước vào tay dăm bảy cái; và bản cửu chương gồm cả phép nhân tới con số 12 phải học thuộc lòng (tại sao đến con số 12 (?) mà đến nay, tôi vẫn chưa giải thích được, nhưng cũng nêu giả thuyết: hoặc là tại khổ trang sau bìa quyển vở vừa để in đủ 12 ô!

Vào năm 1943, tôi ra Hà Nội và đi học ở trường Tây (nay ở phố Hai Bà Trưng, một thời đã là trụ sở của Bộ Đại học), học lớp ba 1 (élémentaire 1). Từ trường ta vào trường tây, tiếng Pháp lõm bõm, lại vào học giữa năm, nên mươi ngày đầu, tôi chẳng hiểu gì hết. Bà giáo Pháp, tên là bà G., cũng là người dữ đòn, tuy không có cái cảnh tụt quần đánh bằng roi mây, nhưng những cái beo tai, những cái cốc đầu, những cái tát, vụt thước vào tay, luôn luôn xảy ra cho hầu hết cả lớp.

“Suốt đời, tôi không thích cái cảnh thi đua...”

“So với mấy chục năm trước, vấn đề tổ chức việc học ở nước nhà đã thay đổi nhiều, nhưng lòng tôi còn băn khoăn và lẫn chút xót sa. Về khẳng định “Người Việt Nam ta vốn hiếu học”, theo tôi đó là một khẳng định khiếm khuyết và cần được bổ sung thêm rằng: Về mặt cá nhân, người Việt Nam nói chung là ham học, nhưng ham học để có bằng cấp và địa vị.

 

Còn về mặt tập thể, xét toàn bộ lịch sử nước ta, chưa từng thấy có kinh nghiệm trong việc tổ chức việc học cho có hiệu quả, không có “triết lý” đáng kể về việc học (để giải đáp thích đáng câu hỏi “học để làm gì?”).

 

Trong nhiều thế kỉ, là “học mượn viết nhờ”. Cho nên, tới nay, điều kể trên phần nào giải thích được câu hỏi tại sao cá nhân đi học nước ngoài thì cũng có thành công; mà tổ chức học hành đào tạo trong nước thì chưa đạt kết quả mong muốn...”.  GS Bùi Trọng Liễu

Cái thời đi học đó cũng có cái đáng nhớ: đó là những buổi tối học bài. Một bầy trẻ gồm các con mợ tôi, con cô tôi và mấy anh chị em chúng tôi nhoai nhoai cùng tuổi hoặc chênh lệch nhau vài tuổi, quây quần chung quanh cái bàn học, dưới sự « phụ đạo » của một ông giáo tư mà chúng tôi đùa bằng gọi chệch tên là ông giáo « Gàn », có bổn phận cắt nghĩa và kiểm tra xem học bài đã thuộc chưa.

Đứa nào đứa nấy quang quác đọc, đôi khi phải bịt tai để khỏi nghe thấy tiếng người đọc bên cạnh, như ong vỡ tổ. Tôi luôn luôn hãi, bởi vì thấy mấy người học bài chóng thuộc thế, mà tôi thì sao cảm thấy mình phải cố gắng quá nhiều mới thuộc những bài mà mình cho là vô nghĩa. Có lẽ vì thế mà suốt đời tôi, tôi không thích cái cảnh thi đua.

Rồi Mỹ ném bom các vị trí quân Nhật, các trường Pháp tản cư vào Hà Đông, gia đình thuê nhà ở Hà Đông, do mợ tôi cai quản, cả lũ chúng tôi vào ở và đi học ở đó. Phòng chả có điện, tối thắp mấy cái đèn dầu và đuốc nhỏ như thẻ hương để học bài, khói bay vào mũi đen xì.

Một trong những quãng đời thoả thích của tôi là mỗi buổi sáng nào, tôi và các anh chị tôi phải học chữ nho với một ông đồ Th., còn chiều chiều được tự do đi săn cò săn chim ngoài đồng. Chữ nho đây là học để biết, lại chẳng lo phải thi kiểm tra chấm điểm so thứ bậc với ai, nên rất thoải mái.

Đừng dạy trẻ em như dạy động vật làm xiếc!

Tôi đã từng phải học những bài tính, những câu hỏi không chính xác, đôi khi là câu hỏi « bẫy » đặt cho học sinh, nếu không « đoán » trúng thì bị cho là dốt. Thí dụ như câu hỏi : « 2 cha 2 con là mấy người ? ». Nếu trả lời là 4 thì là « tầm thường », nếu trả lời là 3 thì cho là giỏi (vì đoán được ngụ ý là « cha, con, cháu »). Rất cực đoan.

Cũng liên tưởng đến việc cách đây một số năm, ở một số nước, vài nhà giáo đem giảng dạy một cái thứ mà họ coi là toán học « hiện đại » vào các lớp đầu tiểu học. Thí dụ họ đem dạy trẻ em các phép tính cộng trừ nhân chia trong hệ 2,3,4,..., 9 vv., chứ không chỉ trong hệ 10. Cũng lạ. Cùng lắm thì dạy phép tính trong hệ 2 còn có lý do để nói rằng để hiểu phương pháp máy tính, chứ trẻ em học như thế kia để làm gì, khi chưa đến tuổi để hấp thụ được một cách có hiệu quả, mà chỉ có khả năng lặp lại một cách máy móc như những động vật làm xiếc?

Mấy người đó giải thích là dạy như vậy để trẻ em sớm tập luyện có óc sáng kiến trở thành nhà nghiên cứu sau này. Nhưng trong số học sinh đi học, cùng lắm là độ 1 phần 100 sau này sẽ đi vào nghiên cứu, vậy mà bắt 100 phần 100 học như vậy từ lúc còn thơ!

Có người cũng viện lẽ chế biến ra một thứ phương pháp sư phạm “mới”, ngăn chặn không cho trẻ em học thuộc lòng: mà một trong những kết quả là trẻ em không thuộc bản cửu chương ; rồi người ta ngạc nhiên là trẻ em không biết làm tính! Cũng có người chủ trương không “dạy”, mà muốn trẻ em tự phát minh : thí dụ như thay vì cắt nghĩa cho trẻ em biết thế nào là cái hình tròn, thì người ta đợi cho trẻ em tự phát minh ra định nghĩa!

Loài người tiến bộ được là nhờ tích luỹ được những hiểu biết của các thế hệ trước, chứ đâu có phải là mỗi thế hệ luôn luôn trở lại thời đồ đá rồi tự phát minh từ đầu! Tôi nghĩ : ở mức độ bình thường, thì nên học cho đủ hiểu biết đã, trước khi ngo ngoe “sáng kiến”. Cũng lại liên tưởng đến ý cho rằng chớ để học sinh học sai, vì khi hình ảnh của cái sai đã thâm nhập vào đầu, thì khó sua đuổi nó ra ; điều này tôi cho là có lý. Tôi rất sợ sự đảo lộn trình tự một cách phi lý : khi nhỏ, lẽ ra thì phải dạy dỗ chặt chẽ; khi lớn lên đã có nền nếp, thì nới lỏng; nếu mà ngược lại, khi nhỏ thì dạy không nền nếp, lớn lên thì o ép, thì e việc học không thể thành công ...

GS Bùi Trọng Liễu
MM (ghi)