Chất lượng các giáo sư, phó giáo sư ngày càng nâng cao

(Dân trí) - Số ứng viên có các công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín ngày càng tăng lên; các giáo sư, phó giáo sư mới ngày càng được trẻ hóa, trình độ ngoại ngữ ngày càng nâng cao; tỉ lệ giảng viên trong tổng số 522 GS, PGS mới của năm nay cao hơn so với các năm trước…

Đây là những thông tin thú vị được GS Trần Văn Nhung - Tổng Thư Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) tiết lộ tại Lễ công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015.

Theo GS Trần Văn Nhung, HĐCDGSNN và Hội đồng các cấp ngày càng yêu cầu nâng cao chất lượng khoa học của các ứng viên theo hướng hội nhập quốc tế. Việc chuẩn bị hồ sơ của ứng viên đầy đủ, chu đáo đúng quy định hơn. Việc xem xét, thẩm định ở các Hội đồng bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, công tâm. Tính “chuyên nghiệp” của thành viên Hội đồng các cấp cũng càng ngày càng được nâng cao. Cho đến nay chưa phát hiện những sai sót đáng tiếc xảy ra. Mặc dù vậy, quan niệm, mức độ đánh giá, tính điểm công trình khi thẩm định và xét duyệt của các Hội đồng vẫn còn có sự khác nhau. Các văn bản hướng dẫn cần phải được tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa và chú ý đến đặc thù của các lĩnh vực khoa học khác nhau.

Nhiều con số ấn tượng

HĐCDGSNN cho biết, năm nay số ứng viên có các công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín cũng tăng lên, nhất là ở những ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, y học... Những người có từ 3-5 bài báo quốc tế trở lên đã nhiều hơn. Số ứng viên có hàng chục công bố quốc tế có chất lượng cao không còn là hiếm hoi.

Đáng mừng là, theo thống kê chưa thật đầy đủ, trong số 522 ứng viên năm 2015, đã có 165 người có bài đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Ở lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Công nghệ có 1.811 bài báo khoa học loại SCI, SCIE, ISI và Scopus. Ở lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn có 15 bài SSCI, A& HCI, ISI, Scopus. Tất nhiên, những kết quả khoa học này còn rất khiêm tốn và chúng ta cần phải vươn lên mạnh mẽ để theo kịp và hội nhập với khu vực và quốc tế.

Chất lượng các tân Giáo sư, Phó giáo sư ngày càng được nâng cao
Chất lượng các tân Giáo sư, Phó giáo sư ngày càng được nâng cao

Vật lý là ngành với 2 GS và 16 PGS mới nhưng có nhiều công bố quốc tế nhất với 655 bài, bình quân 36,4 bài/người. Có 3 trên 28 ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế, đó là Vật lý, Toán học, và Công nghệ thông tin.

Các GS, PGS mới ngày càng được trẻ hóa: Dưới 50 tuổi là 323 người (61,87%), dưới 40 là 121 người (23,18%); tuổi trung bình của 522 GS, PGS là 48 (năm 2014 là 49); tuổi trung bình của 52 GS là 56,87 (năm 2014 là 58) và tuổi trung bình của 470 PGS là 46,64 (năm 2014 là 48). Có 130 nữ trên tổng số 522 GS, PGS (24,90%), trong đó có 5 nữ GS là Đỗ Hương Trà (GD học), Nguyễn Thái Yên Hương (Sử học), Lê Thị Thanh Nhàn (Toán học, nữ GS trẻ nhất), Hứa Thị Ngọc Hà (Y học) và Phan Thị Ngà (Y học). Có 5 PGS là người dân tộc ít người: 1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày; 4 nữ, 1 nam.

Một điều đáng mừng là tỉ lệ giảng viên trong tổng số 522 GS, PGS mới của năm nay tăng lên, cao hơn so với năm 2014 và các năm trước: Số giảng viên cơ hữu chiếm tỉ lệ 82,37%, giảng viên thỉnh giảng 17,62% và giảng viên thỉnh giảng làm quản lý 4,21%. Nếu đem so sánh với những năm 1991-1992 thì các tỉ lệ phần trăm tương ứng là 57,34%, 23,55% và 19,11%, thay đổi khá nhiều theo chiều hướng tốt dần lên.

Về phân bố thì tỷ lệ GS, PGS mới của Hà Nội tiếp tục giảm dần, của TPHCM và các tỉnh, thành khác tiếp tục tăng dần theo hướng hợp lý và năm nay (2015) tương ứng là 63,04%, 18,00% và 18,96%.

Và những điều đặc biệt

GS Trần Văn Nhung cho biết, GS trẻ nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý, Phó Viện trưởng ITIMS, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, 43 tuổi, bố mẹ là nông dân người Huế. Tân GS Nguyễn Văn Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó 85 trên các tạp chí quốc tế ISI (60 SCI và 25 SCIE), hệ số H = 22 (tức là có 22 bài báo, mỗi bài được trích dẫn trên 22 lần. Ở bên Mỹ thì hệ số H =18 là được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư.

GS cao tuổi nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Như vậy cả hai điểm cực biên tuổi GS năm nay 43 và 69 đều do ĐH Bách khoa Hà Nội nắm giữ.

Kỷ lục trẻ nhất trong 35 năm qua là ba GS được công nhận ở tuổi 37: Phan Thanh Sơn Nam (Hóa học, năm 2014, Trường ĐH Bách khoa TPHCM), Nguyễn Quang Diệu (Toán học, năm 2011, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và Hoàng Ngọc Hà (Khoa học Trái đất, năm 1996, Trường ĐH Mỏ - Địa chất - Bộ GD-ĐT). Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận GS là 81.

PGS trẻ nhất năm nay là Hồ Khắc Hiếu, ngành Vật lý, Trường Đại học Dân lập Duy Tân, 31 tuổi, tác giả của 21 công trình khoa học, trong đó có 12 công bố quốc tế trên các tạp chí KH có uy tín cao SCI, SCIE, ISI. Như vậy năm nay ngành Vật lý nắm giữ cả hai kỷ lục, GS và PGS trẻ nhất.

Kỷ lục PGS trẻ nhất trong 35 năm qua với tuổi 29 là hai PGS: Nguyễn Khánh Diệu Hồng (nữ, Hóa học, năm 2012, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) và Phạm Hoàng Hiệp (Toán học, năm 2011, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội); có ba PGS cao tuổi nhất năm nay, cùng 63 tuổi, là Lê Thị Mai, ngành Xã hội học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Ứng Duy Thịnh, ngành Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Kinh tế, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận PGS là 81.

Trong quá trình 35 năm qua, hầu hết các ngành đều “hiếm, muộn” nữ GS (và cả nữ PGS). Chẳng hạn như, nữ GS toán học đầu tiên của nước ta là NGND GS TSKH Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (sau này là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long), được phong GS năm 1980 khi chị 47 tuổi. Người hướng dẫn chị làm luận án TSKH là nhà toán học Pháp nổi tiếng A. Grothendieck (Giải thưởng Fields năm 1966).

Nữ giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh ngày 12/11
Nữ giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh ngày 12/11

 

Cho đến năm nay, sau 35 năm mới có thêm được nữ GS toán học thứ hai là TS Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên, là NCS của GS TSKH Nguyễn Tự Cường, một nhà toán học tài năng, Tổng Biên tập Tạp chí Toán học “Acta Math. Vietnam.”, của Viện Toán học, Viện HLKH&CNVN, do Springer xuất bản trên phạm vi toàn cầu và là một trong ba tạp chí của Việt Nam được xếp vào hàng Scopus.

GS. Nhàn đã công bố 30 bài báo được MathSciNet của Hội Toán học Mỹ liệt kê, trong đó 18 bài thuộc SCI, 5 bài SCIE, có 2 bài SCI và 1 bài Scopus viết một mình. Cả GS. Hoàng Xuân Sính và GS. Lê Thị Thanh Nhàn  đều là các nhà đại số học, một trong các lĩnh vực trừu tượng nhất của toán học.

Cho đến nay mới chỉ có hai nữ GS Vật lý và cả hai đều đã mất, đó là GS. TSKH. Võ Hồng Anh (1942-2009, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp), được phong GS năm 1991 khi chị 49 tuổi, được trao Giải thưởng Kovalepskaia năm 1988 và GS. TSKH. Nguyễn Thị Hồng (1939-1992), được phong GS năm 1991, phu nhân của nhà Vật lý nổi tiếng GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu.

Đặc biệt hơn cả là năm 2015 trong một gia đình có hai người được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư, đó là PGS.TS. Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977) và PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976) đều đang công tác tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)