Chất lượng đào tạo ngành Y liên quan đến sức khỏe con người

(Dân trí) - Chiều 15/8 tại TP Cần Thơ diễn ra “Hội nghị đào tạo nhân lực Y tế khu vực ĐBSCL” năm 2015, nhiều lãnh đạo ngành Y tế của ĐBSCL xin “nới” điểm cho các ngành hiếm nhằm có thêm bác sĩ phục vụ. Tuy nhiên, ông Lê Hùng Dũng - Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng chất lượng đào tạo là cái sống còn của ngành vì liên quan đến sức khỏe con con người.

Ông Lê Hùng Dũng: Thiếu bác sĩ thì phải đào tạo và đào tạo lâu dài nhưng phải gắn liền với chất lượng, không được “thả nổi” ngành Y.
Ông Lê Hùng Dũng: Thiếu bác sĩ thì phải đào tạo và đào tạo lâu dài nhưng phải gắn liền với chất lượng, không được “thả nổi” ngành Y.

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết: Đến năm 2015, tỷ lệ bác sĩ (BS)/vạn dân vùng ĐBSCL là 6,35 BS và 1,39 dược sĩ (DS)/1 vạn dân. Tuy vậy số lượng BS, DS vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, còn thiếu ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu xa, vùng khó khăn. Để nâng số lượng nguồn nhân lực y tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ và các tỉnh thành xây dựng kế hoạch đào tạo theo địa chỉ sử dụng phục vụ nhu cầu cho các địa phương.

Năm học 2016-2017, trường dự kiến tuyển 1.300 sinh viên cho 16 ngành (trong đó có 8 ngành hệ chính quy); trong đó có 410 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Riêng các ngành hiếm, trường sẽ tuyển 212 chỉ tiêu (150 chỉ tiêu cho ngành hiếm, 50 chỉ tiêu theo đặc thù và 12 chỉ tiêu cho 4 huyện đặc biệt khó khăn). Hiện nay, trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đào tạo ĐH chính quy dao động từ 21,25 điểm đến 25 điểm (tùy ngành).

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị, để đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực y tế cho vùng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường ĐH Y dược Cần Thơ đề xuất với Bộ cho tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng, hạ điểm chuẩn trúng tuyển đối với các chuyên ngành hiếm; có cơ chế chính sách đặc biệt cho vùng khó khăn, hải đảo;…

Chất lượng đào tạo là cái sống còn của ngành Y vì liên quan đến sức khỏe con con người, của nhân dân.
Chất lượng đào tạo là cái sống còn của ngành Y vì liên quan đến sức khỏe con con người, của nhân dân.

Ông Lê Hùng Dũng, phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Thiếu bác sĩ thì phải đào tạo và đào tạo lâu dài nhưng phải gắn liền với chất lượng, không được “thả nổi” ngành y. Chất lượng đào tạo là cái sống còn của ngành vì liên quan đến sức khỏe con con người, của nhân dân”.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị các địa phương phải quan tâm đến môi trường làm việc, điều kiện làm việc của bác sĩ. “Phải có chế độ chính sách của đơn vị sử dụng, của địa phương và chúng ta phải có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước phải có chế độ đãi ngộ tương xứng cho ngành”, ông Dũng nói.

Bác sĩ Lê Thanh Liêm - Giám đốc sở Y tế Long An thì cho rằng: “Những năm gần đây ngành y tế ĐBSCL có tăng trưởng về số lượng, về nhân sự ngành. Tuy nhiên về lâu dài nên phát triển chất lượng. Hiện nay, cơ cấu lực lượng cán bộ y tế trong ngành y sắp xếp không phù hợp. Lực lượng điều dưỡng rất quan trọng nhưng chúng ta rất ít quan tâm, ngược lại các nước trên thế giới rất quan tâm đến lực lượng này”.

Bên cạnh đó nên có tiếng nói mạnh mẽ đối với các anh em học chính quy để họ trở về. “Chính phủ có chính sách mang tính chất pháp luật bắt buộc thì các em phải về. Cũng chính vì mình không “lôi kéo" được các em học xong trở về quê hương nên dẫn đến “rối loạn” nguồn lực ngành y tế. Chúng ta đặt nặng vấn đề số lượng mà quên đi bài toán chất lượng. Tôi lấy thí dụ ở Thái Lan, một bác sĩ sau 6 năm ra trường cầm dao mổ được. Còn ở mình chưa chắc đã mổ được. Tôi từng nhận về nhiều người nhưng sau đó phải đào tạo lại, đào tạo thêm” - ông Liêm nêu quan điểm.

Phạm Tâm