Chật vật ở lại

Thay vì về quê làm việc với nhiều đãi ngộ, không ít lao động trẻ cố chấp ở lại thành thị dù phải trầy trật với việc làm.

Tốt nghiệp ngành dược Trường ĐH Y Dược TP HCM được 2 năm, dù chưa có việc làm ổn định nhưng chị Đinh Thùy Trang (quê tỉnh Nghệ An) vẫn quyết tâm ở lại TP. Do yếu ngoại ngữ nên chị đều rớt khi ứng tuyển vào các công ty dược đa quốc gia. “Công ty trong nước ít có nhu cầu tuyển trình dược viên nên tôi vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn” - chị Trang than thở.

Quyết tâm bám trụ!

Trang cho biết dù người thân khuyên về quê tìm việc nhưng chị lại lo lắng với môi trường làm việc khắc nghiệt cũng như lương bổng, chế độ tại địa phương.

“Cách làm việc ở quê không thoải mái, cơ sở vật chất cũng không bằng TP, liệu chúng tôi có cơ hội chứng tỏ bản thân? Hơn nữa, tôi còn nghe nói muốn xin được việc phải quen biết hoặc... đi cửa sau” - Trang lo ngại. Chị tạm cất tấm bằng ĐH Y Dược để học thêm nghiệp vụ kế toán, phục vụ cho công việc tại một công ty kinh doanh mỹ phẩm ở TP HCM.

Nhiều lao động trẻ quyết tâm tìm việc làm ở TP HCM. (Ảnh chụp tại một ngày hội việc làm)
Nhiều lao động trẻ quyết tâm tìm việc làm ở TP HCM. (Ảnh chụp tại một ngày hội việc làm)

Khó khăn hơn, Nguyễn Văn Nhật - cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, quê tỉnh Hà Tĩnh - phải vào nhà máy làm công nhân với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Hiện anh vẫn giấu gia đình việc mình phải làm công nhân để kiếm sống. “Nguy cơ thất nghiệp ở nông thôn luôn cao hơn thành thị. Lương cho vị trí đúng chuyên môn ở quê chưa chắc đã cao bằng việc làm trái ngành ở TP” - Nhật lý giải.

Theo khảo sát việc làm với sự tham gia của 2.657 lao động trẻ công bố sáng 29-7 của Công ty CP Adecco Việt Nam, 33,3% SV có kế hoạch du học sau khi tốt nghiệp. Hầu hết SV lựa chọn làm việc tại thành thị, ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 60% SV cho rằng môi trường làm việc là yếu tố quyết định nơi họ đầu quân. Điều đó có nghĩa đa số ứng viên trẻ đánh giá thấp môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ nhân tài ở quê nhà.

Nhiều nơi tìm cách thu hút nhân tài

Trong khi đó, để thu hút lao động trẻ, đa số địa phương đã thực hiện nhiều chính sách việc làm ưu tiên. Đơn cử ở Nghệ An, UBND tỉnh này đang triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân lực chất lượng cao năm 2014. Theo đó, SV tốt nghiệp ĐH loại giỏi, xuất sắc, thủ khoa; học sinh đoạt giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ĐH đều được xét tuyển thẳng vào công chức, viên chức.

Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An còn quy định các cơ quan đang thiếu người phải đăng ký công khai chỉ tiêu tuyển dụng, tránh trường hợp giấu biên chế để giải quyết cho “trường hợp khác”.

TP Đà Nẵng cũng là một trong những điểm sáng khi thực hiện hiệu quả việc mời gọi và giữ chân nhân tài. Hiện Đà Nẵng  áp dụng nhiều cách thức phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao như ưu tiên tuyển SV khá, giỏi; đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Theo thống kê, bình quân hằng năm, Đà Nẵng chi 75 tỉ đồng để đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong 15 năm qua, hơn 1.000 lao động trình độ ĐH trở lên đã được bố trí công việc tại địa phương.

Theo ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, TP đang tìm giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, y khoa. Việc chiêu mộ gắn liền với giữ nhân tài cũng được TP này đặc biệt quan tâm.

Phải lượng sức mình

Ông Khưu Thiên Tinh - Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm thanh niên TP HCM - nhận xét số SV tốt nghiệp CĐ, ĐH bổ sung vào lực lượng lao động TP ngày càng tăng (chiếm bình quân hơn 30% tổng nhu cầu tuyển dụng hằng tháng), gây nhiều trở ngại cho vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP.

“Thực tế cho thấy nhiều lao động đã thành công khi ở lại. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tấm gương khi chọn con đường lập nghiệp ở quê nhà. Lao động trẻ phải tự lượng sức để chọn cách lập nghiệp phù hợp với bản thân” - ông Tinh khuyên.

 

Theo Hồng Nhung

Người Lao Động