Tiếp tục tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010:

“Chạy” cho đủ chỉ tiêu

Đầu tháng này, báo chí thông tin Bộ GD-ĐT dự kiến tăng từ 5-7% chỉ tiêu tuyển sinh ĐH - CĐ so với năm 2010, ngay lập tức đã có ý kiến phản hồi bởi sự lo lắng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh tỉ lệ nghịch với chất lượng đào tạo.

Bốn ngày sau (4/11), báo chí lại đăng tải thông tin, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký công văn cho phép các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tiếp tục tuyển sinh, thời hạn kết thúc là ngày 15/11. 

Việc Bộ GDĐT quyết định phá lệ để “cứu” các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho thấy một lần nữa bộ tự thú nhận vì mức điểm sàn khống chế của bộ đã khiến nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Mà không đủ sinh viên học thì các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ rơi vào tình trạng “lỗ”. Năm 2010 điểm sàn mà bộ đưa ra vẫn giữ nguyên như bốn năm trước (13-14 điểm) mà các trường vẫn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh, bộ đành phải “vớt” cho các trường sao cho đủ sinh viên vào học.

Năm 2010 đã khan hiếm sinh viên vượt điểm sàn thế mà năm học 2011, bộ lại còn quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh, liệu bộ có đẩy các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại tiếp tục rơi vào tình trạng “đỏ mắt” đi tìm sinh viên. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã từng “đồng lòng” đề nghị bộ bỏ điểm sàn, vì điểm sàn của bộ vẫn còn ở mức cao so với kết quả thi của thí sinh. 13 - 14 điểm cho ba môn thi mà vẫn còn bị kêu là cao ư? Có hai phương án để Bộ GD-ĐT lựa chọn (đối với các trường vẫn phải thi vì đặc thù thì không có gì phải bàn).

Một là: Vẫn duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì việc bỏ điểm sàn là không thể để đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào. Tâm lý của cả phụ huynh lẫn thí sinh đều muốn được vào học các trường ĐH, CĐ công lập, vì vậy cần phải có con số thống kê tỉ lệ bao nhiêu trường ĐH, CĐ công lập có điểm chuẩn từ 17 điểm trở lên (bình quân mỗi môn cũng chỉ trên 5,5 điểm - mức điểm trung bình). Nhiều trường ĐH kể cả một số trường CĐ không mấy quan tâm đến điểm sàn vì điểm chuẩn vào trường cũng đã vượt quá xa điểm sàn. Vì vậy, điểm sàn chủ yếu dành cho các trường ngoài công lập. Chỉ cần đủ điểm sàn mà vẫn không vào được các trường ngoài công lập thì việc phụ huynh và thí sinh lo ngại vào học trường ngoài công lập là có cơ sở - đó là yếu tố chất lượng đào tạo, học phí lại cao không phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số gia đình.

Hai là: Không tổ chức thi tuyển sinh đầu vào như một số nước đã thực hiện. Ai muốn vào học ĐH, CĐ cũng được (vẫn có một số trường phải thi). Nhưng ở các nước họ rất nghiêm ngặt trong quá trình đào tạo và rất chặt đầu ra. Anh học 7 - 8 năm ĐH là việc của anh. Nhưng ở nước ta, trong quá trình đào tạo hệ ĐH, CĐ có làm chặt được như vậy không? Tình trạng mua bằng, mua điểm, mua cả luận văn tốt nghiệp đang rất phổ biến trong bậc học ĐH, CĐ. Trong thời điểm này, chúng ta phải thừa nhận không thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo chất lượng hết sức chặt chẽ này.

Vì vậy, giáo dục ĐH vẫn phải lựa chọn phương án 1. Trong khi vẫn lựa chọn phương án 1 mà bỏ điểm sàn thì chất lượng đào tạo giáo dục ĐH sẽ là “lớp 1 hóa” của bậc học phổ thông. 

Sự mâu thuẫn trong chủ trương đào tạo giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT đã bộc lộ một căn nguyên lúc tồn tại “ẩn”, lúc tồn tại “hiện”. Đó là cái đích phải đến: Chỉ tiêu đã đề ra không được thiếu. Nếu không đạt chỉ tiêu thì không có thành tích. Mục tiêu của chủ trương tiếp tục tuyển sinh năm 2010, trong khi các trường đã vào học được 2 tháng là làm sao để xét cho đủ tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 mà Bộ GD-ĐT đã xác định.

Theo Lê Huân
Lao Động