“Chạy trường” ở Singapore

Những tưởng ở một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Á thì các bậc làm cha mẹ không phải bận tâm chuyện trường lớp cho con. Nhưng không, năm nào cũng vậy, phụ huynh Singapore có con trong độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1 đều bị ám ảnh bởi những câu hỏi: làm sao biết được trường nào có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học (PSLE) cao nhất, trường nào đứng đầu trong các môn...

Năm học mới tại Singapore khai giảng vào tháng 1/2008 nhưng thông tin về việc đăng ký học sinh vào lớp 1 đã được Bộ Giáo dục Singapore (MOE) công bố từ giữa tháng 5 vừa rồi để phụ huynh chuẩn bị nộp đơn vào đầu tháng 7.

 

Theo hướng dẫn của MOE, việc đăng ký học sinh vào lớp 1 tại Singapore được tiến hành theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 ưu tiên cho học sinh đã có anh hoặc chị đang học tại trường mà phụ huynh muốn đăng ký. Điều này tạo thuận lợi cho gia đình đưa đón và quản lý các em. MOE cũng quy định rõ thời gian các trường phải trả lời cho phụ huynh. Ví dụ như vào ngày 3 và 4/7/2007, tất cả các học sinh đáp ứng tiêu chuẩn của giai đoạn 1 sẽ biết được kết quả. Kế tiếp, học sinh nào có cha mẹ là hội viên hội cựu học sinh của trường sẽ được ưu tiên.

 

Giai đoạn 2 này cũng ưu tiên cho học sinh có cha mẹ là thành viên ban quản lý hay tư vấn của trường hoặc học sinh có cha mẹ, anh chị từng học tại trường. Cũng trong giai đoạn này, ưu tiên sẽ dành cho học sinh nào có cha mẹ đã đóng góp ít nhất 40 tiếng đồng hồ cho hoạt động công ích của trường tính từ ngày 1/7/2006; hoặc học sinh có cha mẹ là thành viên hay hội đoàn có quan hệ trực tiếp với trường; hoặc học sinh có thư giới thiệu của một nhà lãnh đạo cộng đồng hay đại biểu quốc hội.

 

giai đoạn 3 dành cho những học sinh không đạt yêu cầu “nhất thân, nhì thế” như đã trình bày ở trên. Trong trường hợp số học sinh nộp đơn đủ tiêu chuẩn cho giai đoạn 1 và 2 vượt quá số lượng định mức của từng trường, việc đăng ký sẽ được tiến hành bằng cách bốc thăm. Học sinh nào nhà ở cách trường trong bán kính 1km là ưu tiên 1; 2 km là ưu tiên 2; trên 2 km là ưu tiên 3. Và đây là một trong những nguyên nhân phát sinh hiện tượng “chạy” trường tại Singapore theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

 

Nhiều phụ huynh nhanh chóng trở thành tình nguyện viên để phục vụ công ích cho trường từ tháng 6 năm ngoái. Những ai không có thời gian thì cũng liên hệ với các trường đề nghị góp sổ vàng, có người góp không dưới 10.000 đô la Singapore.

 

Tờ Straits Times dẫn lời của bà Cheryl Lim, Hiệu trưởng trường Rulang ở phía Tây Singapore, một trong những trường tiểu học nổi tiếng về nghiên cứu người máy (robotics) và công nghệ thông tin, cho biết: “Chúng tôi phải từ chối việc đóng góp tài chính vì nếu không sẽ không công bằng với các phụ huynh đã dành thời gian cống hiến tự nguyện cho trường”.

 

Bà Jenny Yeo, Hiệu trưởng trường Tiểu học South View ở Choa Chu Kang thì chia sẻ: “Chúng tôi có cơ chế ưu tiên công khai rõ ràng. Thậm chí phụ huynh không có quan hệ gì với trường cũng có thể được ưu tiên nếu trở thành tình nguyện viên đóng góp cho trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đến giờ chót mới… tình nguyện”.

 

Thế nhưng muốn trở thành tình nguyện viên cũng không dễ, ví dụ như tại trường Tiểu học Rulang, vì số lượng nộp đơn quá đông, phụ huynh phải qua một hội đồng xét chọn. Năm ngoái, có 110 phụ huynh muốn làm tình nguyên viên nhưng chỉ có 44 người được chọn.

 

Phần lớn phụ huynh Singapore cũng khá lo xa và có người đã tình nguyện làm không công cho trường từ rất nhiều năm trước. Không rõ các bậc phụ huynh Singapore sẽ “chạy” như thế nào để có được thư giới thiệu của đại biểu quốc hội hay lãnh đạo cộng đồng nơi mình cư trú. Tuy nhiên, với nền quản lý hành chính trả lương cao cho công chức nhà nước và triệt để chống tham nhũng, việc “chạy” được loại giấy tờ này quả không phải dễ dàng.

 

Mặc dù thông tin của MOE khá đầy đủ và rõ ràng nhưng tờ Straits Times - nhật báo chính thống duy nhất của Singapore, cũng phải ra một chuyên đề vào cuối tháng 5 vừa rồi để cố gắng giải đáp các thắc mắc trong đó có câu hỏi muôn thuở của phụ huynh là làm thế nào để biết được trường nào tốt.

 

MOE không công bố việc xếp hạng các trường tiểu học nhưng phần lớn phụ huynh Singapore vẫn tin rằng chín trường tiểu học Singapore hiện đang dạy học sinh theo chương trình giáo dục năng khiếu (Gifted Education Programme-GEP) là “lò” đào tạo học sinh giỏi.

 

Thật ra, GEP gồm những học sinh được tuyển chọn từ nhiều trường tiểu học khác qua các kỳ thi và nhiều em đạt điểm cao trong PSLE cũng là điều dễ hiểu. Theo nhiều chuyên gia, cho con vào học tại một trường có tỷ lệ đỗ PSLE cao nhất trong suốt mười năm qua không hẳn là tốt vì có nhiều em không “trụ” nổi trong môi trường có quá nhiều yếu tố cạnh tranh. Ý kiến này được nhiều bậc phụ huynh đồng tình nhưng nói gì thì nói, ai cũng muốn con mình được vào những trường được đánh giá là tốt nhất. Và với bản tính cố hữu của người Singapore gốc Hoa, không ai muốn mình là kẻ thua cuộc.

 

Theo Lê Hữu Huy
Thời báo Kinh tế Sài Gòn