Chế độ cử tuyển: Làm sao đúng đối tượng?

Tăng chỉ tiêu cử tuyển, dự bị ĐH và mở rộng vùng tuyển sinh sang khu vực I, khu vực II đối với dân tộc thiểu số, khu vực chưa có hoặc có rất ít cán bộ được đào tạo ở trình độ ĐH, CĐ là một số dự định sẽ được Bộ GD - ĐT đưa ra vào ngày 20/1 tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chế độ cử tuyển.

Vấn đề được đặt ra là làm sao tuyển đúng đối tượng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp khi thực hiện chế độ này?

 

Đáp ứng yêu cầu bức thiết về cán bộ là người dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từ năm 1990, Bộ GD-ĐT đã tuyển sinh, mở các lớp riêng hệ cử tuyển tại một số trường ĐH-CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

 

Đến nay, sau 15 năm thực hiện chế độ cử tuyển, đã có 20.590 học sinh được tuyển vào các trường ĐH-CĐ trung ương, các trường cao đẳng sư phạm địa phương, các trường và cơ sở đào tạo hệ trung cấp.

 

Sau khi tốt nghiệp, có 80,7% sinh viên trở về địa phương công tác, nhiều cán bộ là sinh viên cử tuyển đã được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt của các tỉnh, một số cán bộ đã phấn đấu học sau ĐH.

 

Sắp tới, sẽ còn nhiều ưu tiên cho học sinh các dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn như: chỉ tiêu cử tuyển năm 2006 là 2.560, hệ dự bị đại học là 2.710 (tăng khoảng 10% so với năm 2005); chỉ tiêu đào tạo sẽ tăng dần cho cả hai hệ cử tuyển và dự định đến năm 2010, chỉ tiêu mỗi hệ là 3.000 học sinh; nâng mức học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước, đảm bảo mức chi tối thiểu cho một sinh viên cử tuyển một năm không thấp hơn 10 triệu đồng.

 

Cử tuyển là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu đào tạo cán bộ để trở về phục vụ đồng bào ở địa phương mình. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện công việc này vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch đào tạo; chưa có sự phối hợp giữa địa phương với các trường trong việc quản lý, đào tạo; ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng, việc tiếp nhận sử dụng số sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp của một số địa phương chưa tốt. Ở một số nơi, việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa căn cứ vào nhu cầu sử dụng, việc tuyển học sinh đi học còn thiếu công khai, dân chủ, thậm chí tuyển sai đối tượng, sai vùng tuyển.

 

Trước diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao đã cho biết, trong 5 năm thực hiện chế độ cử tuyển ở Quảng Bình thì có đến 122 học sinh người Kinh trong tổng số 177 chỉ tiêu của tỉnh (69%). Có nơi, sinh viên tốt nghiệp trở về không được bố trí công tác vì chính quyền địa phương cho rằng những sinh viên này đã tốt nghiệp diện cử tuyển (dù chính địa phương cử đi học!). Có nơi lại "biến" người Kinh thành người thiểu số để được xét tuyển. Có địa phương chưa tổ chức dạy lớp 12 mà đã có người Kinh tốt nghiệp ĐH (diện cử tuyển) và sau đó đi nhận công tác ở... tỉnh khác!

 

Chính vì những hạn chế nêu trên, Bộ GD-ĐT dự định trình Chính phủ ban hành nghị định về việc bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với những người không chấp hành sự điều động công tác sau tốt nghiệp diện cử tuyển.

 

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị với các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc; nâng cao nhận thức để có cách nhìn đúng đắn về mục tiêu của chế độ cử tuyển; chú ý chuyển hướng tăng dần cử tuyển đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề.

 

 

Theo Nhựt Quang

Thanh Niên