Chê đồng phục xấu thì cấm bay, dừng học?

Cách hành xử của những người lớn ở đây thật đáng tiếc. Câuchuyện quá đơn giản này lẽ ra cần được xử lý êm thấm thay vì trở thành mộtscandal khiến cộng đồng bận tâm.

Câu chuyện chỉ vì lời chê thiết kế cà vạt của một bà mẹ trên Facebook tại TP. HCM khiến con phải thôi họctại trường đang làm cho cộng đồng dậy sóng. Cả hai phía đều trình bày những tình tiết hợp lý cho bản thân khiến khó có thể kết luận ai sai, ai đúng. Nhưng có một thiệt hại nhãn tiền, đó là em bé đã phải chuyển sang trường mới. Trong khi đó, lời khen tiếng chê về câu chuyện bé xé ra to này vẫn còn chưa dứt.

Nếu cứ chê là cấm, đuổi

Nhớ lại khi một hãng hàng không Việt Nam đưa ra mẫu đồng phục mới của tiếp viên, rất nhiều người đã lên tiếng chê bai bằng cách bình luận trên báo hay trên trang cá nhân. Không ít lời chê thậm tệ, đó là chưa kể những trận “ném đá” tơi bời của cộng đồng mạng. Thậm chí nhiều người rất nổi tiếng như hoa hậu Đặng Thu Thảo, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng chê xấu...

đồng phục, tiếp viên hàng không, trường học, học sinh, Facebook, mạng xã hội, hiệu trưởng

Đồng phục tiếp viên hàng không luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh minh họa

Dạo sơ sơ trên mạng cũng đọc được đầy rẫy những ý kiến chê bai như “Màu sắc nhợt nhạt, nhìn giống đồ cũ quá”, “Có lẽ mắt tui bị lé và quáng gà chăng... quá xấu” hay “đồng phục mới trông rất thô kệch và tầm thường” , “Trông xa thì tưởng Thúy Kiều, đến gần mới biết người yêu Chí Phèo”.

Khi đó có cả những tiếp viên hàng không của hãng này cũng lên Facebook cá nhân chê đồng phục và được báo chí đăng tải. Báo chí đã đăng tải một ý kiến trong số đó chê màu đồng phục, đại ý: Màu xanh da trời của bản gốc đang đẹp. Màu thực tế (của đồng phục mới) làm cho Bạch Tuyết cũng phải tưởng là Lọ Lem.

Cứ giả sử, nếu hãng hàng không này vì giận dỗi khách hàng hay nhân viên đã chê bai đồng phục mới của hãng mà ra lệnh cấm bay hay đuổi việc hàng loạt thì mọi chuyện sẽ ra sao? Tuy nhiên, điều này không xảy ra, và sau hàng loạt lời khen tiếng chê, hãng hàng không vẫn cho triển khai việc sử dụng đồng phục mới.

Tương tự, không lẽ chỉ vì lời chê bai của một bà mẹ trên Facebook cá nhân, (cho dù với những lời lẽ có thể chưa đúng mực) mà một em bé phải rời trường cũ sau 2 năm học tập? Giả định không chỉ một mà nhiều bà mẹ cùng có lời chê trên Facebook thì nhà trường sẽ xử lý với con của họ thế nào đây?

Khi người lớn cần học giao tiếp

Xưa có câu “Đừng để chuyện trẻ con biến thành chuyện người lớn”. Nhưng trong trường hợp này, rõ là “Chuyện người lớn biến thành chuyện trẻ con”.

Cách hành xử của những người lớn ở đây thật đáng tiếc. Câu chuyện quá đơn giản này lẽ ra cần được xử lý êm thấm thay vì trở thành một scandal khiến cộng đồng bận tâm.  Nếu như  bà mẹ nói năng trên FB đúng mực hơn. Nếu như nhà trường biết cách lắng nghe, tiếp thu góp ý của bà mẹ và hai bên đi đến thống nhất trong việc sử dụng cà vạt cho bé . Nếu như cả hai bên đều giảm bớt cái tôi quá lớn khi mải bận tâm chứng minh đúng sai trong một câu chuyện cỏn con… Nếu như... thì em bé đã không bị tổn thương và những người lớn sau đó không phải nặng lòng .

Nói như một ý kiến trên mạng “Bà hiệu trường buồn vì bà sợ không còn học sinh đi học. Còn phụ huynh buồn vì mình không chọn đúng trường cho con. Còn tôi thì buồn cho những em nhỏ sẽ lớn lên như thế nào khi xã hội toàn công kích, chỉ trích”.

đồng phục, tiếp viên hàng không, trường học, học sinh, Facebook, mạng xã hội, hiệu trưởng

Hình ảnh chiếc cà vạt "gây" scandal. Ảnh: Kênh 14

Trở lại với scandal chiếc cà vạt. Có thể thấy rằng đây sẽ không phải là câu chuyện độc nhất vô nhị hay hi hữu. Bởi các trang cá nhân hiện ngày càng trở nên phổ biến, với tác động và sức lan truyền khó ai đo lường , hình dung hết.

Trường học hay rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẽ không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với các ý kiến khen chê, bài bác từ các cá nhân phụ huynh hay người dân, khách hàng… trước một hành động, thái độ hay sản phẩm khiến họ không hài lòng. Điều quan trọng là nhà trường cần ứng xử như thế nào cho phù hợp. Bởi đây là công việc liên quan đến quan hệ công chúng, đến danh tiếng nhà trường, thậm chí đến cả đạo đức trong giáo dục. Cách hành xử và phát ngôn không cẩn trọng sẽ gây ảnh hưởng cho chính nhà trường, thậm chí làm trò cười cho công chúng.

Ở phía ngược lại, các bậc phụ huynh cũng phải thấy rằng không phải có Facebook cá nhân là muốn nói gì thì nói. Bởi những ý kiến này có thể lan truyền với tốc độ phi mã và gây tác hại cho đời sống của gia đình họ, con cái họ và đến các cá nhân, tổ chức khác. Vì thế, khi nêu ý kiến cần tìm ra cách thức, kênh phản hồi thích hợp, ngôn từ đúng mực.  Nhất là nếu phụ huynh thực tâm muốn đóng góp ý kiến để nhà trường lắng nghe, tiếp thu và thay đổi.

Câu chuyện tưởng nhỏ, song lại là một dịp cần thiết để người lớn soi lại mình.

Theo Nguyễn Anh Thi (Vietnamnet)