“Chỉ có học mới thoát nghèo”

(Dân trí) - Đó là lời phát biểu của ông Phạm Thành Lễ (SN 1951, ngụ xã Khánh Hoà, Châu Phú, An Giang) tại buổi họp mặt gia đình văn hoá tiêu biểu do xã tổ chức cuối năm 2007. Mặc dù gia đình khó khăn nhưng ông Lễ vẫn cho 10 người con ăn học thành tài.

Ông Lễ cho biết, trước đây cha mẹ của ông sống bằng nghề kéo lưới, cuộc sống nghèo khó quanh quẩn, cơm không đủ ăn. Là anh cả nên ông vừa phụ tiếp gia đình, vừa đi học. Lúc còn nhỏ ông đi học thường nghe thầy cô nói “chỉ có học mới thoát nghèo”. Từ đó ông Lễ quyết chí theo đuổi giấc mơ đến trường.

 

Vì muốn tiếp tục đến trường nên lên lớp 9, ông đi ở cho người ta để có tiền học tiếp. Sau khi có tấm bằng công nhận tay nghề y tá, ông xin về trạm y tế xã và xin mở phòng mạch tại gia đình để có tiền nuôi tiếp 2 người em của ông ăn học, giờ họ cũng thành đạt.

 

Lo cho các em xong, ông lại lo cho 10 đứa con học hành. Ngoài số tiền mà ông kiếm được từ việc điều trị bệnh, ông cùng vợ còn nuôi heo, tặn tiện chi tiêu tích luỹ mua được 4 công đất ruộng làm lúa để tiếp thêm kinh tế cho gia đình.

 

Thời gian đầu, vợ chồng ông cùng các con gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì nhà tới 12 miệng ăn.Tuy nhiên vất vả mấy, khó khăn mấy, ông bà cũng nhất quyết không cho các con nghỉ học. Ông Lễ cho biết, nhiều khi mấy đứa con đầu đòi nghỉ học phụ tiếp gia đình nhưng vợ chồng tôi không cho.

 

Tâm sự về kinh nghiệm giáo dục con cái, ông Lễ nói: “Chúng tôi thường dạy các con sống tiết kiệm, phát huy tính tự lập, tự giác trong học tập, trong công việc. Thường xuyên khuyến khích động viên các con học tập, gia đình là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho các con cố gắng vươn lên.

 

Làm cha làm me, trước hết mình phải làm gương trong mọi việc như sống tiết kiệm, tôn kính cha mẹ, ông bà. Để dạy các con hiểu những điều bổ ích mình phải giáo dục từ nhỏ, không bao giờ chưởi mắng mà chỉ phân tích cho chúng nó hiểu cái đúng, sai trong cuộc sống hằng ngày”.

 

Ông Lễ cho biết thêm, đầu năm học tôi thường đến trường trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để xem sức học của con em mình, nếu có kém thì yêu cầu giáo viên báo cho gia đình ngay để điều chỉnh lại cách học và theo dõi con cái thường xuyên hơn.

 

Chính vì thế mà các con của ông Lễ đã không phụ lòng cha mẹ, 10 đứa con đều cố gắng học và đã có những người thành đạt từ Trung cấp đến Đại học. Đứa con lớn Phạm Thành Khiêm - Tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, hiện đang công tác tại Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang. Đứa thứ hai Phạm Thành Đức - Tốt nghiệp Trung cấp y tế Cần Thơ và Trung cấp quân y TPHCM, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Châu Phú. Đứa thứ 4 Phạm Hồng Loan đang học thạc sĩ y khoa - ĐH Y Dược TPHCM. Những đứa còn lại có 2 người tốt nghiệp Trung cấp y tế An Giang và đang tiếp tục học lên ĐH Y Dược TPHCM, có 2 người đang học ĐH Y Dược Cần Thơ, 2 người đang chuẩn bị thi ĐH và đứa con út đang học lớp 10.

 

Trên vách nhà của ông Lễ có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ về sự học và những điều hay lẻ phải trong cuộc sống mà ông Lễ đã treo để nhắc nhở con cái, như câu “Học mãi học hoài, có chí thì nên”.

 

Gia đình ông Lễ là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu ở huyện Châu Phú, cũng là một tấm gương cho nhiều gia đình học tập, góp phần nâng cao dân trí. Gia đình của ông được tặng giấy khen trong nhiều năm liền về sự hiếu học của huyện, tỉnh.

 

Huỳnh Hải - Phan Phụng