Hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường:

Chỉ là phong trào?

(Dân trí) - Theo đánh giá của Trung tâm lao động hướng nghiệp (Bộ GD-ĐT), công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường hầu như chỉ mang tính phong trào và chẳng mấy có tác động đến việc lựa chọn nghề tương lai cho các em.

Dạy nghề hướng nghiệp cho HS phổ thông trong nhiều năm qua chỉ là... mặt hình thức. Hậu quả là hàng năm, khi hầu như tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đổ dồn vào thi đại học chỉ có khoảng gần 20% số này trúng tuyển, thì 80 % số còn lại đã “rơi” ra ngoài xã hội trong trạng thái "bơ vơ". Và dĩ nhiên nhiều người đã bắt đầu đánh dấu hỏi  trở lại về công tác hướng nghiệp trong nhà trường là như thế nào?

 

Hữu sinh vô dưỡng

 

Nhiều nhận xét cho rằng, cũng như nhiều phong trào khác của ngành giáo dục, việc hướng nghiệp cũng chỉ chạy theo thành tích, chưa chú trọng đến chất lượng!

 

Đội ngũ giáo viên chuyên trách về dạy nghề và tư vấn hướng nghiệp: Có chẳng là bao! Tài liệu hướng dẫn, trang bị kỹ thuật: Có cũng như không! Việc tư vấn nghề cho học sinh thì nặng lý thuyết, giáo điều, lạc hậu với thông tin ngoài xã hội. Học sinh theo học chỉ vì bắt phải học và vì học để cộng điểm tốt nghiệp!

 

Đã thế, với chương trình học văn hoá và tâm lý khoa cử quá nặng nề, nhiều địa phương “lờ ” đi hoạt động của các trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp(KTTH-HN) nên chẳng có một định hướng nào cho loại hình này. Nhưng cũng có nơi hoạt động tích cực hơn bằng cách… chuyển béng chúng thành những trường nghề, cho oai. Con đường hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh vì thế mà càng ngày càng teo tóp.

 

Không tương lai

 

Thực tế đã chứng minh, công tác hướng nghiệp nghề trong trường phổ thông đã luôn đứng bên lề đối với việc chọn trường, chọn nghề của học sinh phổ thông. Các em có nguyện vọng được hướng nghiệp, tuy nhiên không phải được hướng theo những thông tin cũ rích! Có nhiều nghề đáng lẽ phải sớm đưa vào giảng dạy nhưng vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất nên không thể thực hiện trong khi nhiều nghề hoàn toàn không phù hợp với địa phương thì được đưa vào dạy tràn lan!

 

Lẽ ra, việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông phải được coi là kiến thức phổ thông cần có đối với tất cả học sinh phổ thông và đó phải được xem như là mục tiêu của giáo dục toàn diện thì hiện nay, hướng nghiệp học nghề đang gánh một nhiệm vụ… không phaỉ là của mình. Đó là: dạy nghề nào, ra làm nghề đó nên gây tâm lý nặng nề và vô cùng thụ động cho người học!

 

80% số học sinh tốt nghiệp THPT trượt đại học tương đương với khoảng 20,30 vạn thanh niên trong độ tuổi lao động “rơi” ra ngoài xã hội mỗi năm không được hướng nghiệp đến đầu đến đũa! Vấn đề bức thiết như vậy, nhưng dạy nghề hướng nghiệp cho học sinh vẫn tiếp tục là con đường mòn không có tương lai.

 

Mai Minh