Câu chuyện giáo dục:

Chiếc phong bì bị từ chối

(Dân trí) - Nhân ngày lễ, có dịp gặp gỡ trao đổi với giáo viên của con, khi tặng hoa cho cô, một ông bố đã tranh thủ nhét thêm chiếc phong bì như một lời “gửi gắm”. Cuối giờ, khi anh chuẩn bị dắt xe ra về thì bất ngờ nghe tiếng cô giáo gọi lại...

1. Cuộc đối thoại của hai mẹ con họ diễn ra tại một nhà sách nằm trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) ngay trước dịp lễ 20/11. Người mẹ dẫn con đi chọn quà cho cô giáo. Thấy mẹ con chọn sổ, cô bé tầm 9 - 10 tuổi lắc đầu quầy quậy rồi đưa thay chỉ về chiếc đồng hồ cát ở gian hàng lưu niệm: “Con thích tặng cô cái này. Cô hay chơi với tụi con nên con biết cô cũng… thích đồ chơi lắm”.

Người mẹ dường như không nghe thấy lời con, vẫn chăm chú vào việc của mình. Cô bé níu mạnh tay mẹ, lại chỉ về phía chiếc đồng hồ cát. Người mẹ… hồn nhiên: “Vớ vẩn, cô chẳng thích sổ mà cũng chẳng thích đồng hồ cát. Mẹ mua sổ là để kẹp phong bì tặng tiền cho cô, hiểu chưa?”. Cô bé vùng vằng bảo vệ quan điểm của mình: “Không, cô con không thích tiền, cô thích đồng hồ cát với hoa thôi”.

Sự nì nèo của cô bé làm người mẹ nổi cáu: “Con biết cái gì, cô nào mà chả thích… tiền. Đồng hồ cát có ăn được không? Ngày lễ này mẹ mất cả nửa triệu bạc để đi cô con đấy, hơi đâu bỏ tiền mà mua đồng cát nữa”.

Mặc cho sự thất vọng trên vẻ mặt của con, chị cầm cuốn sổ tay ra để tính tiền. Cô bé vẫn lắc đầu không chịu cho đến khi bị người mẹ kéo ra khỏi nhà sách…

2. Nhân ngày lễ, có dịp gặp gỡ trao đổi với giáo viên của con, một ông bố khi tặng hoa cho cô giáo đã tranh thủ… đút thêm chiếc phòng bì như một lời “gửi gắm”.

Trong đó có kèm tấm thiệp không chỉ để ghi lời chúc mừng tới giáo viên mà quan trọng hơn để ghi tên bé con nhà mình. Anh hoàn toàn tự tin với hành vi này đinh ninh cô nào chả… thích phong bì và còn biết có những phụ huynh khác cũng “nhắn nhủ” tới cô như mình.

Cuối giờ, khi anh chuẩn bị dắt xe ra về thì bất ngờ nghe tiếng cô giáo gọi lại. Cô tiến đến chỗ anh, gửi lại chiếc phong bì, nói rất nhẹ nhàng: “Giỏ hoa em xin nhận nhưng cái này em gửi lại. Anh không phải lo lắng quá, em sẽ chăm sóc các bé hết sức của mình”. Biết cô giáo không nhận, người đàn ông chỉ biết…. đứng gãi đầu và cười như đang chữa ngượng cho mình.

Câu chuyện về “chiếc phong bì bị từ chối” đó sẽ không ai biết đến. Cho đến một ngày người bố ấy không muốn im lặng, quyết định viết thư cảm ơn gửi lên ban giám hiệu kể về “bí mật” của cô giáo và mình. Hiệu trưởng xuống trò chuyện với giáo viên nọ, lúc này cô mới giải thích: “Em không thể nhận bồi dưỡng của phụ huynh để mong mình giữ sự công bằng, đối xử tốt nhất có thể với tất cả các trẻ”.

Lý do không kể chuyện này với ai, cô giáo công tác tại Trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TPHCM) bày tỏ: “Liệu khi mình kể ra có ai tin không?”. Nghe mà chua xót nhưng đúng là rất thật vì lâu nay nhà giáo thường đã bị “gán” với những điều không hay.

Việc phụ huynh đi quà phong bì cho giáo viên nhiều năm gần đâu không còn xa lại, nhất là ở thành phố. Thay vì phải vắt óc suy nghĩ tặng quà gì cho cô, nhiều phụ huynh gửi… phong bì cho tiện. Nhiều người mặc định “Cô nào chả thích… phong bì” như thể là một định luật - vừa gọn vừa tiện hơn bất kỳ món quà nào. Điều này đã “vơ đũa cả nắm” và đưa đến cái nhìn méo mó về hình ảnh người thầy.

Đau lòng hơn là có những phụ huynh còn áp đặt suy nghĩ theo hướng tiêu cực và toan tính của mình lên đầu con trẻ!

Hoài Nam

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN