Chiến lược giáo dục chưa ra... “chất” chiến lược

(Dân trí) - Ngày 14/1, tại Hội thảo góp ý về Chiến lược phát triển giáo dục Việt nam 2009-2020 do Viện nghiên cứu giáo dục thuộc ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược cần phải được sửa đổi nhiều.

Mục tiêu còn mang tính khẩu hiệu

Theo GS-TSKH Lê Ngọc Trà, “còn rất nhiều vấn đề cần xem lại trong Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Cụ thể, trong phần phân tích những nguyên nhân yếu kém của chiến lược còn chung chung, chưa đúng… Các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục có quan điểm chưa có nội dung. Như quan điểm “phát triển giáo dục của dân, do dân và vì dân”. Vậy hóa ra lâu nay chúng ta làm giáo dục không cho dân không vì dân hay sao?”

“Tất cả các mục tiêu đều không rõ ràng, mang tính chất khẩu hiệu nhiều hơn. Một chiến lược của quốc gia mà như thế thì chưa thể chấp nhận được. Chiến lược không ra chiến lược, kế hoạch không ra kế hoạch. Chiến lược phải nêu những chủ trương, tư tưởng lớn còn kế hoạch thì phải có mốc thời gian. Nên xây dựng lại một chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam từ đây đến 2020”, GS-TSKH Lê Ngọc Trà nói.

TS Nguyễn Cam, Viện nghiên cứu giáo dục, cũng cho rằng, chiến lược giáo dục hiện nay chưa phải là một chiến lược phát triển giáo dục đúng nghĩa. Theo ông, trong chiến lược phát triển giáo dục này, các vấn đề nổi cộm của giáo dục Việt Nam lại rất mờ nhạt. Ông nhấn mạnh: “Để chiến lược thực sự là chiến lược thì việc phân tích thực trạng nền giáo dục hiện tại phải thật sự cụ thể chính xác…”.

Còn theo PGS-TS Thái Bá Cần, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thì: “Một loạt các giải pháp trong chiến lược của mình cũng hơi lệch so với các mục tiêu đề ra”. So sánh với những chiến lược của nhiều nước trên thế giới, ông nhận định “chiến lược của mình không giống họ, nâng cao chất lượng và tăng cường cơ sở vật chất thì ở thời điểm nào cũng đúng và bất cứ nơi đâu cũng xài được. Mục tiêu chung chung như thế khó mang lại hiệu quả.

Khá nhiều ý kiến tại cuộc hội thảo cho rằng chiến lược này vẫn còn vận dụng cách làm cũ của mấy chục năm nay, chưa có gì là đổi mới và tư duy làm chiến lược giáo dục của ta hiện nay là tư rất cũ.

Cần nhìn vào thực tế

Góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020, GS Phạm Phụ, ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng, chiến lược phải trả lời được 3 câu hỏi: “Chúng ta đang đứng ở đâu? Chúng ta muốn cái gì và đi đến đâu? và Làm thế nào để đi đến đó?”.

TS Nguyễn Cam đề nghị, trước mắt chiến lược phát triển giáo dục của ta cần tập trung giải quyết hai vấn đề là giáo dục phổ thông và đại học. Giáo dục phổ thông phải làm thế nào để học sinh học ít lại và giáo dục đại học cũng phải theo hướng để sinh viên có thời gian thẩm thấu kiến thức. Cứ như hiện nay, tôi thấy chúng ta đang hành hạ con em quá của chính mình. Cần có cuộc cải cách giáo dục, cải cách chương trình triệt để.

Đồng quan điểm trên, TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng: Chiến lược phát triển giáo dục của ta hiện nay, tôi thấy chưa được. Đọc qua chiến lược ai cũng thấy toàn là tư tưởng và ước muốn chứ chưa có những công việc cụ thể. Chúng ta cần dựa trên một cơ sở khoa học, cơ sở thực tế đặc biệt là những quy luật phát triển của hoạt động giáo dục để định ra một hướng chuẩn mực, toàn diện và cân đối hơn”.

Nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Thiệu Hùng, đưa ra một vấn đề rất thực tế là dự thảo chiến lược giáo dục còn bỏ sót nhiều vấn đề lớn mà xã hội đang rất bất bình như tình trạng nhà trường chỉ lo chạy theo chất lượng mà coi nhẹ việc giáo dục đạo đức cho học sinh; tình trạng dễ dãi trong việc thành lập các trường đại học “hữu danh vô thực”; uy tín của các trường đại học đang mất dần do tình trạng “hàng giả, hàng kém chất lượng”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để xây dựng thành công một dự thảo chiến lược phát triển ngành giáo dục, cần thành lập một ủy ban soạn thảo độc lập. Quan trọng là cần phải có một ủy ban soạn thảo độc lập, tập hợp được những nhà trí thức tài giỏi trong và ngoài nước. Và phải là những trí thức đích thực chứ không phải những trí thức hành chính hay các cán bộ lãnh đạo của Bộ.

Đoàn Quý