TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

"Chiến lược phát triển giáo dục đang lạc hướng?"

"Chiến lược phát triển giáo dục của chúng ta dường như đang lạc hướng. Lẽ ra chúng ta phải đầu tư phát triển cho giáo dục mầm non đầu tiên thì ta lại tập trung đầu tư cho đại học và giáo dục phổ thông".

Buộc trường không phép phải đóng cửa, giáo viên bạo hành phải rời khỏi ngành, thành lập tổ chức giám sát cộng đồng, bắt buộc các nhà máy, xí nghiệp phải xây nhà trẻ cho con em công nhân, ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non… Đó là hàng loạt những giải pháp được TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - đề xuất nhằm chấm dứt tận gốc nạn bạo hành trẻ mầm non.

Trẻ bị bạo hành dễ mắc tự kỷ

Kết quả giám định sức khỏe của các bé trong vụ bạo hành trẻ em tại Trường Mầm non Phương Anh (TP.HCM) cho thấy các bé không bị tổn thương gì về thân thể. Nhưng theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Tổn thương về thực thể đối với trẻ bị bạo hành chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, tất cả những tổn thương thể chất dù nặng hay nhẹ đều có thể chữa khỏi ngày một ngày hai, điều tôi muốn nói đến là tổn thương về tinh thần.

Các bé bị bạo hành còn rất nhỏ chỉ từ 1 - 3 tuổi, thời gian bạo hành kéo dài sẽ gây ra vết hằn tâm lý khó xóa bỏ. Không chỉ tinh thần hoảng loạn, mất ngủ, sợ ăn, những bé bị bạo hành sẽ rất sợ trường học, sợ cô giáo, sợ người lạ, chúng chỉ biết bấu víu vào người thân. Lâu dần sẽ dẫn đến trầm cảm, tự kỷ. Đây cũng có thể được coi là một trong những nguyên nhân mà trẻ tự kỷ ở nước ta ngày càng gia tăng”.
 
 
TS Nguyễn Tùng Lâm.
TS Nguyễn Tùng Lâm.

Ông Lâm cũng hết sức ngạc nhiên khi các bé bị bạo hành trong một thời gian khá dài mà bố mẹ không phát hiện ra. “Trong sự việc này cũng có phần trách nhiệm của những ông bố, bà mẹ, không thể đổi lỗi cho bận rộn mà không quan sát được những biểu hiện bất thường của con mình mỗi khi đi học về” - ông Lâm nói.

Phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ở các trường tư thục cứ ngày một nhiều mà các cơ quan chức năng không có nổi một giải pháp triệt để chấm dứt tình trạng này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm: "Có 3 vấn đề ta đã để dây dưa: Thứ nhất là công tác quản lý, từ chỗ cấp phép hoạt động cho tới việc phân cấp quản lý các cơ sở mầm non tư thục đều có vấn đề. Địa phương thì tưởng đó là trách nhiệm của ngành giáo dục, trong khi ngành giáo dục quản lý không xuể thì cho rằng đó là “phần” của địa phương.

Thứ hai, đó là chiến lược phát triển giáo dục của chúng ta dường như đang lạc hướng. Lẽ ra chúng ta phải đầu tư phát triển cho giáo dục mầm non đầu tiên thì ta lại tập trung đầu tư cho đại học và giáo dục phổ thông. Trong khi đó, việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi mới làm nhưng vẫn chưa đến nơi đến chốn.

Thứ ba là chiến lược đào tạo giáo viên mầm non còn rất yếu. Nhiều nước trên thế giới, giáo viên mầm non của họ phải có bằng thạc sĩ.

Tôi còn nghe nhiều người cười nhạt mà nói rằng: “Giáo viên mầm non chỉ cần thổi được cơm cho chín là được”. Nghề nghiệp không được coi trọng, mức lương thấp nhất trong các bậc học, đào tạo thời gian ngắn hạn nhất… mà lại đặt họ giảng dạy một lứa tuổi quan trọng nhất của cuộc đời một con người. Từ 0 - 6 tuổi được coi là “độ tuổi vàng” phát triển về trí tuệ, cảm xúc, tư duy, sức đề kháng… Như thế, thử hỏi vì sao mọi thứ không be bét?".

Cần “mạnh tay” cho giáo dục mầm non

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để chấm dứt tận gốc nạn bạo hành trẻ em, các cấp các ngành trong hệ thống quốc gia phải vào cuộc thật sự. “Cái gì cần sửa phải sửa ngay, cái gì cần đập ra làm lại từ đầu cũng không được tiếc” - ông Lâm nói.

Các nhóm trẻ tự phát không phép phải được xóa bỏ hoàn toàn. (Ảnh minh họa: Tùng Anh)

Các nhóm trẻ tự phát không phép phải được xóa bỏ hoàn toàn. (Ảnh minh họa: Tùng Anh)

Theo ông Lâm: "Thay bằng bao cấp các bậc học ĐH, THPT thì tập trung nguồn lực đó bao cấp cho giáo dục mầm non đầu tiên, dần dần xã hội hóa các bậc học cao hơn.

Cần đưa vào luật và có các quy định về việc bắt buộc các doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty sử dụng nhiều lao động phải xây nhà trẻ cho con em công nhân. Các khu chung cư, khu đô thị mới trong quy hoạch phải đảm bảo số nhà trẻ trên đầu dân mới được duyệt xây dựng. Đồng thời, phạt nặng thậm chí bắt dừng hoạt động các cơ sở nào không tuân thủ quy định trên để răn đe.

Hiện nay, việc xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm. Chẳng hạn, Trường Mầm non Phương Anh trước đó cũng đã bị phường phát giác không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn chỉ phạt nhẹ và… cho hoạt động tiếp. Phải kiên quyết chấm dứt ngay lập tức các trường không phép; giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ cũng phải “trục xuất” khỏi nghề vĩnh viễn. Phải “mạnh tay” mới có sức răn đe được.

Trong khi đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, thì phụ huynh cần có cách để bảo vệ con em mình. Tôi cho rằng, mỗi trường học, mỗi xã phường cần thành lập một tổ chức quản lý giám sát cộng đồng. Tổ chức này bao gồm phụ huynh học sinh, các thành phần trong hội phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi… làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các trường học trên địa bàn".

Cũng theo TS Lâm, phụ huynh cũng cần đoàn kết hơn, có thể phân chia nhau mỗi người một ngày dành chút thời gian ghé qua lớp học của con. Điều đó sẽ rất tốt trong việc khiến các cô giáo phải “dè chừng”.

Theo Tùng Anh
Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát