Bạn đọc viết:

“Chính bố mẹ đang tước đoạt giờ chơi của con!”

(Dân trí) - Đừng biện hộ cho việc tước đoạt giờ chơi của trẻ bằng vô vàn lí lẽ tốt đẹp, nào là muốn bảo đảm tương lai cho con, muốn con bằng bạn bằng bè… Tất cả chỉ làm kỳ vọng của cha mẹ đặt lên vai con ngày càng nặng hơn.

Hình ảnh học sinh vừa ăn vừa chạy đến điểm học thêm, nuốt vội ổ bánh mì cho kịp giờ vào lớp, ngáp ngắn ngáp dài trước mỗi buổi học ở trung tâm… không còn là chuyện xa lạ. Nó bình thường đến nỗi người ta mặc nhiên xem đó là hình ảnh chung của đa số trẻ em thành phố hiện nay, vào bình phẩm với một chút xót xa rồi, tự hứa hẹn không để con cái mình rơi vào “thảm cảnh” rồi nhanh chóng đâu lại vào đó. Trẻ vẫn phải học, học và học!

Tôi đang làm gia sư cho một cậu bé ở trường trung học cơ sở nổi tiếng nhất nhì thành phố Huế. Và thật sự choáng với lịch học căng thẳng của cháu. Ngoài trừ tất cả các buổi sáng phải học ở trường, cháu phải “ôm” thêm các buổi học kèm gia sư các môn cơ bản ở nhà, mỗi môn học là một giáo viên với khoảng từ 2-3 buổi/môn. Thêm vào đó là học bổ trợ ngoại ngữ ở trung tâm Anh ngữ danh tiếng, luyện Toán nâng cao ở một ông thầy có tiếng,

Thời khóa biểu sắp xếp chồng chéo, nối tiếp nhau đến nỗi “ngạt thở” như lời cháu nói. Kết thúc buổi sáng ở trường là 2 đến 3 “ca” học thêm, môn này cách môn kia có khi chỉ khoảng 15 phút, chỉ vừa kịp để cháu nuốt vội món gì đó rồi tiếp tục “cày”. Cháu kể nhiều ngày phải giải quyết đống bài tập đến quá nửa đêm, không kịp thì sáng mai phải dậy sớm làm bù.

Đừng nói đến chuyện bồi dưỡng kĩ năng sống, kĩ năng xã hội, vun đắp tình cảm, tâm hồn xa vời, ngay đến các nhu cầu thiết yêu là ăn, ngủ, chơi của một đứa trẻ cũng bị bớt xén phần lớn cho việc học. Lịch học võ của cháu giảm dần số buổi và bây giờ đành gác lại hoàn toàn niềm đam mê ấy. Các hoạt động ngoại khóa của trường cần đội cổ vũ chẳng bao giờ có mặt cháu tham dự để vui chơi cùng bạn bè.

Nhiều lúc đang học Văn, cháu được phép nghỉ vài phút là chạy ngay đến lấy vở Toán tranh thủ làm bài tập kẻo cô giáo sắp đến. Hỏi cháu có mệt không khi luyện ngày cày đêm như thế thì bao giờ câu trả lời cũng là “cháu đã quen rồi”. Bởi “nhịp sinh học” ấy đã được bố mẹ cho làm quen từ hồi lớp 2, 3 đến giờ. Hỏi cháu có một kỷ niệm đáng nhớ nào với người thân hoặc bạn bè để kể trong bài tập làm văn không thì câu trả lời hoàn toàn không.

“Kho” ký ức tuổi thơ của cháu và nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác hoàn toàn trống trơn. Những buổi chiều ôm trái bóng tụ tập chúng bạn, tiếng cổ vũ cho buổi thi đấu căng thẳng trong câu lạc bộ bơi lội, một buổi “quậy” ra trò tại trung tâm trò chơi hay chuyện ngắm sao, hái hoa, bắt bướm, trốn tìm, thả diều… đều là giấc mơ xa xỉ. Không trải nghiệm. chẳng ký ức, nơi neo đậu tâm hồn ở miền tuổi thơ cũng chưa bao giờ tồn tại!

Áp lực từ học hành, điểm số, thành tích, trường chuyên, lớp chọn liên tục được các chuyên gia phát đi nhưng thật sự chưa làm nhiều phụ huynh thức tỉnh. Rôi vài vụ việc học sinh trầm cảm, tự tử xảy ra có làm họ dao động chút ít nhưng nhanh chóng hòa vào dòng chảy chung: học chính khóa, học thêm, học kèm, học bổ trợ, học nâng cao…

Đã bao giờ bạn hỏi con trẻ: “Con có thích học môn đó không?” và tự hỏi mình: “Ép uổng con như thế có ổn không?”. Nếu có một chút băn khoăn, nghi ngại trong câu trả lời hoặc là nhìn con ngáp ngắn, thở dài mỗi khi nhắc đến việc học, xin đừng dồn con vào “chân tường” với áp lực, giằng xé, sợ hãi, chán chường, buông xuôi…

Đừng biện hộ cho việc tước đoạt giờ chơi của trẻ bằng vô vàn lí lẽ tốt đẹp, nào là muốn bảo đảm tương lai cho con, muốn con bằng bạn bằng bè,… Tất cả chỉ làm kỳ vọng của cha mẹ đặt lên vai con ngày càng nặng hơn. Không phải con cái đang học vì bản thân mình, trẻ đang học cho cha mẹ, cho những ước vọng cao xa của người lớn. Niềm vui trong học tập không có, bảo sao trẻ tìm được niềm hạnh phúc trong cuộc sống?

Quan niệm về hạnh phúc mỗi người mỗi khác biệt. Đừng “thành tích hóa” hạnh phúc bằng việc con mình chen chân vào được ngôi trường danh tiếng, gành được những giải thưởng các cấp, đem về những tấm bằng khen danh hiệu… Hãy tự bằng lòng với hạnh phúc khi con biết cách hòa nhập với chúng bạn để vui đùa, biết chịu trách nhiệm với việc làm của mình, biết nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi”, biết yêu mình và sẻ chia thương yêu với mọi người xung quanh đã là điều trân quý.

Thùy Nguyễn

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con