“Cho con nén vàng không bằng cho con gang chữ”

(Dân trí) - Với quan niệm, “cho con nén vàng không bằng cho con gang chữ” hay “còn dòng họ, còn khuyến học”, các dòng họ trong địa bàn các xã huyện Kim Bảng (Hà Nam) luôn nỗ lực, khuyến khích, động viên con cháu học tập, từ đó tạo nên động lực xây dựng xã hội học tập.

Đó là lời chia sẻ của ông Trần Ngọc Lộng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kim Bảng (Hà Nam). Làm công tác khuyến học đến nay đã được 10 năm, ông Lộng đánh giá, ngoài việc xây dựng công tác khuyến học tại các địa phương, trường học… huyện Kim Bảng còn rất chú trọng đến phát triển các ban khuyến học trong dòng họ, chính sự “ganh đua” trong các dòng họ tạo nên động lực để xây dựng một xã hội học tập.

Huyện Kim Bảng được đánh giá là một trong những mô hình xây dựng một “dòng họ học tập” thành công bậc nhất tại tỉnh Hà Nam, trong đó lấy việc xây dựng các ban khuyến học trong các dòng họ làm nòng cốt, tạo nên sự “ganh đua” lành mạnh, động lực để phát triển công tác khuyến học, khuyến tài.

Với quan niệm, “cho con nén vàng không bằng cho con gang chữ” hay “còn dòng họ, còn khuyến học”. Các dòng họ trong địa bàn các xã huyện Kim Bảng luôn nỗ lực, khuyến khích, động viên con cháu học tập.

Theo lời giới thiệu của ông Lộng, chúng tôi tìm đến xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, nơi có dòng họ Lê, một trong những dòng họ hiếu học xây dựng được mô hình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu.

Nhà thờ họ Lê nơi lưu truyền thống bảng vàng học tập.
Nhà thờ họ Lê nơi lưu truyền thống bảng vàng học tập.

Ông Lê Đức Yên, Phó chủ tịch hội đồng Gia tộc của họ Lê xã Văn Xá cho biết, dòng tộc họ Lê có 283 nhân khẩu, dòng họ lê đến nay là trải qua đời thứ 9. Trước những năm 1945 cụ Lê Đức Huệ, là giáo viên dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở trường tiểu học Văn Xá, là một người gắn bó với trường lâu dài. Sinh thời cụ Huệ có những đóng góp to lớn trong công tác giảng dạy. Lúc nhắm mắt xuôi tay cụ có di nguyện cho con cháu mình là sau này khi thành đạt phải nhớ đóng góp xây dựng cho trường tiểu học Văn Xá.

Nhớ lời cha dặn trước lúc lâm chung, ông Lê Trung Kiên sau này đã vận động con cháu trong dòng tộc tự nguyện đứng ra thành lập quỹ khuyến học ở trường tiểu học Văn Xá, đến năm 2007 số tiền vận động đã lên đến hơn 200 triệu. Cách làm quỹ khuyến học của dòng họ Lê cũng rất đặc biệt, số tiền khuyến học của dòng họ không trao trực tiếp bằng tiền mặt mà sẽ lập thành sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, mỗi năm sẽ rút số tiền lãi ra cộng thêm với số tiền đóng góp của dòng tộc, đến cuối năm số tiền này sẽ được trao thưởng cho những em học sinh học giỏi, học sinh nghèo vượt khó…

Ngoài việc đóng góp tiền của xây dựng phong trào khuyến học trong xã, dòng tộc họ Lê cũng nổi tiếng là dòng họ hiếu học với nhiều con cháu thành đạt có học vị cao nổi tiếng trong làng. Với 283 nhân khẩu trong dòng họ, trong đó có Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Huấn, là giảng viên trường đại học xây dựng Hà Nội, trong dòng họ có 21 người làm giáo viên, 2 phó tiến sỹ và 24 người có bằng cử nhân, trong đó có 2 người đang du học ở Nga và Mỹ.

Lễ phát phần thưởng khuyến học tại dòng họ Nguyễn Đỗ xã Nhật Tân.
Lễ phát phần thưởng khuyến học tại dòng họ Nguyễn Đỗ (xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, Hà Nam).

Trong dòng họ Lê, nổi tiếng nhất là về gia đình hiếu học phải kể đến gia đình ông Lê Hữu Phong. Gia đình có 4 người đều thành đạt và có học vị cao, riêng ông Lê Hữu Phong hiện nay đang là giám đốc công ty một xuất nhập khẩu, vợ ông Phong là bà Đỗ Thị Quỳnh Anh là phó tiến sĩ, hai người con là Lê Quế Anh cũng là phó tiến sỹ, con trai út trong gia đình là Lê Việt Anh hiện nay đang du học ở Mỹ.

Nhờ những đóng góp trong phong trào khuyến học, khuyến tài mà dòng họ Lê (xã Văn Xá) được Hội khuyến học huyện Kim Bảng và tỉnh Hà Nam tặng rất nhiều bằng khen, trong đó Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng bằng khen cho dòng họ Lê có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài trong công tác xây dựng xã hội học tập.

Cùng với dòng họ Lê xã Văn Xá, dòng họ Nguyễn Đỗ thuộc xã Nhật Tân, hiện là một trong 3 dòng họ hiếu học quốc gia của huyện Kim Bảng. Với phương châm học để làm người, học để xóa nghèo và xây dựng quê hương, ban khuyến học dòng họ Nguyễn Đỗ luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình trong dòng họ khắc phục những khó khăn vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chăm lo nuôi dạy con cháu một cách khoa học, tạo điều kiện cho con cháu được học hành.

Ông Lê Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhật Tân cho biết, xã Nhật Tân chỉ có duy nhất một thôn, nên việc lập các Chi hội khuyến học chuyển sang lập các Ban khuyến học tại các dòng họ. Nhật Tân vốn nổi tiếng là đất học trong vùng, ở Nhật Tân các dòng họ hầu hết đều “ganh đua” nhau xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài. Năm 2002 Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Đỗ được thành lập, phong trào khuyến học của dòng họ Nguyễn Đỗ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của con cháu trong dòng họ.

 Bảng thành tích và giấy khen, bằng khen của dòng họ Nguyễn Đỗ.
 Bảng thành tích và giấy khen, bằng khen của dòng họ Nguyễn Đỗ.

Ông Nguyễn Hải Phúc, Trưởng Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Đỗ cho biết, dòng họ Nguyễn Đỗ từ lâu là dòng họ có truyền thống hiếu học, con cháu trong dòng họ đều là người ham học hỏi. Cả họ với hơn 2000 nhân khẩu, đến nay là đời thứ 15.

Vốn là dòng họ hiếu học, nên từ khi phát động phong trào “xây dựng dòng hiếu học”, dòng họ Nguyễn Đỗ lại càng phát huy được thế mạnh của mình. Với hơn 230 người đang học đại học, chưa tính năm 2014, hơn 30 người đang là giáo viên, giảng viên tại các trường. Trong dòng họ có 3 tiến sỹ, 25 thạc sỹ, 1 giáo sư. Hiện nay có đến 15 người đang du học tại các nước khác nhau.

Phong trào “gia đình học tập” cũng được dòng họ Nguyễn Đỗ phát huy hết tác dụng, ngoài việc vận động, các gia đình cũng thi đua khuyến khích con em học tập.

Từ việc thực hiện tốt phong trào hiếu học trong dòng họ và phong trào khuyến học ở địa phương đã tạo điều kiện cho các gia đình trong dòng họ xây dựng nếp sống văn hóa và góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Đức Văn