Chọn điểm “kích” then chốt để cứu vãn giáo dục phổ thông

(Dân trí) - “Khuôn” chặt quy mô các trường chuyên, đài thọ hoàn toàn, ở mức cao để đào tạo nhân tài, còn trường chất lượng cao thì thu phí đủ; kiên quyết loại giáo viên… thừa; nâng lương cán bộ quản lý… Đây là những giải pháp hướng tới để cải cách giáo dục phổ thông.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) từ năm 2000 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bên cạnh việc chỉ ra “bệnh trạng” đã kiến giải nhiều biện pháp để cùng tìm hướng thay đổi, chỉnh sửa, cải thiện chất lượng các cấp, bậc học này.
Chọn điểm “kích” then chốt để cứu vãn giáo dục phổ thông
Đổi mới phương pháp, chương trình dạy - học để học sinh chủ động trong học tập là một mục tiêu hướng tới của đề án Bộ GD-ĐT đang xây dựng.

Đài thọ ở mức cao với học sinh chuyên

Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội cho biết, để có giải pháp tổng thể khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình - sách giáo khoa GDPT, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng đề án đổi mới sau năm 2015. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tích cực nghiên cứu, xây dựng đề án này.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi phân tích, thực tiễn cho thấy, những hạn chế trong việc triển khai chương trình - sách giáo khoa vừa qua chủ yếu là do công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Ông Thi nêu yêu cầu, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện chương trình - sách giáo khoa một cách nghiêm túc và sâu sắc, sớm hoàn chỉnh dự thảo đề án đổi mới sau năm 2015.

“Chương trình, sách giáo khoa mới cần được biên soạn trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành quả về phát triển giáo dục của Việt Nam trong những giai đoạn vừa qua, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền GDPT tiên tiến trong khu vực và trên thế giới” - báo cáo giám sát viết.

Ngoài ra, chương trình - sách giáo khoa mới cần phải bám sát điều kiện thực tiễn của đất nước, một mặt bảo đảm thống nhất toàn quốc về mục tiêu, nội dung cốt lõi và mức độ yêu cầu tối thiểu, mặt khác phải phù hợp với năng lực tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn KT-XH khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn dạy bổ sung, nâng cao những kiến thức cần thiết phù hợp đối với các đối tượng học sinh khác nhau.

Theo kế hoạch, đề án sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để hoàn thiện và tạo sự đồng thuận; chuẩn bị thật kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện.  

Một vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh là đổi mới cơ chế, chính sách trong quản lý và phát triển các trường phổ thông đặc biệt. Cụ thể, mô hình trường chuyên, trường phổ thông công lập chất lượng cao, trường có yếu tố nước ngoài được khẳng định kèm yêu cầu bám sát mục tiêu giáo dục, phát triển đúng hướng, hoàn thành tốt sứ mệnh được đề ra đối với từng mô hình trường. Các loại hình trường phổ thông đặc biệt được xác định để góp phần chuẩn bị nguồn đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giáo dục chất lượng cao của một bộ phận người dân.

UB Thường vụ Quốc hội gợi ý hướng nghiên cứu xây dựng mô hình kép trong trường chuyên bao gồm hai hệ giáo dục: hệ chuyên nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng cho đất nước và hệ giáo dục chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội với hai cơ chế tài chính riêng phù hợp với mục tiêu của mỗi hệ giáo dục.

Theo đó, ông Đào Trọng Thi cho rằng, hệ chuyên chỉ nên có quy mô nhỏ với những học sinh có năng khiếu thực sự và được nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí đào tạo ở mức cao. Ngược lại, hệ giáo dục chất lượng cao có thể mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội theo nguyên tắc tự nguyện. Học sinh hệ giáo dục chất lượng cao phải đóng mức học phí cao tương ứng với chất lượng giáo dục được cung cấp. Mức học phí này đủ bù đắp các chi phí giáo dục, bảo đảm thu nhập thỏa đáng để giáo viên yên tâm chăm lo công tác đào tạo tài năng của nhà trường.

Giáo viên giỏi không muốn lên “sếp” vì… giảm thu nhập

Bên cạnh nội dung trực tiếp về đổi mới chương trình - sách giáo khoa, để đảm bảo thực hiện hiệu quả kết quả đổi mới, cơ quan giám sát lưu ý, cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường lớp, đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình - sách giáo khoa đổi mới.

Báo cáo giám sát đã chỉ rõ, sự bất cập về đội ngũ giáo viên trong những năm đầu triển khai chương trình - sách giáo khoa mới đã hạn chế kết quả thực hiện những tiến bộ của việc này. Đánh giá chung thực tế, cơ quan giám sát cho rằng, phần lớn đội ngũ giáo viên đều tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, khắc phục khó khăn, có ý chí vươn lên để gắn bó với trường, lớp.

Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao. Năm học 2011-212, số lượng giáo viên của các cấp học có trình độ đào tạo chuẩn trở lên đạt tỉ lệ cao, lần lượt là 99,63% ở bậc tiểu học, 99,22% ở bậc THCS và 99,6% ở bậc THPT. Tỉ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn ngày càng tăng.

Đặc biệt, đoàn giám sát nhận định, đội ngũ giáo viên của các trường chuyên và các trường chất lượng cao nhìn chung có trình độ và chất lượng chuyên môn cao vượt trội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhỏ giáo viên chưa coi trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ, chưa chuyên tâm vào công việc dạy học, thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo và môi trường sư phạm.

Năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm cũng như năng lực quản lý, điều hành của bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục này trên thực tế còn yếu, chưa tương xứng với trình độ được đào tạo cũng như vị trí công tác được phân công.

Một bộ phận lớn giáo còn chậm đổi mới phương pháp dạy học, lúng túng trong việc vận dụng các phương thức tổ chức dạy học tích cực; hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ giảng dạy. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục hoạt động chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa tiếp cận được với phương pháp quản lý hiện đại, chưa am hiểu về khoa học giáo dục, chưa nắm vững kiến thức về quản lý (pháp luật, quản trị nhân sự, tài chính…) nên hiệu quả  quản lý, điều hành không cao.

Báo cáo giám sát chỉ đích danh nguyên nhân từ vấn đề chính sách đãi ngộ đối với giáo viên. Vì chính sách chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục.

“Tiền lương là nguồn thu nhập duy nhất của giáo viên nên cùng với quá trình lạm phát, giá trị thu nhập thực tế qua lương của đại bộ phận giáo viên còn thấp. Cơ chế chi trả lương, nâng lương đối với giáo viên chưa thực sự gắn với hiệu quả công việc và chưa đảm bảo việc chăm lo chu đáo về đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên” - Chủ nhiệm Đào Trọng Thi trình bày.

Nghịch lý khác, hầu hết cán bộ quản lý các cấp vốn là những nhà giáo giỏi được điều động, bổ nhiệm từ các cơ sở giáo dục nhưng lại không được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt của ngành, nên phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn nhiều so với khi còn là giáo viên. Bất cập về chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục như vậy đã ảnh hưởng đến đời sống và sự yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục của cán bộ.

P. Thảo