Chọn ngành nào để thí sinh có lợi nhất?

“Trong xu thế phát triển, một số ngành học sẽ giao nhau, hợp nhất lại với nhau, tạo nên những ngành học rộng. Sinh viên học những ngành học này có nhiều cơ hội kiếm việc làm phù hợp”, TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGĐ Đại học Quốc gia TPHCM nói.

Thưa ông, ông có nhận xét gì về việc các trường “đua nhau” mở nhiều ngành học mới?

 

Năm nào cũng vậy, căn cứ vào sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu thực tế, các trường ĐH-CĐ đều xin phép mở thêm những ngành học mới.

 

Lướt qua thông tin tuyển sinh được đăng tải trên các báo, tôi thấy đa số những ngành mới của các trường năm nay đều là những ngành học chuyên sâu. Điều này nó cũng phù hợp với logic của sự phát triển cũng như nhu cầu của xã hội, cần nguồn lao động có trình độ chuyên môn sâu, nhất là những ngành mũi nhọn, phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.

 

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, một số ngành học sẽ giao nhau, hợp nhất lại với nhau, tạo nên những ngành học rộng. Sinh viên học những ngành học này có nhiều cơ hội kiếm việc làm phù hợp.

 

Theo ý kiến của tôi, khi mở ngành học mới, các trường cần phải cân nhắc giữa nhu cầu thực tế của xã hội và khả năng tìm việc của sinh viên sau này vì những ngành đào tạo quá hẹp, quá chuyên sâu (được ghi cụ thể  trên văn bằng tốt nghiệp) sẽ khó kiếm việc làm

 

Theo ông thí sinh nên chọn trường, chọn ngành nào ở mùa tuyển sinh năm nay để có lợi nhất ?

 

Xu hướng chọn trường, ngành của thí sinh qua các số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy có 2 hướng:

 

1.Chọn những trường, ngành nghề dễ tìm việc làm sau khi ra trường: Công nghệ thông tin; Điện- Điện tử; Viễn thông; Xây dựng; Công nghệ hoá học; Sư phạm, Y dược...

 

2.Chọn những trường, ngành năm trước có điểm chuẩn thấp để dễ trúng  tuyển.Ví dụ: Trong năm vừa rồi, rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi vào trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Kinh tế... nhưng điểm chuẩn ở những trường này lại tương đối “mềm”.

 

Thường, tâm lý của thí sinh khi dự thi vào các trường này là tìm kiếm một suất học đại học. Đó là mong muốn “tối cao”. Trong khi đó, trong những năm qua, số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM giảm rõ rệt, tỷ lệ “chọi” rất thấp (1 chỉ “chọi”  với 2-3) nhưng ngược lại, điểm chuẩn lại rất cao.

 

Điều này chứng tỏ đa số thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH Quốc gia TPHCM có học lực giỏi. Nói chung, có sự phân hoá rất rõ giữa 2 xu hướng.

 

Theo ông, sự phân hóa này có bình thường không?

 

Tất nhiên, đây là sự phân hóa không mong muốn. Thí sinh chỉ chăm chăm tìm chỗ học mà không nghĩ ngành học đó có đúng sở thích, có phù hợp với nhu cầu xã hội hay không, tất yếu sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong cung và cầu lao động và những hệ quả khác như thất nghiệp, lãng phí thời gian và tiền của...

 

Làm thế  nào để điều chỉnh sự phân hóa này, thưa ông?

 

Theo tôi, xã hội cần phải có điều chỉnh về quan niệm nghề nghiệp giúp cho thí sinh chọn nghề một cách chín chắn hơn. Về phía các trường, Bộ GD-ĐT, Chính phủ, cần phải tìm cách tăng chỉ tiêu đào tạo để giảm áp lực “tìm chỗ học” cho thí sinh.

 

Về phía ĐH Quốc gia TPHCM, chúng tôi đang phối hợp với một số cơ quan báo chí để mở diễn đàn tư vấn hướng nghiệp. Thí sinh cung cấp cho chúng tôi những thông tin về năng lực học tập, nguyện vọng, sở thích công việc... Dựa vào đó, chúng tôi sẽ tư vấn  dự thi vào một trường, một ngành nào đó phù hợp.

 

Hiện nay, các trường đang “đua” nhau đi tiếp thị, quảng bá “thương hiệu” nhằm thu hút thí sinh đăng ký dự thi. Ông có nhận xét gì về hiện tượng này?

 

Theo tôi, việc này có nhiều ý nghĩa. Ngoài việc tiếp thị, quảng bá  nhằm thu hút thí sinh có năng lực đến dự thi, điều quan trọng hơn là, cung cấp thông tin cho thí sinh, giúp thí sinh hiểu rõ hơn các ngành, nghề trước khi  làm hồ sơ dự thi để  tăng cơ may trúng tuyển vào ĐH .

 

Ông có nhận xét gì về “khoảng cách” giữa các hệ trường công lập - dân lập; các hệ đào tạo chính quy- tại chức...?

 

Thực tế hiện nay ở nước ta là nhu cầu học ĐH của người dân  rất lớn  nhưng chỗ học thì  hạn chế. Trong tình hình đó, nhiều trường ĐH mở ra chỉ để phục vụ nhu cầu “có chỗ học” của thí sinh mà quên đi chất lượng đào tạo.

 

Theo tôi, để giảm khoảng cách giữa các hệ trường, các hệ đào tạo, vấn đề then chốt vẫn là tăng chỗ học, sau đó các trường tự nâng cao chất lượng để cạnh tranh, giảm dần khoảng cách.

 

Tôi chưa nói đến chất lượng, chỉ nói đến số lượng thì ở Việt Nam, tỷ lệ sinh viên ĐH rất thấp, 135 SV/10.000 dân. Trong khi ở Hàn Quốc, khi tiến hành công nghiệp hóa, tỷ lệ này là 380SV /10.000 dân (Hiện nay là 500SV/10.000 dân).

 

Như vậy, tiềm năng phát triển ĐH ở nước ta là rất lớn?

 

Đúng vậy. Điều quan trọng là, chúng ta phải hoạch định, phát triển sao  phù hợp, đồng bộ giữa các hệ trường, ngành nghề, cơ sở vật chất, giảng viên...

 

Thưa ông, để giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, ngoài tăng chỗ học, còn biện pháp gì  hiệu quả hơn, cụ thể hơn?

 

Chú trọng vào các hệ đào tạo khác như tại chức, đào tạo từ xa; mở rộng liên thông từ THCN lên CĐ và ĐH.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Lý Thành Tâm

Tiền Phong