Chống tiêu cực trong giáo dục: Không đánh trống bỏ dùi!

(Dân trí) - Ngay khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT đứng ra triển khai cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, dư luận nhiều người cho rằng nó sẽ giống như những cuộc vận động khác, nghĩa là đánh trống bỏ dùi. Điều này có đúng không?

Theo ông Văn Đình Ưng, Phó chánh văn phòng Bộ đồng thời là Trưởng ban thư ký cuộc vận động cho biết, cuộc vận động đang có những bước chuyển đáng kể nhờ vào chương trình phối hợp hoạt động với các đơn vị trong và ngoài ngành.

Không để tạo ra những sản phẩm giả cho xã hội

Xin ông cho biết, lý do khiến bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân quyết định tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong xã hội?

Tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là hai vấn đề dư luận bức xúc nhất hiện nay. Nó cũng chính là mấu chốt tác động tới các mục tiêu khác như dạy tốt học tốt, đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, hợp tác quốc tế... Nếu chúng ta không ngăn chặn được, những tiêu cực sẽ ngày càng ngang nhiên và gây hậu quả nghiêm trọng cho nền giáo dục nước nhà.

Chẳng hạn như việc người dạy không chịu được tình trạng học sinh học lười biếng nhưng cuối năm vẫn lên lớp. Từ đó, những người có tâm huyết với ngành giáo dục không muốn làm. Những học sinh học tốt thấy có bạn học kém mà vẫn đỗ, thậm chí còn điểm cao khiến các em giảm động lực học tập. Rồi bản thân phụ huynh, khi thấy con mình chơi mà vẫn thấy đỗ tốt nghiệp, thì việc gì phải đôn đốc nữa.

Điều này dẫn đến tình trạng toàn bộ xã hội đi xuống một cấp độ là giả, đào tạo ra những sản phẩm giả. Rồi những con người kém năng lực lại vào tất cả những bộ máy này, máy kia. Như vậy thì làm sao mà hội nhập, phát triển được. Chính điều đó đã khiến Bộ trưởng quyết định chấn chỉnh nền giáo dục nước nhà bắt đầu từ hai khâu quan trọng này.

Nhưng dường như, xã hội đã rất quen với những tiêu cực trong giáo dục

Chúng ta đã đặt ra những tiêu chí rất cao như năm nay không học sinh nào lưu ban, hay kết quả đỗ là 99%. Như vậy, các trường phải làm chuyện này chuyện kia để có thành tích như vậy. Đấy là những căn bệnh mà hầu như cả xã hội sẵn sàng quen với việc chấp nhận. Ai không tiêu cực thậm chí thấy nó không bình thường. Điều này dẫn đến việc nếu anh tuyên chiến với nó sẽ rất khó.

Cần có sức mạnh của toàn xã hội

Vậy Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị những gì để tuyên chiến với căn bệnh này?

Việc này đòi hỏi cần phải có sức mạnh của toàn xã hội. Chính vì thế, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động triển khai cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với 6 cơ quan đó là: Bộ Công An, TW Đoàn TNCS HCM, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và Hội cựu giáo chức Việt Nam.

Tại sao Bộ GD-ĐT lại lựa chọn những đơn vị này?

Thông qua một vài vụ như việc của thầy Đỗ Việt Khoa, khi bộ trưởng đến tận nơi thấy có những lực lượng đe doạ ném đá. Rồi thậm chí cán bộ từ trên cũng ép xuống, tạo một sức ép rất là lớn cho người tố cáo. Một vụ tiếp nữa là đổi tình lấy điểm ở trường cao đẳng phát thanh truyền hình 1. Lúc bộ trưởng đến, nhiều học sinh sinh viên tố cáo đã phải ẩn mình đi, phải sơ tán vì họ cảm thấy sợ do các lực lượng tiêu cực có thể trấn áp được những người tố cáo.

Từ đó rút ra bài học, tuyên chiến với tiêu cực cần phải có sức mạnh của nhiều cơ quan đoàn thể, trong đó lực lượng công an đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó báo chí cũng là một nhân tố không thể thiếu. Tuy nhiên, việc ký kết mới chỉ có đài truyền hình Việt Nam do những lợi thế nhất định của loại báo này, đó là những người không có tiền cũng có thể xem được.

Công đoàn giáo dục VN thì đương nhiên rồi vì tất cả các cán bộ giáo viên đều thuộc công đoàn. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam vì phần lớn giáo viên là phụ nữ.

Còn phối hợp với TW đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì ở đó có đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên tiền phong. Những đơn vị này sẽ cùng nhau hình thành những cuộc sinh hoạt trong hội giáo viên, trong hội cha mẹ học sinh, trong giáo chức, tổ chức cho học sinh trong lớp để thảo luận về việc: Chúng ta có tiêu cực không?Bệnh thành tích trong học tập của chúng ta như thế nào?

Ông đánh giá như thế nào về cuộc vận động trong thời gian qua?

Cuộc vận động đã triển khai từ 31/7/2006. Sau gần 2 tháng, cuộc vận động đi rất bài bản về chiều sâu của vấn đề. Đồng thời, với chỉ thị số 33 của Thủ tướng chính phủ ra ngày 8/9/206 là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giúp cuộc vận động đạt kết quả tốt. Hiện nay, một số địa phương đã ký ban hành chỉ thị để triển khai cuộc vận động này trong địa phương mình. Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu UBND, các đoàn thể trong tỉnh có cuộc làm việc để triển khai kế hoạch thực hiện.

Theo ông, khó khăn nhất hiện nay để cuộc vận động thành công là gì?

Cái khó nhất là việc hình thành phương pháp làm một cách bài bản, có thể thay đổi về nhận thức, có sự vào cuộc của các ban ngành xã hội và có sự ủng hộ từ trên xuống dưới.

Bên cạnh đó là vấn đề nhận thức chung của toàn xã hội và của ngành. Ngay như ở cấp Bộ, cấp Sở GD-ĐT và các địa phương, không ít nơi còn lo là nếu triển khai việc này mạnh mẽ có thể dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp giảm đột ngột thì lấy kinh phí, cơ sở vật chất, giáo viên để dành cho học sinh lưu ban!

Chính vì thế khi triển khai cuộc vận động này cần đồng thời tổ chức cuộc sinh hoạt trong nhà trường, giữa phụ huynh, giáo viên, học sinh là phải cam kết học thạt, dạy thật và có kết quả thật. Giáo viên phải cam kết giúp đỡ cho học sinh học tốt lên, học sinh thì phải cố gắng, và các bậc phụ huynh cùng hỗ trợ, tạo điều kiện cho con học tập tốt.

Tôi tin rằng, nếu làm được việc này thì kết quả thi năm tới cũng không bi quan như nhiều người nghĩ. Thậm chí tỷ lệ tốt nghiệp sẽ vẫn cao mà đó là những kết quả “thật”.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương
(Thực hiện)