Chủ biên sách: "Đi trên thảm thủy tinh không gây chết người"

(Dân trí) - Liên quan đến cuốn sách "Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1" nói trên, TS Phan Quốc Việt - Chủ biên cuốn sách cũng đã có những chia sẻ với báo điện tử Dân Trí.

Trong bài học "Vượt qua nỗi sợ" của sách "Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do TS. Phan Quốc Việt chủ biên, phần câu chuyện minh họa sử dụng mẩu chuyện "Bạn An dũng cảm" (trang 77) trong đó có chi tiết học sinh đi qua thảm thủy tinh.  

"Sách Thực hành kĩ năng sống dành cho lớp 1" thuộc bộ sách Thực hành Kỹ năng sống dành cho học sinh tiểu học được xuất bản năm 2014. Đây là sách tham khảo, không phải sách giáo khoa.

11111-4016c

Cuốn sách có câu chuyện với chi tiết học sinh đi qua thảm thủy tinh.

Liên quan đến cuốn sách nói trên, TS Phan Quốc Việt - Chủ biên cuốn sách cũng đã có những chia sẻ với báo điện tử Dân Trí. Theo TS Việt, thực tế bài học trên nhằm rèn luyện cảm xúc cho trẻ nhỏ. Để học sinh trải nghiệm thực tế, ông đã nghiên cứu kỹ.

3333-739f3

Câu chuyện dạy học sinh tăng lòng dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh.

Ông Việt cũng cho biết rằng, thực tế khi giảng dạy về lòng dũng cảm, khi giáo viên để học sinh lựa chọn đi trên sỏi hoặc mảnh chai, trẻ chọn nhiều nhất là đi trên sỏi, sau đó lại chọn đi thủy tinh vì dễ đi hơn.

"Bản thân tôi đã trải nghiệm nhiều lần, thậm chí cõng học sinh đi qua thảm thủy tinh và không hề việc gì. Quản trị cảm xúc không thể học thuộc lòng được, phải trải qua thực tế", Tiến sĩ Việt chia sẻ.

Chủ biên cuốn sách cũng cho biết thêm, tính cách con người chủ yếu được hình thành trước 6 tuổi. Khi chúng ta muốn con có những kỹ năng trong những năm tháng đầu đời, chúng ta cho các con tập bơi, tập võ... Nếu chỉ vì sợ nguy hiểm thì chúng ta có cho con đi tập không? Việc đi trên những thảm thủy tinh có thể gây chết người không? Không hề! thảm thủy tinh không hề gây chết người. Còn việc an toàn chúng ta sẽ tính đến phương án sau.

Dẫm lên thảm thủy tinh không chết người, cũng không hề gây nguy hiểm. Đi tập bơi có thể chết người - đi tập võ cũng có thể gây chết người nếu trẻ con đánh đúng chỗ hiểm hoặc chúng đang thù ghét một ai đó.

Chúng tôi tạo ra những bài tập thực hành kỹ năng sống để trẻ em đối mặt với những rủi ro, khủng hoảng, đổ vỡ, trong cuộc sống đời thường của các em, các em sẽ phải đối diện với những tai nạn thường xảy ra trong cuộc sống như: nhà đổ, gãy cây, tai nạn giao thông, kính bị đập... luôn kèm theo mảnh thủy tinh vỡ. Thì lúc này điều quan trọng nhất của các em là phải đủ dũng cảm, bình tĩnh để có thể đối mặt với rủi ro để tự cứu mình và cứu người khác.

Trong nhiều trường hợp, có nhiều người chết ngất khi nhìn thấy khủng hoảng, cảnh đổ vỡ, tai nạn, máu chảy... Đứng trước nỗi sợ hãi, nhiều người không thể tự cứu nổi mình chứ đừng nói đến việc giúp người khác. Bài học ở đây chúng tôi muốn truyền tải đến với các em chính là sự trải nghiệm, điều khiển cảm xúc để đối diện với sự sợ hãi, đối diện với những khó khăn, khủng hoảng và dũng cảm bước qua nó. Trong thời đại hiện nay, khủng hoảng ngày càng nhiều hơn, rủi ro ngày càng lớn hơn. Nhiều người vì không đủ dũng cảm đối mặt đã tự hủy hoại cơ nghiệp của mình, thậm chí dẫn đến tự sát. Trong cuộc sống, 99% thất bại do không đủ dũng cảm để thực thi chứ không phải không đủ sức vượt qua thử thách.

Nói về mức độ nguy hiểm của bài học, TS Phan Quốc Việt cho biết: Bài học trên hoàn toàn không phải là mạo hiểm. Nếu như bình thường, không có ai tự nhiên đạp lên thủy tinh mà đi cả. Cái việc chúng ta muốn hướng tới đó chính là biết đối diện với vấn đề để xử lý, nhiều việc chẳng có gì là nguy hiểm cả, nhưng ta co rúm lại lẩn tránh.Vì sợ hãi đã làm cho ta luôn tự tạo ra ảo giác về khó khăn nguy hiểm. Các chương trình truyền hình luôn có các trò chơi thi vượt chướng ngại, cũng chính là để giúp giới trẻ rèn luyện lòng dũng cảm vượt thử thách trong cuộc sống hàng ngày.

Về mặt lý thuyết, khi ta tạo ra các mảnh thủy tinh có diện tích bằng bao diêm và tạo thảm đổ dày khoảng 5cm thì khi các mảnh có mũi nhọn nổi lên vì thiết diện bé nên nó chịu áp suất lớn và bị đè chìm xuống phía dưới. Còn những mảnh nào to, nằm ngang do thiết diện lớn nên áp suất chia đều, bé và nổi lên nằm lại trên bề mặt, khi bước trên đó sẽ rất êm.

"Chúng tôi đã thử thực hành cho các con lựa chọn bước đi trên thảm thủy tinh hoặc bước đi trên những viên đá sỏi để cách xa nhau. Ban đầu đa số học sinh đều chọn đi trên nền rải sỏi chứ không chọn đi trên thủy tinh. Nhưng sau khi trải nghiệm cả hai trường hợp, các em đều phát biểu: “đi trên sỏi đau hơn đi trên thảm thủy tinh nhiều”. Và khi được chọn lại, tất cả các em đều chọn bài tập đi qua thảm thủy tinh.

Tôi đã thực hành và thử nghiệm nhiều lần, giảng dạy 10 năm nay nhưng chưa có một trường hợp nào có vấn đề nguy hiểm trên khắp cả nước. Đó chính là bài học về quản trị cảm xúc trên thực tế chứ không phải là bài học thuộc lòng về kiến thức dũng cảm “ trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm" chỉ có sự trải nghiệm mới là tri thức của chính mình. Chúng ta thường dạy “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”. Ông cha ta đúc kết: “Có thực mới vực được Đạo” không có trải nghiệm thực tế làm sao có đạo đức. Xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới là: Học qua trải nghiệm" - TS Phan Quốc Việt kết luận.

Lê Tú

 

Chủ biên sách: "Đi trên thảm thủy tinh không gây chết người" - 3