Chữ “tình” trong các quyết sách về giáo dục

(Dân trí) - Hơn 3.000 học sinh huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đột ngột bị lưu ban sau khi tham gia một kỳ thi do ông Đỗ Minh Quý - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành có sáng kiến tổ chức. Rõ ràng, sáng kiến của ông Quý đã sai hoàn toàn về mặt quy chế, nhưng xét về động cơ thì cũng có thể được tha thứ. Tuy nhiên, bài học đằng sau sự việc này là gì?

Có gần 400 em học sinh trong số hơn 3.000 học sinh tiểu học và THCS bị lưu ban đã bỏ học. Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hoá cho biết đang yêu cầu Phòng GD-ĐT Thạch Thành thực hiện thống kê chi tiết từng em trong tổng số gần 400 học sinh bỏ học này, xem có phải tất cả đều bỏ học xuất phát từ kỳ kiểm tra chất lượng của UBND huyện hay không. Sở có yêu cầu, dù vì lý do nào thì cũng phải khẩn trương có biện pháp tích cực vận động các em trở lại trường. 

Cũng theo ông Đồng thì ở huyện Thạch Thành, năm học trước không bão lũ và cũng không tổ chức thi kiểm tra chất lượng gì nhưng vẫn có đến 418 học sinh bỏ học để đi làm ăn kiếm sống. 

Thạch Thành là một huyện vừa trải qua cơn lũ lịch sử hồi tháng 10, người dân gần như mất trắng hoa màu và tài sản vì lũ. Chọn đúng thời điểm này để yêu cầu Phòng GD-ĐT tổ chức cho hơn 22 ngàn học sinh tiểu học và THCS kiểm tra lại chất lượng, Chủ tịch UBND xã Thạch Thành quả thật không sáng suốt.  

Cần phải nói rằng, cơn lũ lịch sử hồi đầu tháng 10 là một cơn lũ để lại dấu ấn kinh hoàng không chỉ cho trẻ em mà cả tất cả người dân huyện Thạch Thành. Vì thế, sự học của những đứa trẻ chuệch choạc sau lũ là điều dễ hiểu. Điều mà người dân cần nhất ở ngành giáo dục lúc này là sự sát cánh và sẻ chia cùng con em họ để giúp đỡ các em có tinh thần ổn định để học tập trở lại chứ không phải là một kỳ thi mang tính “sát phạt” như vậy. 

Tuy nhiên, cũng phải công bằng nhìn nhận, trong khoảng 4 năm nay, Thạch Thành đã trở thành một huyện nổi bật của Thanh Hoá về sự quan tâm của chính quyền huyện đối với ngành giáo dục ở đây. Hiếm có nơi nào mà UBND huyện ra được liên tiếp những quyết định mang tính bứt phá và sát sườn đối với việc đổi mới chất lượng trong nhà trường như ở Thạch Thành. 

Từ cuối năm 2004, UBND huyện Thạch Thành dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch huyện Đỗ Minh Quý đã xây dựng được đề án gồm 3 nội dung: “Xây dựng cơ sở vật chất trường học - nâng cao chất lượng cán bộ giáo viên - đánh giá lại chất lượng học sinh toàn huyện”. 

Cuộc thanh lọc những giáo viên yếu về chuyên môn, bằng cấp chưa đạt yêu cầu để cho nghỉ trước tuổi theo tinh thần của Nghị định 41 đã được thực hiện một cách tích cực nhất. Các cuộc thanh lọc được tiến hành bằng các hình thức như thông qua các cuộc thi kiểm tra kiến thức của giáo viên do hiệu trưởng từng trường trong huyện thực hiện. Đến nay, đã có 310 giáo viên yếu kém phải nghỉ dạy, dự kiến hết năm 2007 sẽ giảm tiếp 150 cán bộ giáo viên vì kém chất lượng chuyên môn.

Cùng với việc kiểm tra kiến thức giáo viên thì phương pháp giảng dạy dạy đã được UBND huyện đôn đốc dưới nhiều hình thức. Lối giảng dạy thầy đọc trò chép đã luôn bị UBND huyện nhắc nhở và yêu cầu các hiệu trưởng phải đặc biệt lưu ý và hạn chế một cách tốt nhất có thể. 

Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng hơn 22 nghìn học sinh là một quyết định nằm trong một chuỗi các quyết định nhằm mục tiêu xốc lại chất lượng dạy và học, chống ngồi nhầm lớp mà ngành giáo dục đang cố gắng thực hiện.  

Song, khi theo đuổi các mục tiêu này, có vẻ như UBND huyện Thạch Thành đã “quên” rằng giáo dục là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, không thể nhắm mắt lại ngủ một giấc là ngày mai đã trở nên khác ngay được.  

Nhận xét về “sự cố” trên, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhận xét: Người làm giáo dục phải luôn biết cân nhắc giữa cái tình và cái lý mỗi khi ra các quyết định liên quan đến sự nghiệp trồng người. Lãnh đạo chính quyền địa phương khi làm giáo dục cũng không thể là ngoại lệ. Nếu khi quyết sách các vấn đề có liên quan đến giáo dục mà không suy xét đến cái “tình” thì khả năng dẫn đến sự phản tác dụng như ở UBND huyện Thạch Thành là điều hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Mai Minh