Thanh Hóa:

Chưa biết khi nào hết cảnh trường “sống chung” với UBND xã

(Dân trí) - “Không chỉ nhà trường, phụ huynh học sinh mà lãnh đạo xã cũng rất trăn trở về việc trường mầm non và công sở xã phải “sống chung” với nhau. Vì địa phương quá khó khăn nên việc chuyển công sở UBND xã ra khỏi trường mầm non chưa biết đến khi nào mới thực hiện được…”.

Đó là những chia sẻ của ông Đỗ Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) về việc nhiều năm qua trường mầm non xã này phải “sống chung” cùng công sở của UBND xã mà báo Dân trí đã phản ánh.


Ông Đỗ Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng công sở xã và trường mầm non sống chung nhiều năm qua.

Ông Đỗ Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng công sở xã và trường mầm non "sống chung" nhiều năm qua.

Ông Chủ tịch xã Cầu Lộc cho biết thêm, theo dự kiến trong năm học 2015 – 2016 địa phương sẽ hoàn thành xong việc san lấp mặt bằng để xây dựng thêm 6 phòng học, nhà bếp nấu ăn bán trú và nhà hiệu bộ cho trường mầm non. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công trình vẫn chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng nên chưa triển khai xây dựng được phần móng của công trình.

Theo đó, việc san lấp rất tốn kém do mặt bằng là ao sâu, mặt đường lại quá cao. UBND xã Cầu Lộc đã chi hơn 100 triệu cho việc đổ đất san lấp mặt bằng này nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do thiếu nguồn vốn nên công trình xây dựng thêm phòng học cho trường mầm non Cầu Lộc đã phải dừng lại.

Cũng theo ông Tám, việc dừng san lấp mặt bằng để thi công xây dựng trường mầm non còn có một lý do khác nữa là hiện nay xã đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cho trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. “Trường tiểu học của xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 vào năm 2007, theo kế hoạch thì 5 năm sau phải hoàn thành đạt chuẩn giai đoạn 2. Tuy nhiên, sau khi hết 5 năm cấp trên về thẩm định trường vẫn chưa đủ điều kiện do địa phương quá khó khăn về nguồn vốn nên chúng tôi phải “khất” thêm một giai đoạn nữa. Năm nay là năm cuối của giai đoạn hai nếu xã không xây dựng xong cho trường tiểu học thì sẽ bị thu lại danh hiệu đạt chuẩn của nhà trường” – ông Tám nói.

Chia sẻ về những khó khăn mà trường mầm non và phụ huynh học sinh địa phương gặp phải khi chưa đủ cơ sở vật chất, không tổ chức ăn bán trú, sống chung cùng UBND xã nhiều năm, ông Tám thở dài: “Thực tế diễn ra gần chục năm nay nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm cách nào được. Lãnh đạo xã cũng rất trăn trở trong việc chuyển cống sở của UBND xã đi nơi khác nhưng không biết phải làm sao được vì không có vốn. Không biết đến bao giờ mới thực hiện được điều này”.

Dự án xây thêm 6 phòng học, nhà hiệu bộ, bếp ăn bán trú cho trường mầm non Cầu Lộc được xã Cầu Lộc lên kế hoạch chi tiết cụ thể. Theo lộ trình, chậm nhất đến cuối năm 2016 công trình sẽ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng công trình này vẫn dậm chân tại chỗ.

“Tổng chi phí xây dựng công trình dự kiến hết 2,5 tỷ. Nguồn vốn xây dựng sẽ được xã hội hóa, trong đó ngân sách địa phương 50%, kêu gọi nhân dân đóng góp 50%. Nhưng hiện nay xã vẫn chưa có được đồng nào để xây dựng công trình. Chúng tôi chỉ trong chờ vào nguồn thu từ việc bán đất ở cho nhân dân nhưng việc này cũng rất khó khăn do không có ai mua đất, giá mỗi xuất lại quá rẻ, bên cạnh đó chỉ được hưởng 50% từ việc cấp quyền sử dụng đất này” – ông Chủ tịch xã Cầu Lộc chia sẻ.


Thiếu phòng học, các cháu học sinh Trường mầm non Cầu Lộc phải ngồi học chen chúc nhau.

Thiếu phòng học, các cháu học sinh Trường mầm non Cầu Lộc phải ngồi học chen chúc nhau.

“Mỗi ngày nhìn phụ huynh mất nhiều lần đến trường đưa đón con cháu, chúng tôi cũng rất chia sẻ và rất chạnh lòng. Khổ nhất là những hôm trời mưa to mọi người vẫn phải đưa đón con. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi cũng rất xót xa nhưng “lực bất tòng tâm”, không biết phải làm sao được. Xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần để được giải quyết cấp nguồn vốn xây dựng công sở ủy ban xã đến nơi mới cho các cháu có nơi học tập độc lập nhưng đến nay vẫn chưa có được sự đồng ý nên đành phải chịu cảnh “sống chung với lũ” nhiều năm qua – ông Tám tâm sự.

Trường mầm non cùng công sở UBND xã Cầu Lộc "sống chung" cùng nhau nhiều năm nay và có rất nhiều nét tương đồng với nhau. Theo đó, trường mầm non thì thiếu phòng học, không bếp ăn bán trú, không có nhà hiệu bộ, không có sân chơi thoải mái cho các cháu… Còn UBND xã cũng phải chịu cảnh thiếu thốn vào “tốp” đầu của huyện Hậu Lộc. Cán bộ công chức, viên chức của xã phải làm việc chen chúc nhau trong một dãy nhà cấp bốn tuềnh toàng, dột nát, phòng ốc thì chật trội…

Theo quy định công sở UBND xã phải có ít nhất 25 phòng làm việc riêng biệt. Tuy nhiên, hiện xã Cầu Lộc mới chỉ có 13 phòng tạm bợ. Phòng Đảng ủy có đến 3 người cùng làm việc chung bao gồm: Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư và văn phòng. Các phòng ban như Quân sự, Kế toán, Địa chính, Phó Chủ tịch xã… đều làm việc chung với nhau, cứ hai ban ngành một phòng.

“Khổ nhất là phòng các đoàn thể, căn phòng này chỉ rộng 15m2 nhưng có đến gần chục các đoàn thể ngồi chung với nhau như: MTTQ xã, Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Khuyến học, Cựu chiến Binh… Việc “sống chung” với trường mầm non đã rất ảnh hưởng đến công việc giờ thiếu thốn về phòng làm việc lại càng khó khăn hơn cho các cán bộ của xã” – ông Tám nói.

Được biết, toàn xã Cầu Lộc có 8.400 khẩu, 1.764 hộ, người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp. Toàn xã có hơn 1.000 lao động phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo của xã là 12,6%, đây là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Hậu Lộc. Việc địa phương gặp khó về nguồn vốn để di dời công sở UBND xã đi nơi khác cũng như xây dựng thêm phòng học, bếp ăn bán trú, nhà hiệu bộ cho trường mầm non là vấn đề nan giải của địa phương không biết đến khi nào mới tháo gỡ được. Vì thế, học sinh, giáo viên Trường mầm non Cầu Lộc còn phải chịu cảnh “sống chung” với UBND xã dài dài.

Thái Bá

(Buithaiba@dantri.com.vn)