“Chuẩn” trẻ 5 tuổi: “Nhiều tiêu chuẩn không chấp nhận được!”

(Dân trí) - “Tại hội nghị góp ý tôi đã nói nhiều lần là chuẩn này cao quá, không đúng tâm lý trẻ, thậm chí nhiều tiêu chuẩn không chấp nhận được và kể cả nhiều giáo viên tham gia hội thảo cũng không đồng ý, cần phải nghiên cứu lại”.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết như vậy. Cũng như GS Dong, nhiều nhà giáo, nhiều nhà khoa học, phụ huynh đã có ý kiến phản ứng về sự chưa chuẩn của dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”.  

 GS Phạm Tất Dong cho biết: “Tôi đã 2 lần được mời để góp ý với Bộ về chuẩn 5 tuổi. Tại hội nghị góp ý tôi đã nói nhiều lần là chuẩn này cao quá, không đúng tâm lý trẻ, thậm chí nhiều tiêu chuẩn không chấp nhận được và kể cả nhiều giáo viên tham gia hội thảo cũng không đồng ý, cần phải nghiên cứu lại. Viết chuẩn cho trẻ 5 tuổi như thế này thì quá duy ý chí và phi lý. Đây là người lớn hoá trẻ con vì 125 chỉ số quá nhiều, đến người lớn đưa ra 10 chỉ số chưa chắc đã thực hiện được”.

 Chuẩn này không có thực nghiệm!

 Những chuẩn nào theo ông là quá duy ý chí và phi lý?

 Nhiều chuẩn không đúng với tâm lý của trẻ như chuẩn về thể chất, trẻ làm sao mà chạy được 150m, bật xa tối thiểu 50cm và chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây… đây có phải là đào tạo vận động viên đâu.

Có những cái yêu cầu không cần thiết với trẻ nhỏ như chuẩn về hành vi ăn uống. Chuẩn yêu cầu: Trẻ phải biết một số hành vi ăn uống có hại cho sức khoẻ như thức ăn ôi thiu, thức ăn không vệ sinh, ăn rau quả chưa rửa sạch… những cái này thì trách nhiệm người lớn phải làm cho sạch chứ trẻ con làm sao biết được, thậm chí người lớn còn không biết rau quả đã rửa đã sạch hay chưa.

Hoặc tiêu chí còn đưa ra, trẻ biết thuốc lá có hại cho sức khoẻ… tôi thấy đưa cái này để làm gì, trong khi đó bố nó, ông nó vẫn hút.
 
Đặc biệt, chuẩn còn yêu cầu trẻ biết chia sẻ hành vi, kinh nghiệm và thể hiện cảm xúc…Thậm chí nói được khả năng và sở thích của người khác; chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình… Đến người lớn cũng khó thực hiện được chuẩn này. Chia sẻ, cảm xúc với người khác không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi sự tinh tế và đạt đến trình độ nào đó mới thực hiện được. Quá phi lý, người lớn không làm được nữa là trẻ con.

Tôi cho rằng chuẩn này nó không có thực nghiệm, cao quá với trẻ.

Tại sao ông lại cho rằng không có thực nghiệm vì với dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu theo qui trình khoa học, rất bài bản và công phu?

Tôi cho rằng chuẩn này nó không có thực nghiệm, cao quá như bắt trẻ dự đoán một số hiện tượng tự nhiên như mưa, nắng, gió sắp xảy ra. Đến người lớn còn chẳng biết được nữa là. Đặc biệt hơn nữa, chuẩn còn bắt trẻ thực hiện đến cùng công việc được giao, trẻ 5 tuổi biết làm gì mà bảo thực hiện đến cùng công việc hay tập trung chú ý 15 phút…

Cần có một hội đồng thẩm định lại

Theo ông, bộ chuẩn này cần phải chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp?

Tôi cho rằng, cần viết đơn giản và ít hơn. Đừng có đòi hỏi cao quá về thể chất và tâm lý. Những người viết dự thảo này nhìn trẻ con như người lớn. Tôi mong đặt trẻ con đúng với lứa tuổi, phát triển của chúng như những đứa trẻ. Trẻ con phải là trẻ con chứ đừng bắt nó là trẻ con hoá người lớn.

Những người viết dự thảo nên viết sao cho người đọc hiểu sự thể hiện văn bản dành cho trẻ chứ như thế này đưa cho các cô giáo mầm non các cô cũng khó hiểu và khó thực hiện.

Theo tôi cần phải có một Hội đồng khoa học thẩm định lại lần nữa, vì nếu ban hành ra không thực hiện được và sẽ bị chê cười vì không hiểu gì về khoa học.

Khi đưa ra hội đồng khoa học thẩm định lại thì Bộ GD-ĐT phải trình bày thực nghiệm của mình ở bao nhiêu trẻ và kết quả ra sao, liệu có được 90% không.  
 
Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh