Chung quanh một chương trình đóng tiền để được “vinh danh”

Những năm gần đây, đã xuất hiện hiện tượng chương trình “vinh danh” dường như trở thành một chiêu trò kinh doanh, được thực hiện dưới hình thức “xã hội hóa” bằng cách thu tiền hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị tham gia xét chọn; chỉ cần đóng tiền là được “vinh danh”. Dưới đây là một thí dụ.

Mặc cả để “vinh danh”

Vừa qua, có nhiều nhà khoa học nhận được bộ hồ sơ mời tham dự Chương trình Đại Khánh Hội “Nhà quản lý theo tiêu chí Đạo đức toàn cầu/Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến/Đơn vị, doanh nghiệp văn hóa theo tiêu chí của UNESCO”.

Bộ hồ sơ bao gồm: thư mời của Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA); đề án lễ vinh danh; phiếu đăng ký đề cử xét, vinh danh; bảng thông báo dự trù kinh phí tổ chức chương trình; hợp đồng hỗ trợ kinh phí tổ chức; mẫu giấy mời có hình bằng khen và cúp trao tặng. Tại bảng thông báo dự trù kinh phí tổ chức chương trình có ghi nội dung: những người tham gia hỗ trợ đơn vị tổ chức một khoản tiền là 22 triệu đồng/cá nhân, sẽ nhận được “quyền lợi”: tham gia Hội thảo chuyên đề Đạo đức toàn cầu do UNESCO Việt Nam tổ chức; giao lưu gặp gỡ các chuyên gia kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, y tế các nước trong hội thảo; nhận biểu tượng Cúp; bảng vàng vinh danh do Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng (theo mẫu quốc tế); được giới thiệu về thông tin cá nhân, thành tích trong buổi lễ vinh danh; giao lưu, chụp ảnh cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước… Số tiền hỗ trợ đơn vị tổ chức chương trình còn được sử dụng để trả chi phí cho truyền hình trực tiếp, địa điểm tổ chức, ca nhạc, khách mời… Buổi vinh danh này đã được tổ chức vào ngày 23-4-2016 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên một đài truyền hình.

Trước khi có sự kiện nói trên, nhiều nhà khoa học ngỡ ngàng khi nhận được điện thoại từ những người tự xưng là ban tổ chức (BTC), nhân viên của VFUA để mời tham dự chương trình. PGS, TS Hoàng Đình Chiến (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho biết, có người tự xưng là BTC gọi điện đến, mời tham dự chương trình, yêu cầu cung cấp thông tin về lý lịch, thành tích, các công trình khoa học… cùng với lời đề nghị hỗ trợ một khoản kinh phí. Ông đã nói rõ là sẽ không tham dự nếu phải đóng tiền, nhưng người của BTC vẫn cứ nhiều lần liên lạc lại, đề nghị ông “cố gắng” tham gia vì đây là chương trình có ý nghĩa và sẽ “giảm giá” xuống còn 18 triệu đồng.

PGS, TS Hoàng Đình Chiến cho rằng, người làm khoa học sẽ không bao giờ bỏ tiền để mua danh như vậy nên đã từ chối tham dự. Nhiều nhà khoa học cũng nhận được những bộ hồ sơ mời chào nói trên. Người thì nhận hồ sơ trực tiếp, người thì nhận qua thư điện tử, cùng các cuộc điện thoại từ BTC để giới thiệu, giải thích về ý nghĩa của chương trình. GS, TS Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Viện trưởng Viện Nhi khoa Việt Nam (nay là Bệnh viện Nhi trung ương) cũng là người nhận được một bộ hồ sơ mời tham dự chương trình, cho chúng tôi biết: “Bỏ tiền ra để được tôn vinh như vậy thì chính là mua danh, cho nên tôi từ chối tham dự”.

Làm việc với Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay Nguyễn Xuân Thắng, chúng tôi được biết, chương trình nói trên do VFUA phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông và Phát triển thương hiệu Đại Việt (Công ty Đại Việt) thực hiện. Lý do VFUA quyết định hợp tác với Công ty Đại Việt là do được sự giới thiệu bởi PGS, TS Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực - ISSTH (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).

Theo thỏa thuận hợp tác với Công ty Đại Việt thì đây là chương trình nhằm tôn vinh những trí thức Việt Nam, các doanh nhân, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động vì một nền đạo đức toàn cầu do Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới phát động. VFUA có trách nhiệm bảo trợ, giúp đỡ Công ty Đại Việt trong quá trình triển khai và cấp bằng vinh danh theo mẫu quy định do Chủ tịch VFUA ký. Trong quá trình triển khai, có một số nhân viên của Công ty Đại Việt tự nhận là người của VFUA là sai hoàn toàn. Chủ tịch VFUA đã có chỉ đạo, phê bình nhiều lần lãnh đạo Công ty Đại Việt, nhưng do chưa có hậu quả nên mới chỉ nhắc nhở để họ sửa sai.

Theo Giám đốc Công ty Đại Việt Cao Thị Hiền Trang, việc công ty kêu gọi các nhà khoa học tham dự chương trình hỗ trợ 22 triệu đồng/cá nhân là hoàn toàn hợp lý, vì đây là chương trình thực hiện bằng cách xã hội hóa. Tuy nhiên mức hỗ trợ là tự nguyện, cho nên có người hỗ trợ ít hơn và một số cá nhân được BTC miễn phí hoàn toàn. Còn với những nhân viên tự nhận là nhân viên của UNESCO khi gọi điện là sai và công ty đã xử lý kỷ luật đối với những nhân viên sai phạm đó bằng hình thức đuổi việc.

Nhận định về vấn đề này, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, các đơn vị tổ chức không được nhận tiền trực tiếp từ những đối tượng vinh danh. Tại khoản 2 Điều 4, Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp đã nêu rõ đơn bị tổ chức bị cấm: “Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng” và khoản 1 Điều 12 của Quyết định cũng khẳng định: “Kinh phí tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp được hình thành trên cơ sở tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật và không vi phạm khoản 2 Điều 4 Quy chế này”. Do đó, việc Công ty Đại Việt kêu gọi những người được BTC mời tham gia xét chọn vinh danh đóng một số tiền theo dự tính là 22 triệu đồng/cá nhân là sai, vi phạm quy định nói trên.

“Vinh danh” bằng cách… mạo danh

Chúng tôi nhận được một số khiếu nại từ một số người có tên trong “đề án lễ vinh danh”, về việc BTC đã tự ý sử dụng và đưa tên của họ vào danh sách Hội đồng xét duyệt, Ban cố vấn của chương trình khi chưa được sự đồng ý. GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, người có tên trong Hội đồng xét duyệt cho biết: “Tôi chưa hề nhận được thông tin, liên hệ của bất cứ ai trong BTC về vấn đề này mà đã tự ý đưa tên tôi vào Hội đồng xét duyệt trong “đề án vinh danh” và phát tán khắp nơi như vậy. Nhiều ngày sau, có người tự xưng ở BTC đến Hội Khuyến học Việt Nam, đề nghị tôi tham gia Hội đồng xét duyệt, nhưng tôi đã trả lời rõ là không đồng ý tham gia”.

Chúng tôi đến gặp PGS, TS Đàm Đức Vượng, Viện trưởng Viện ISSTH là người giới thiệu Công ty Đại Việt với VFUA để tổ chức chương trình vinh danh nói trên. Được biết trước đó, Công ty Đại Việt muốn hợp tác với ISSTH để tổ chức chương trình vinh danh, nhưng do không thuộc chức năng của ISSTH cho nên không được chấp thuận. Sau đó, PGS, TS Vượng giới thiệu Công ty Đại Việt với VFUA để hai bên cùng phối hợp tổ chức, mở rộng chương trình vinh danh, còn cá nhân ông và ISSTH không có liên quan, liên hệ tới chương trình này. Nhận thấy cách làm không đúng của Công ty Đại Việt là sẽ kêu gọi hỗ trợ tiền từ những người tham gia cho nên PGS, TS Vượng quyết định không tham gia vào BTC như trong đề án đã ghi. Ông Vượng đã nhiều lần có ý kiến cho rằng, việc thu tiền đã vi phạm Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg, nhưng không hiểu sao bên Công ty Đại Việt vẫn tiếp tục tổ chức chương trình với hình thức huy động tiền nói trên.

Về vấn đề này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay Nguyễn Xuân Thắng cho biết, việc BTC khi chưa xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học đã tự ý đưa tên vào trong đề án và gửi đi khắp nơi để mời tham gia là sai. Về việc này, Chủ tịch VFUA đã có chỉ đạo, phê bình lãnh đạo Công ty Đại Việt. Sau đó, phía Công ty Đại Việt đã sửa lại đề án trong hồ sơ, ghi danh sách khách mời là “dự kiến” và đã đến xin lỗi PGS, TS Phạm Tất Dong.

Theo chúng tôi được biết, trong hồ sơ gửi đến các nhà khoa học, tại “đề án lễ vinh danh”, “hợp đồng hỗ trợ kinh phí tổ chức”, Công ty Đại Việt tự ý đưa tên VFUA lên trên tên của đơn vị mình, làm cho nhiều người hiểu lầm Công ty Đại Việt là thành viên của VFUA. Ngoài ra, còn có một hộp thư điện tử có tên của VFUA được Công ty Đại Việt tự ý tạo ra để tiến hành giao dịch tại địa chỉ: thongtinlienhiepunesco.vfua@gmail.com. Chủ tịch Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, việc Công ty Đại Việt tự lập thư điện tử có tên VFUA để giao dịch, tự ý sử dụng tên của VFUA trong các văn bản trong hồ sơ là sai, đây là việc mạo danh.

Theo luật sư Trương Anh Tú, trong quá trình tổ chức, Công ty Đại Việt tự ý sử dụng tên VFUA trong các hợp đồng và văn bản giấy tờ khác mà chưa được sự đồng ý của VFUA là sai phạm. Việc cố tình đưa tên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhằm mục đích lấy danh nghĩa của tổ chức, tiến hành mời chào, thu tiền của những người tham gia xét chọn vinh danh là hành vi mạo danh, dễ gây hiểu nhầm cho người nhận được bộ hồ sơ.

Từ vụ việc nói trên, chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền, đoàn thể cần tăng cường kiểm tra, giám sát, không để các đơn vị do mình quản lý tổ chức các cuộc vinh danh, mạo danh và thu tiền của cá nhân, tập thể được vinh danh trái với các quy định của pháp luật.

Theo Minh Nhật/ Báo Nhân dân