Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

“Chúng ta phải có lời xin lỗi với các giáo viên ở lại miền núi…”

(Dân trí) - Nhân dịp năm mới 2014, PV báo <i>Dân trí</i> đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về những vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đặc biệt, Bộ trưởng đã có những chia sẻ riêng về học sinh dân tộc thiểu số và giáo viên miền núi.

“Chúng ta phải có lời xin lỗi với các giáo viên ở lại miền núi…”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Thưa Bộ trưởng, xin ông kể ra những quyết định của Chính phủ mà ông tâm đắc đối với học sinh dân tộc thiểu số và giáo viên miền núi?

Mới đây, sau một thời gian chúng tôi cùng các bộ, ngành khảo sát, phân tích, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, theo đó, các em học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ đại học được hưởng chế độ như sinh viên cử tuyển, giúp các em có thêm điều kiện thuận lợi để theo học và sau đó trở về phục vụ quê hương.

Một quyết định khác cũng khiến tôi rất mừng là Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ bổ sung chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định trước đây, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học được hưởng phụ cấp thu hút trong 5 năm, sau thời gian này các thầy cô sẽ được trở về miền xuôi. Trên thực tế có phát sinh vấn đề: sau 5 năm, nhiều thầy cô ở lại miền núi công tác với nhiều lý do khác nhau như không tìm được chỗ làm việc dưới xuôi; có thầy cô đã lập gia đình, tạo dựng cuộc sống mới và gắn bó với các cháu và đồng bào nên không trở về xuôi... Nhưng dù với lý do gì, phải ở lại hay tự nguyện, thì những thầy cô này bị cắt phụ cấp thu hút sau 5 năm được hưởng. Điều này dẫn đến nghịch lý là người có thâm niên dạy học ở miền núi lại có thu nhập thấp hơn những giáo viên trẻ mới lên vùng núi nhận công tác.

Trong quá trình xây dựng Nghị định mới này, Bộ GD-ĐT đã phải giải trình rất nhiều. Tôi đã từng nói: Chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi, khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời công tác của mình cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi xa xôi này, trong khi chúng ta không thể bố trí ''trả'' cho các thầy cô một chỗ dạy ở quê hương dưới xuôi. Với các thầy cô, chúng ta đã không thể tăng thêm thu nhập thì thôi, không nên cắt giảm.

Với Nghị định 19 được ban hành, các đồng nghiệp của chúng tôi là người miền xuôi làm việc ở vùng cao có thêm nguồn thu nhập, nhưng quan trọng hơn là họ nhận được sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, và chắc chắn họ sẽ có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đến thăm thôn Can Hồ A 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đến thăm thôn Can Hồ A (xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, Lào Cai), nơi cơn lũ dữ đã cuốn trôi nhiều khu tập thể giáo viên tối 4/9/2013.

Được biết, trong năm 2013, Bộ trưởng đã có mặt kịp thời ở trận lũ quét kinh hoàng ở Bản Khoang - Lào Cai. Sau chuyến đi đó, Bộ trưởng rút ra được điều gì?

Những năm qua, tôi đã đến nhiều vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình. Có nhiều chuyến đi với tư cách đoàn công tác của Bộ, và cũng có những chuyến đi ''riêng'' với trách nhiệm của người đứng đầu ngành để nắm thông tin thực tế trực tiếp từ cơ sở.

Xin nói thêm là sau đó, Bộ GD-ĐT cùng với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các tổ chức khác đã đóng góp (không phải bằng tiền ngân sách Nhà nước) để xây cho các thầy cô giáo ở bản Khoang một nhà công vụ mới. Tôi nghiệm ra rằng mình đã, đang và sẽ nên đến những vùng khó khăn nhiều hơn nữa.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Hồng Hạnh (thực hiện)