Ý kiến của chúng tôi:

Chúng tôi muốn phân ban

Rất cần phân ban! Vì bộ óc con người có hạn, không thể nhồi nhét và ghi nhớ quá nhiều kiến thức. Chưa kể mỗi người lại có năng khiếu trong một lãnh vực nào đó. Do vậy cần tạo điều kiện để họ phát huy cao nhất mặt mạnh của mình.

Tuy nhiên, không thể vì phân ban mà đào tạo lệch được. Phân ban nhưng phải toàn diện. Dù KHTN hay KHXH đều phải biết căn bản, biết vững. Ngoài ra, học sinh học khối nào thì sẽ được đào tạo chuyên sâu những môn thế mạnh theo ban mà họ chon.

 

Thiết nghĩ, việc phân ban còn "rối" như hiện nay là vì Bộ GD&ĐT chưa vạch ra được chiến lược đào tạo tốt chứ không phải bản thân việc phân ban là không tốt.

 

Tôi nghĩ, để cải tiến nền giáo dục nước ta, Bộ GD&ĐT hãy nên thử tìm hiểu xem, tại sao học sinh của ta thi quốc tế đoạt rất nhiều giải cao, vậy mà bằng đại học của ta lại ít được thế giới công nhận?

 

Quốc Cường

 

Các trường nên cho học sinh chọn lựa lại nếu "chọn nhầm" ban

 

Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng tổ chức việc học theo chương trình phân ban ở bậc PTTH là hiệu quả. Rõ ràng việc học theo chương trình phân ban sẽ tạo điều kiện cho các em học sinh tìm hiểu chuyên sâu kiến thức các môn học đúng sở thích và phù hợp với tố chất, khả năng riêng của từng em. Như vậy sẽ tạo nên sự hưng phấn trong học tập.

 

Tuy nhiên, để chương trình phân ban trở nên có hiệu quả hơn, tôi có một ý kiến là song song với chương trình học của từng phân ban sẽ kết hợp vào đó công tác hướng nghiệp. Tất nhiên công tác hướng nghiệp sẽ bám vào thực tế từng ngành nghề.

 

Chẳng hạn, phải tư vấn cho học sinh biết được khi theo khối xã hội, học sinh sẽ có chọn những ngành nào ở ĐH. Những ngành này học cái gì? Khi ra trường sẽ làm việc gì?...

 

Ngoài ra, nhà trường phổ thông cũng nên tạo điều kiện cho các em học sinh được chọn lựa lại nếu các em cảm thấy phân ban mình đang theo học không phù hợp sở thích và năng lực. Như vậy, chắc chắn các em sẽ có một sự lựa chọn đúng đắn hơn.

 

Khánh Hiền

 

"Nhất nghệ tinh, Nhất thân vinh"

 

Đọc ý kiến của độc giả Hoàng Anh, tôi không đồng ý lắm về cách nhìn hơi cực đoan về hậu quả của việc chuyên ban.

 

Theo tôi thì việc phân ban cho trung học phổ thông là việc nên làm và cần phải xây dựng một hệ thống chuyên ban hoàn chỉnh hơn về mọi mặt chứ không phải là cứ vài năm lại chuyên ban, sau vài năm lại đổi thành không chuyên, xong rồi lại chuyên ban. Với hệ thống sách giáo khoa thiếu đồng bộ như hiện nay thì đến bao giờ chúng ta mới thấy được hiệu quả của việc phân ban?

 

Về điều đầu tiên mà độc giả Hoàng Anh đề cập, tôi xin hỏi lại là Hoàng Anh lấy ví dụ về hệ thống chuyên ban nào mà học sinh chỉ học các môn để sau này làm kỹ sư mà thôi, và không học một tí gì về lịch sử hay văn học? Tôi nhấn mạnh phân ban không có nghĩa là học sinh ban A chỉ học toán, lý, hóa và học sinh ban C chỉ học văn học, lịch sử và địa lý mà thôi, mà có nghĩa là học sinh phân ban nào thì sẽ tập trung nhiều hơn một số môn nào đó mà thôi.

 

Về chuyện môn Tiếng Việt thực hành được đưa vào giảng dạy ở trường đại học không thể đơn thuần đổ lỗi cho phân ban. Vì tôi thấy cả học sinh phân ban và không phân ban vào đại học đều phải học môn này cả. Tôi và các bạn cùng lứa theo học chương trình đại trà, được đào tạo bài bản theo chương trình chung không phân ban mà vẫn phải học môn này đấy thôi.

 

Lỗi yếu kém về kiến thức các ngành khác của nhà văn, đạo diễn mà độc giả Hoàng Anh đề cập, liệu có phải là do họ theo học phân ban không? Tôi không tin là các sinh viên hiện nay tốt nghiệp trường kịch nghệ, đạo diễn lại thiếu kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật đến mức như đề cập. Và nếu có, thì lỗi ở những người làm cố vấn kỹ thuật cho các chương trình đó không góp ý kiến.

 

Việc đào tạo con người toàn diện theo chuẩn phổ thông thì tôi thấy chúng ta đã đào tạo từ khi còn là học sinh mẫu giáo, tiểu học rồi. Và chuyện vận dụng thực hành vào việc học thì đó là vấn đề của cả nền giáo dục chứ không phải riêng cấp bậc giáo dục nào cả, có phân ban hay không phân ban thì đó vẫn là điều cần phải thực hiện.

 

Việc đào tạo phân ban không thể nào sinh ra một lớp người có kiến thức què quặt được vì chẳng lẽ kiến thức chung tiếp thu cả chục năm trước đó có thể bị hai, ba năm chuyên ban quét sạch sao, nếu có thì đó là lỗi của riêng cá nhân mà thôi.

 

Chẳng phải ông bà ta vẫn có các tục ngữ như "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" hay "Trăm hay không bằng tay quen" đó sao? Cho nên cần phải định hướng nghề nghiệp sớm cho con em chúng ta.

 

Chu Đức Sinh

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Phân ban - nên hay không?