Chương trình GDPT tổng thể: Chưa thể hiện mô hình giáo dục mở

(Dân trí) - Chương trình này không có ý nào thể hiện nó là một chương trình thuộc kế hoạch xây dựng một mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Hình như chương trình này vẫn đóng khuôn trong 4 bức tường của nhà trường phổ thông.

“Không chuẩn” trong ý tưởng và quan niệm

Về quan niệm chung với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GS Dong cho rằng, việc quán triệt các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29-NQ/HNTW của Đảng và Quyết định 44/2014/QĐ-CP, về cơ bản, các chuyên gia đã có sự tiếp cận nghiêm túc và cũng đã cố vận dụng những quan điểm đó vào cuộc sống, vào giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, giữa Tuyên ngôn (trong quan điểm xây dựng chương trình phổ thông) với nội dung chương trình tổng thể, hình như thiếu sự ăn ý và thống nhất: Tuyên ngôn mang tính chất “đại ngôn”, còn thực tế thì rất mờ. Chẳng hạn, khi tuyên bố quyền được tôn trọng và lắng nghe, quyền tham gia của học sinh đã được in rõ thì không có một tổng kết nào về ý kiến học sinh trong nhiều năm qua trước những chương trình đã được đưa ra để đón nhận ý kiến đóng góp về phía xã hội, nhất là về phía học sinh với tư cách là nhân vật được thụ hưởng chương trình.

Về lý luận cơ bản trong khoa học giáo dục, có những vấn đề ghi trong các văn bản chính thức không chuẩn xác, và do đó, khi xây dựng chương trình, các chuyên gia đã “không chuẩn” trong ý tưởng và quan niệm.

Ví dụ mệnh đề “góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh” (trích nghị quyết 88/2014/QH13).


Sứ mạng của giáo dục là đem lại cho con người những kiến thức, những kỹ năng và thái độ sử dụng những kiến thức, vận dụng kỹ năng.

Sứ mạng của giáo dục là đem lại cho con người những kiến thức, những kỹ năng và thái độ sử dụng những kiến thức, vận dụng kỹ năng.

Chương trình này chỉ thấy Học, không rõ vấn đề Hành

Một nền giáo dục coi nhẹ truyền thụ kiến thức thì truyền thụ cái gì? Sứ mạng của giáo dục là đem lại cho con người những kiến thức, những kỹ năng thái độ sử dụng những kiến thức, vận dụng kỹ năng.

Về phương diện triết học, người ta nói khái quát là Giáo dục truyền thụ những kinh nghiệm xã hội – lịch sử của loài người đến người học, giúp người học biến những kinh nghiệm xã hội – lịch sử đó thành kinh nghiệm cá nhân.

Kinh nghiệm xã hội – lịch sử được kết tinh trong hệ thống kiến thức và những kỹ năng. Vậy, sứ mạng của giáo dục là mang lại cho con người sự hiểu biết (kiến thức) và việc sử dụng kiến thức vào cải tạo thế giới, cải tạo xã hội, cải tạo con người (kỹ năng). Sao lại phê phán giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức. Đáng ra là phải phê phán lối giáo dục lý thuyết suông mới đúng.

Định hướng phát triển năng lực con người là đúng. Theo luận điểm triết học của Karl Marx, con người là một hệ thống những năng lực – những năng lực thể chất và những năng lực tinh thần.

Chính từ luận điểm này, trong bức thư của Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân dịp khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người viết rằng: “Rồi đây các cháu sẽ được hưởng một nền giáo dục mới – một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các cháu”.

Gần 80 năm trôi qua, bây giờ các chuyên gia mới ghi được một cụm từ phát triển năng lực vào mục tiêu giáo dục, mà hình như là lấy từ chương trình nước ngoài. Hiện tượng này làm người ta nghĩ gì đến công tác lý luận.

Phải có kiến thức và kỹ năng trước thì mới hình thành được năng lực. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu Học đi đôi với Hành, điều kiện cơ bản và là biểu hiện cụ thể của năng lực.

Giáo dục phải thực hiện 4 chữ H của Hồ Chí Minh:

HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH

Chương trình này chỉ thấy Học, không rõ vấn đề Hành. Đó là điểm yếu (Hành trong trường phổ thông là hành trong vườn trường, trong ao cá, trại chăn nuôi, trên đồng ruộng, phòng thí nghiệm. Trong chương trình không có vấn đề này).

Vẫn đóng khuôn trong 4 bức tường

Chương trình này không có ý nào thể hiện nó là một chương trình thuộc kế hoạch xây dựng một mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Hình như chương trình này vẫn đóng khuôn trong 4 bức tường của nhà trường phổ thông.

Cho dù có tuyên bố học sinh phải trải nghiệm sáng tạo, phải thực hành nhiều nhưng nhà trường qua bóng dáng của chương trình tổng thể vẫn là nhà trường đóng các cửa đi vào đời sống xã hội, không có lối cho học sinh gắn học hành với hệ thống sản xuất ở xí nghiệp, doanh nghiệp, công trường, đồng ruộng.

Với kiểu chương trình này, khi học đến lớp 12, có học sinh vẫn chưa sờ lên vai con trâu, vẫn không hiểu sau cánh cổng đi vào nhà máy kia, công nhân đang làm việc thế nào, môi trường ao hồ, không khí, đất đai bị ô nhiễm ra sao…

Phân luồng bằng cách nào

Chương trình tuyên bố dạy học phân hóa, phân luồn học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng phân luồng là gì thì may ra có thể giải thích được, còn phân luồng bằng cách nào, đến nay Bộ vẫn bó tay.

Cách đây một tháng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã duyệt Đề tài “Phân luồng học sinh trung học cơ sở”, giao cho Viện Khoa học giáo dục chủ trì Đề tài này. Phải nói rằng, chúng ta thất bại về phân luồng hàng chục năm vì thời gian qua, càng nói đến phân luồng thì học sinh học xong phổ thông càng đổ về trường đại học. Giờ đây phân luồng trong khi Đề tài phân luồng mới được Bộ duyệt tháng trước. Vậy, triển khai phân luồng học sinh khi chưa tìm ra giải pháp mới (vì Đề tài chưa triển khai) thì liệu chương trình có tính thực thi hay không.

Hiện nay, hệ thống Trường Dạy nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Ở hệ thống đó, các trường dạy nghề thuộc về hệ Trung cấp, còn ở hệ thống giáo dục phổ thông, nhà trường có trình độ đào tạo tương đương lại được gọi là hệ Trung học.

Một Dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa sang Bộ Tư pháp để thẩm định về tính chất luật định của phân luồng. Trong Dự án này, nếu học sinh học Trung cấp nghề mà muốn vào Đại học thì phải có giấy chứng nhận có trình độ Trung học phổ thông.

Vậy thì, quy định này sẽ gợi ý cho học sinh học theo hệ Trung học phổ thông, việc gì phải vào học Trung cấp nghề rồi học thêm để có trình độ tương đương trung học phổ thông. Tình trạng này sẽ dẫn đến việc thu hút học sinh phổ thông và hệ quả tất yếu là, khi có mảnh bằng Trung học phổ thông rồi sẽ thi vào Đại học. Chỉ khi không trúng tuyển đại học, các em sẽ đành phải đi học nghề.

Như thế, chúng ta lại một lần nữa thất bại trong việc chủ trương phân luồng.

Tôi tìm mãi xem Chương trình cấu trúc như thế nào để phân luồng học sinh, để phổ thông liên thông với dạy nghề, nhưng không thấy điều này ở chỗ nào.

Sẽ gây quá tải cho học sinh

Chương trình tuyên bố rằng, phải liên thông với chương trình giáo dục đại học. Ý tưởng này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, người đọc chưa hình dung được những nội dung nào cần có để giáo dục Trung học phổ thông chuẩn bị cho học sinh đi vào các loại hình đại học – đại học hàn lâm, đại học kỹ thuật và công nghệ, đại học văn hóa – nghệ thuật.v.v…

Ở đây có một vấn đề đặt ra.

“Chương trình giáo dục phổ thông định hướng cho sự phát triển giáo dục đại học, hay chương trình giáo dục đại học quy định những kiến thức, kỹ năng cơ bản mà trường phổ thông phải chuẩn bị để học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ thuận lợi cho việc tiếp cận giáo dục đại học ngay từ những ngày đầu?”.

Tôi hiểu là phải theo hướng thứ hai bởi:

Giáo dục phổ thông trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng, thái độ tối thiểu và cần thiết đối với toàn bộ cư dân trong cả nước. Ý nghĩa “phổ thông” là ở chỗ đó. Căn cứ vào yêu cầu đào tạo ở hệ đại học mà chọn những kiến thức, kỹ năng để tiếp thu kiến thức, kỹ năng sẽ được truyền thụ ở đại học.

Đưa kiến thức đại học vào chương trình phổ thông dưới nhiều hình thức sẽ gây nên sự quá tải ở học sinh, làm cho học sinh phổ thông mệt mỏi, căng thẳng bởi phải học thêm mới tiêu thụ những gì mà ở giai đoạn học đại học họ mới động chạm đến.

Giáo dục phổ thông mang tính chất phổ thông – kiến thức và kỹ năng do chương trình phổ thông cung cấp là những gì cần làm nền tảng cho việc học ở đại học. Hãy để trường Đại học tự chủ tuyển chọn học sinh tốt nghiệp phổ thông, tự chủ về học thuyết và cách thức đào tạo riêng của họ.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể liên thông với giáo dục đại học là như vậy, không phải là thi tốt nghiệp phổ thông rồi bắt trường đại học chấp nhận điểm thi đó để tuyển sinh. Nói cách khác, sự liên thông phổ thông – đại học là sự phù hợp và tiếp nối hợp lý những kiến thức và kỹ năng giữa 2 hệ, chứ không phải là sự quy định điểm thi tốt nghiệp phổ thông.

Tham đưa kiến thức khó

Tôi thấy chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này vẫn có xu hướng tham đưa kiến thức khó (không phổ thông) vào nội dung các môn học và sẽ lại dùng phương pháp nhồi nhét đứa trẻ không ít kiến thức sẽ không dùng đến.

Nhồi nhét kiến thức cho trẻ là sai lầm, nó không làm cho chất lượng giáo dục phổ thông tốt hơn, mà chỉ làm cho học sinh phổ thông mỏi mệt, chán học, mất động lực học đại học.

Cũng cần nói rằng, chính đại học mới là nơi đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực tăng sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế. Trường phổ thông không có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực mà là chuẩn bị điều kiện, chuẩn bị nền tảng cho hệ đại học đào tạo nguồn nhân lực.

Trường phổ thông, chương trình phổ thông có mục tiêu hình thành và phát triển NHÂN CÁCH và đây là nguyên liệu cơ bản để xây nên tòa nhà NHÂN LỰC. Rất đáng tiếc là ngay từ lời mở đầu của chương trình chỉ có lời tuyên bố đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực (tức là cho cộng đồng người) mà quên nói đến giáo dục hình thành và phát triển Nhân cách, tức là giáo dục đến với MỖI CON NGƯỜI.

Còn nữa....

GS.TSKH Phạm Tất Dong