Chương trình giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông

(Dân trí) - Chương trình giáo dục STEM đã được triển khai thí điểm tại 14 trường ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Chương trình học tích hợp, học để vận dụng là xu hướng của giáo dục hiện đại nhưng đòi hỏi phải “chắc” khi áp dụng vào Việt Nam.

Chương trình học theo chủ đề

Tại hội thảo "Giáo dục Stem trong chương trình giáo dục phổ thông của một số nước và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam" diễn ra tại TPHCM ngày 24/6, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, giáo dục STEM là sự tích hợp giữa khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học. STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). 

Một trong những hình thức học STEM mới đang được áp dụng hiện nay là học dựa trên thực hiện các bài thực hành. Đối với hình thức học này, học sinh (HS) được tham gia vào các bài học và bài thuyết trình có chất lượng cao theo từng chủ đề cụ thể.

Học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM trong giờ học ngoại khóa về Robotics.
Học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM trong giờ học ngoại khóa về Robotics.

Giáo sư Gil Taran, Trường Đại học Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) cho hay, việc triển khai giáo dục STEM ở trường học là nhằm chuẩn bị cho HS những tri thức thiết yếu nhất của thế kỉ XXI, những kỹ năng có thể giúp tăng đáng kể ưu thế cạnh tranh của lao động mỗi quốc gia. Hiện nay STEM được áp dụng rộng rãi tại Mỹ.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, mô hình “Phòng lab tích hợp STEM bằng tiếng Anh” một trong những nội dung của giáo dục STEM đã được triển khai thí điểm tại 14 trường ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng khoảng 1.000 HS theo học.

Từ ứng dụng của giáo dục STEM, 2 môn học mới đó là Công nghệ Thông tin và Robotics được triển khai ở Hà Nội và TPHCM. Trong đó, chương trình Robotics, HS được trang bị các kiến thức về khoa học tự nhiên, các nguyên lý cơ bản của các loại hình robot trong thực tế từ đó giúp các em hiểu và đam mê với các thiết bị thông minh trong thời đại công nghệ ngày nay. HS tại một số trường ở TPHCM đã đạt được một số giải quốc tế từ môn học này.

Những kết quả khả quan đã mở ra một hướng phát triển về giáo dục tích hợp STEM cho cấp học phổ thông. Dự kiến trong năm học này, chương trình tiếp tục được nhân rộng với 3.000 HS tham gia.

Chương trình giáo dục hạn chế do thiếu tích hợp

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng dựa trên các yêu cầu của giáo dục STEM, nhất là hiệu quả tích hợp các môn học và vận dụng thực tế có thể thấy chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện chưa thực sự có giáo dục STEM.

Nếu như ở bậc tiểu học, ít nhiều có tinh thần tích hợp trong chương trình như bộ môn Tìm hiểu tự nhiên và xã hội, Khoa học thì lên THCS, THPT các môn học lại độc lập, mới tích hợp ở một số nội dung trong từng môn học riêng lẻ. 

Chương trình các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ được xây dựng theo theo cách tiếp cận nội dung, chưa coi trọng yêu cầu hình thành và phát triển năng lực. Do thiếu sự gắn kết giữa kiến thức, kỹ năng của các môn học nên chương trình các môn khoa học tự nhiên của chúng ta còn nặng về kiến thức hàn lâm, nhẹ về yêu cầu thực hành, vận dụng…

Chính vì thế, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã dẫn đến tình trạng phần lớn HS, sinh viên thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu chủ động, sáng tạo, hạn chế vận dụng kiến thức vào sản xuất và đời sống. Nhân sự chưa thích ứng kịp với những biến đổi của công nghệ, thị trường lao động.

Từ những bất cập của chương trình giáo dục được xây dựng từ năm 2000, chưa kịp cập nhật với các xu thế phát triển chương trình hiện đại, ông Thống nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi trong bối cảnh giáo dục STEM cần được chú ý nghiên cứu và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện. Mà trước hết là vận dụng giáo dục STEM trong xây dựng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015.

Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM chưa thể tiến hành đại trà tại các trường học trên cả nước mà chỉ có thể thực hiện từng bước. Để áp dụng phương pháp mới này đòi hỏi các trường phải có đáp ứng được điều kiện vật chất cùng đội ngũ giáo viên có trình độ công nghệ thông tin lẫn khả năng dạy tích hợp.

Hoài Nam