Chương trình mới đang “bỏ quên” những vấn đề cốt lõi?

(Dân trí) - Vai trò của nhà giáo, tư duy phản biện của học trò - hai vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục chưa được quan tâm nhiều trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Đó là nội dung trọng tâm được các nhà nghiên cứu, nhà giáo, đại biểu đặt ra tại buổi tọa đàm bàn tròn “Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” do Viện Nghiên Cứu Phát triển Giáo dục (IRED) tổ chức chiều 12/5 tại TPHCM.

Nhiều nhà giáo, phụ huynh đến tham dự buổi tọa đàm góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể diễn ra tại TPHCM chiều 13/5
Nhiều nhà giáo, phụ huynh đến tham dự buổi tọa đàm góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể diễn ra tại TPHCM chiều 13/5

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, nhà nghiên cứu của Viện IRED nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng của giáo dục là sự tự chủ, đặc biệt là của người dạy, người học. Và cần đặc biệt quan tâm đến tư duy phản biện, kỹ năng phản biện cho học trò.

"Nhưng tôi không hiểu vì sao dự thảo không đề cập đến nội dung này. Trong khi đây phải là yếu tố số 1, phải được bao trùm lên toàn bộ chương trình giáo dục. Phải thấm vào ở tất cả các môn học, ở mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường. Người học cần có tư duy đầu óc cởi mở, tò mò... đó chính là cội nguồn của mọi sự sáng tạo, thiết kiến. Nếu không đề cao giáo dục phản biện thì ảnh hưởng chất lượng con người, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển quốc gia" - ông Trung nói và vẫn lặp lại thắc mắc vì sao dự thảo không đề cập.

TS Nguyễn Khánh Trung
TS Nguyễn Khánh Trung

TS Nguyễn Khánh Trung cũng nêu quan điểm giáo viên là lực lượng khuấy động đổi mới, là những người dấn thân với chương trình đổi mới nhưng dường như chúng ta còn xem nhẹ vai trò của nhà giáo. Ông đưa ra đề xuất Bộ GD-ĐT nên để hiệu trưởng và giáo viên chọn sách giáo khoa để dạy sao cho phù hợp với từng vùng miền, vì chương trình học mới là quan trọng, sách giáo khoa chỉ là công cụ thôi.

Đồng tình với ý kiến của ông Trung, cô Trần Thúy Hằng, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa bày tỏ bản thân cô không mấy lạc quan về công cuộc cải cách. Giáo dục cần đề cao hơn nữa chất lượng đào tạo con người, tư duy phản biện cho người học và điều này phải chú ý đến đào tạo giáo viên, nhưng trong dự thảo, cô chưa nhìn thấy khía cạnh đào tạo giáo viên. Đây là thứ cần bổ sung.

"Tư duy của người dạy rất quan trọng, có sách giáo khoa, chương trình hay nhưng tư duy của giáo viên không vững, không mở thì rất khó. Giáo viên không đặt ra được câu hỏi mở thì lấy đâu ra học sinh có tư duy mở?", cô Hằng đạt vấn đề và cũng chia sẻ giáo viên bị áp đặt rất nhiều từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và cả điểm số. Nếu dạy cho hay, dạy để học sinh thích nhưng đi thi các em chưa chắc đã đạt điểm tốt, rất mâu thuẫn.

Cô Trần Thúy Hằng: Giáo dục cần đề cao hơn chất lượng đào tạo con người
Cô Trần Thúy Hằng: "Giáo dục cần đề cao hơn chất lượng đào tạo con người"

Cô Lê Thị Nga (giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn) nói, trong trường học cô vẫn hay ví "Cuộc đời là những cuộc thi". Học sinh chạy quay vòng từ cuộc thi này đến cuộc thi khác không ngơi nghỉ, các em lúc nào cũng học dồn dập để thi và giáo viên cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy này.

Giáo viên đang đứng trước nhiều yêu cầu về đổi mới phương pháp, cách thức dạy học nào là tích hợp, nào theo năng lực học sinh... nhưng khi thi cử lại phải theo tiêu chuẩn, đề thi của một nhóm ở Bộ GD-ĐT. Đây là thách thức rất lớn đối với nhà giáo.

Nhiều học trò than với cô Nga "Cô làm tụi con bối rối", cô nói lại: "Không, tụi con mới làm cô bối rối" vì các con làm cô không nhức đầu dạy làm sao đảm bảo cái này, lại đòi hỏi cái kia.

Theo cô Nga, chúng ta vẫn đang lòng vòng trong thi cử, đánh giá như hiện nay thì còn rất áp lực, khó mà phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Chương trình mới cần giải phóng những áp lực về thi cử một cách thật sự.

Cô Lê Thị Nga cũng đánh giá cách phân luồng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không thể nào thành công . Chương trình phân thành hai luồng là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), từ lớp 10 là phân luồng giáo dục nghề nghiệp là rất khó thực hiện vì một số lý do như ở độ tuổi lớp 9 các em chưa nhìn nhận đầy đủ về nhu cầu xã hội, khả năng của bản thân; nhiều trường nghề vẫn yêu cầu người học tốt nghiệp THPT...

"Ngay bây giờ chúng ta đang hướng nghiệp trong trường THPT đã làm nổi, làm tốt hay chưa mà giờ lại nói làm từ lớp 9?", cô Nga thẳng thắn.

Nhà giáo Giản Tư Trung khẳng định tầm quan trọng của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ và hình thành xã hội tương lai. Dự thảo có đổi mới nhưng quan điểm của ông Trung lại không thấy đổi mới căn bản và toàn diện. Đổi mới căn bản là đổi mới về tư tưởng và triết lý, còn đổi mới toàn diện là đổi mới vai trò của cả 5 chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục: nhà trường, nhà giáo, nhà nước, gia đình và học sinh.

Ông Giản Tư Trung cũng bày tỏ, chúng ta trải qua nhiều lần đổi mới giáo dục nhưng vì sao đổi hoài chưa thấy mới? Theo ông, có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất chúng ta chưa làm rõ giáo dục mới đó là gì? Giáo dục cần thật sự khai phóng và đích đến phải là sự tự do, tự chủ của người học.

Nhưng như các đại biểu, nhà giáo đã chia sẻ ở trên, chương trình tổng thể chưa chú ý, nếu không muốn nói là "bỏ quên" khía cạnh tự chủ, tư duy phản biện của người học và cả người dạy.

Hoài Nam