Chương trình môn Ngữ văn mới nên tháo ra làm lại: Nhận xét thiếu khoa học?

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng bài Chương trình môn Ngữ văn mới: Nên tháo ra làm lại? ghi lại ý kiến của GS.TS. Lã Nhâm Thìn và GS.TS Trần Ngọc Vương tại tọa đàm đánh giá chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới, GS.TS. Lê Huy Bắc trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có ý kiến phản biện và nói rõ thêm vấn đề này.


Giáo viên – học sinh trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội tham gia học tập trải nghiệm môn Văn tại nhà thờ cụ Nguyễn Khuyến

Giáo viên – học sinh trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội tham gia học tập trải nghiệm môn Văn tại nhà thờ cụ Nguyễn Khuyến

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trao đổi lại một số ý kiến như sau:

Trước hết, chúng tôi đồng ý một phần với phát biểu của GS.TS. Lã Nhâm Thìn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): “Đặc thù của môn Ngữ văn là giáo dục tư tưởng, do đó chương trình cần đạt được mục tiêu giáo dục thẩm mỹ và giáo dục tư tưởng, chứ không chỉ có nghe, nói, đọc, viết”.

Sở dĩ nói chỉ đồng ý một phần vì mục tiêu của môn Ngữ văn ở trường phổ thông không chỉ là giáo dục tư tưởng (nói là “bồi dưỡng tư tưởng” thì đúng hơn), mà còn là phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực giao tiếp cho học sinh nữa. Tuy nhiên, chúng tôi xin chia sẻ và làm rõ thêm một số điểm mà có lẽ GS.TS. Lã Nhâm Thìn chưa nắm rõ chủ ý của Ban soạn thảo chương trình.

Trước hết là cụm “nghe, nói, đọc, viết”. Nếu học ngoại ngữ (tiếng Anh chẳng hạn), thì trật tự này đúng, nhưng với việc học ngôn ngữ quốc gia và văn chương ở trường phổ thông thì cụm từ đó phải đổi trật tự như nhóm soạn thảo chương trình đã đề xuất là “đọc, viết, nói và nghe”. Việc “đọc” văn bản là cơ sở để luyện “viết”, cũng như để “nói và nghe” sau đó.

Từ trật tự này, chúng ta sẽ thấy, chương trình không xuất phát từ mục tiêu “học ngoại ngữ”, không hướng đến việc “tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành những phần tách bạch” (ý kiến của PGS.TS Phạm Quang Long) mà là “dạy-học văn” hướng tới những giá trị thẩm mỹ và tư tưởng của văn học.

Vấn đề đặt ra: “Dạy-học văn” cần bắt đầu từ đâu? Câu trả lời là từ ngôn ngữ. Do ngôn ngữ văn chương là kí hiệu thẩm mĩ mang tính tư tưởng, nên muốn “đọc”, “hiểu” hay khai thác các giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của tác phẩm văn chương đều phải đi qua con đường ngôn ngữ. Từ “đọc, viết, nói và nghe”, các giá trị tư tưởng và thẩm mĩ sẽ được hình thành trong đầu óc và tâm hồn học sinh.

Cần lưu ý, việc “hình thành” các giá trị tư tưởng và thẩm mĩ đó, theo chủ ý của Ban soạn thảo chương trình, là chủ yếu do học sinh tự tri nhận mà có được, giáo viên chỉ là người “gợi dẫn” hay “làm mẫu” chứ không làm thay. Được hướng dẫn để trực tiếp đọc và tri nhận tác phẩm văn chương, mỗi học sinh sẽ có một kiểu cảm xúc thẩm mĩ, một cách tri nhận tác phẩm của riêng mình chứ không mượn “đồng phục” của người khác, nói “rập khuôn” theo lối bình tán như cách học văn bấy lâu nay.

Từ lập luận trên, ta thấy sẽ chẳng thể có chuyện dạy-học văn được tiến hành theo cách tách ngôn ngữ và văn chương ra khỏi nhau. Trong văn chương, ngôn ngữ chính là “văn chương” và ngược lại. Chương trình thiết kế “lối đi” vào văn chương bằng khai thác nghĩa và ý nghĩa của kí hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ trong hệ thống văn bản văn học là hoàn toàn khoa học và đó là lối đi duy nhất để đến được tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của văn chương.

Thêm nữa, biên soạn chương trình môn học này dựa trên trục “đọc, viết, nói và nghe” là cấu trúc mà các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Australia, Pháp,… đều tuân thủ.

Nhóm biên soạn đã kế thừa thành tựu biên soạn chương trình của các cường quốc giáo dục này nên những ai đã đọc dù chỉ đọc lướt qua những chương trình giáo dục phổ thông ấy cũng sẽ không nhận xét dự thảo chương trình Ngữ văn là “thiếu khoa học”, “cần tháo dự thảo chương trình này ra để làm lại, trong đó cần tiến hành khoa học hơn, rõ ràng hơn”.

GS.TS. Lê Huy Bắc

(Đại học Sư phạm Hà Nội)