Chương trình tiên tiến: Thách thức hấp dẫn đối với sinh viên

(Dân trí) - Chương trình tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chương trình của những trường đại học nổi tiếng trên thế giới, sinh viên ra trường không bị thất nghiệp…tuy nhiên để theo được chương trình này sinh viên phải “chạy mướt mồ hôi” mới theo kịp.

Nhập khẩu giáo trình từ nước ngoài

Sau 10 năm thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến có 37 chương trình ở 24 trường ĐH Việt Nam liên kết với 24 trường ĐH quốc tế. Trong đó có 18 trường ĐH của Mỹ, 1 ĐH Anh, 1 ĐH Bỉ, 2 ĐH Úc và 2 ĐH Nga.

Sự xuất hiện của chương trình tiên tiến là một “thách thức hấp dẫn” vì có nhiều ưu điểm từ chương trình này bởi các môn học của CTTT đã được Bộ GD&ĐT và các chuyên gia đầu ngành tuyển chọn và nhập khẩu giáo trình từ quốc tế về giúp cho sinh viên có thể tiếp cận gần nhất với những kiến thức hiện đại, đang được triển khai ở nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Đặc biệt, sinh viên theo học chương trình này được trang bị ngoại ngữ trong quá trình học và khi ra trường giúp cho sinh viên có được những kỹ năng tốt về giao tiếp, nghiên cứu, làm việc bằng ngoại ngữ. Theo học lớp này, sinh viên được tiếp cận với đội ngũ giảng viên cao cấp - giảng viên nước ngoài, với nhiều giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, cơ sở vật chất được nhà trường đầu tư trang bị hiện đại nên tạo động lực cho sinh viên theo học. 100% sinh viên tốt nghiệp chương trình này đều có việc làm ổn định và có nhiều sinh viên chuyển tiếp ra nước ngoài học.

Chương trình tiên tiến: Thách thức hấp dẫn đối với sinh viên - 1

PGS.TS Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải trao bằng tốt nghiệp cho các tân kỹ sư chương trình tiên tiến

Sinh viên "mướt mồ hôi" mới theo kịp

Tuy nhiên, để theo học được chương trình này sinh viên phải có năng lực ngoại ngữ và điều kiện kinh tế mới theo kịp.

Tiến sĩ Trịnh Quang Khải, khoa đào tạo quốc tế, trường ĐH Giao thông vận tải (ĐH GTVT) cho biết, mỗi sinh viên theo học CTT thường có nhu cầu được đầu tư máy tính riêng, trang bị internet tại nơi ở, có khả năng đóng nộp kinh phí học tập bổ sung, hỗ trợ đào tạo, chi phí mua/photo sách, tài liệu tham khảo nước ngoài, các chi phí tham gia các hoạt động ngoại khóa…

Sau thời gian triển khai, CTTT đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn cho sinh viên. Tại hội nghị tổng kết Đề án đào tạo chương trình tiên tiến của trường ĐH Giao thông vận tải ngày 11/5, sinh viên Phan Vũ Thanh Tùng, cựu sinh viên lớp Kỹ thuật CTGT - chương trình tiên tiến K51, trường ĐH Giao thông vận tải đã có nhiều kiến nghị với nhà trường. Cụ thể, trong quá trình tuyển đầu vào cần tuyển chọn sinh viên khắt khe hơn, hiện chỉ việc tuyển chọn sinh viên còn giới hạn trong phạm vi nộp đơn đăng ký vì nhiều sinh viên khi vào học rồi, do yếu ngoại ngữ nên không theo được.

Theo sinh viên Tùng, tuy là chương trình đào tạo liên kết với trường ĐH Leeds Vương quốc Anh, ngoài cung cấp giáo trình và có giảng viên nước ngoài nhưng cơ hội giao lưu, trao đổi học hỏi cho sinh viên vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, tài liệu học và tham chiếu chưa đầy đủ, có những tài liệu chỉ có giáo trình tiếng Anh mà không có tiếng việt, dẫn đến nhiều khó khăn cho sinh viên trong quá trình đào sâu nghiên cứu. Chưa có sự liên kết chặt chẽ với công ty doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực mà sinh viên được học, từ đó quá trình thực tập chưa thực sự hiệu quả…

Đối với đội ngũ giảng viên nước ngoài thì một năm giảng viên nước ngoài chỉ sang giảng dạy trong 4 tuần chia đều ra 2 kỳ nên khối lượng học phần rất nặng so với thời gian giảng dạy tạo ra áp lực lớn cho sinh viên. Bên cạnh đó với chương trình học thì nội dung thực hành còn chưa nhiều, chưa có học phần tiếng Anh chuyên ngành liên kết chặt chẽ với các môn học chuyên ngành.

Còn theo nhận định của PGS.TS Trần Thị Kim Đăng, Phó trưởng Bộ môn Đường bộ (Trường ĐH Giao thông vận tải) cho biết, CTTT chưa phải thực sự là chương trình "tiên tiến” vì tiên tiến phải ở vị trí hàng đầu, vượt hẳn trình độ chung nhưng về tổng thể lớp CTTT chưa đúng với vị trí của nó trừ về trình độ tiếng Anh.

Để CTTT phát triển đúng nghĩa, bà Đăng đề xuất, cần có chính sách thu hút được sinh viên có đầu vào tốt. Trong tuyển sinh, cần có chiến lược dài hơi và yêu cầu về trình độ sinh viên phải tăng theo lộ trình. Chương trình đào tạo cần được duy trì định kỳ với sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan tuyển dụng trong và ngoài nước để thu thập và xử lý thông tin cho cải tiến chương trình...

Được biết, tới đây Bộ sẽ tổ chức hội nghị tổng kết về đào tạo CTTT để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất. Đồng thời, xem xét xây dựng một đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển tiếp các CTTT , chương trình kỹ sư Chất lượng cao và Chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (Pohe).

Tiến sĩ Trịnh Quang Khải, khoa đào tạo quốc tế, trường ĐH Giao thông vận tải (ĐH GTVT) cho biết, trường Bộ GD&ĐT lựa chọn và giao nhiệm vụ thực hiện Đề án đào tạo chương trình tiên tiến (CTT) ngành Kỹ thuật xây dựng, chuyên sâu Xây dựng công trình giao thông. Chương trình phối hợp thực hiện với trường đại học Leeds (UoL)- Vương Quốc Anh tuyển sinh từ năm 2008 đến nay, đã liên tục tổ chức đào tạo cho 8 khóa, trong đó có 3 khóa sinh viên đã tốt nghiệp ra trường.

Theo Tiến sĩ Trịnh Quang Khải, ngay từ ngày đầu, trường ĐH GTVT đã xác định quan điểm Chương trình đào tạo không nhập khâu hoàn toàn chương trình của trường UoL mà xây dựng một chương trình riêng trên cơ sở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng trường đối tác và ngành xây dựng cầu đường của nhà trường. Quan điểm này giúp nhà trường tiếp thu được những tinh hoa, ưu điểm của trường đối tác nhưng vẫn chủ động quản lý và đào tạo.

Hồng Hạnh