Chuyện buồn viết mãi!

(Dân trí) - Mặc dù không muốn nhưng TS. Mai Văn Hưng, ĐHSP Hà Nội 2 cũng như nhiều vị lão làng khác trong giáo giới đã phải thừa nhận về thực trạng đáng buồn hiện nay. Đó là, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, giảng viên đang “phấn đấu” để trở thành những vị hữu danh nhưng vô thực.

Theo sự thừa nhận này, nhiều người không phải là giảng viên hoặc là giảng viên yếu đã đua nhau đi học thạc sĩ, tiến sĩ để mong lấy cái “ISO bằng cấp” che đậy sự kém cỏi của tư chất, hoặc tìm kiếm cơ hội để đổi đời. Một vài giáo viên “Tây học” thì lại tự coi mình là bề trên, là “bách khoa toàn thư” nên đã tách mình ra để phán xử kẻ khác, quên luôn bồi bổ lưng vốn kiến thức cũ rích.

 

Có người làm luận án bằng tiếng Tây đàng hoàng, nhưng về nước ít năm, nhìn lại luận án, chẳng biết mình viết cái gì. Số giáo viên khác thì chỉ đắm say mãi với việc tự gặm nhấm vinh quang quá khứ...

 

Hậu quả là phần lớn các giáo viên ĐHSP dưới 50 tuổi không viết được hoặc không muốn viết giáo trình giảng dạy cho chính chuyên môn của mình. Trình độ ngoại ngữ chưa tốt cũng là rào cản quan trọng tiếp nhận thông tin từ bên ngoài. Vì thế bài giảng thường quá cũ, lạc hậu, sai lầm. Có môn học không có giáo trình tiếng Việt nên một số giáo viên... thích dạy gì thì dạy!

 

Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo ông Lê Đức Thuận, ĐHSP Đà Nẵng, đó là, cho dù được Nhà nước ưu đãi 50% lương (các trường ngoài SP là 35%), nhưng nhìn chung, thu nhập của giáo viên sư phạm bình quân thấp hơn nhiều so với giáo viên các trường ngoài sư phạm.

 

Bên cạnh đó, tính chủ động nghề nghiệp của các trường sư phạm lâu nay bị biến thành tính thụ động ngồi chờ. Các lần cải cách giáo dục, lẽ ra phải bắt đầu từ các trường ĐHSP- CĐSP, đằng này chúng ta lại làm quy trình ngược lại... 

 

Chưa kể, tính chuyên sâu của trường sư phạm còn mờ nhạt. Nếu như thầy thuốc được đào tạo 6 năm (ĐH Y - Dược) hay  một số trường ĐH khối kỹ thuật cũng đào tạo tới 4,5 - 5 năm... Trong khi đó, ĐHSP chỉ có 4 năm đào tạo. Vì vậy, tầm quan trọng và sự uyên bác chuyên sâu của thầy giáo bị giảm sút...

 

Trong hoàn cảnh đất nước đang quyết liệt chuyển mình sang nền kinh tế tri thức, rõ ràng các trường sư phạm không thể cứ “ngủ quên” trong “tháp ngà” cổ lỗ của những khuôn mẫu, cơ chế, nội dung chương trình đào tạo và phương pháp dạy học đã lạc hậu...

 

Trong khi thực tế hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đang cần bổ sung rất nhiều cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là bổ sung cho đội ngũ giáo viên ở những vùng khó khăn. Không thể cứ viết tiếp mãi những trang về câu chuyện buồn ISO giả! 

Lê Châu