Chuyện chưa biết về “cu Xỉn” dũng cảm cứu người

(Dân trí) - Mấy hôm nay nhà “cu Xỉn” Trần Văn Truyền chẳng ngơi khách đến thăm. Chúng tôi đùa “Truyền nổi tiếng rồi nhen”, cậu bé dũng cảm cứu người trong <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/5/177851.vip">vụ tai nạn lật thuyền hôm 29/4</a> vừa qua bẽn lẽn nhoẻn nụ cười đen giòn: “Con đâu có “oách” rứa. Mấy cô chú mà thấy người ta kêu la như con bữa đó cũng làm rứa thôi!”.

Chúng tôi tìm đến nhà cu Xỉn, tên gọi ở nhà của Trần Văn Truyền không mấy khó khăn vì ai cũng có thể chỉ lối tận tường vào tổ dân phố số 9, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Chúng tôi đùa khi gặp em tại nhà “Truyền nổi tiếng rồi nhen”, em cười bẽn lẽn. Vóc người nhỏ gầy hơn nhiều so với những bạn học cùng trang lứa càng khiến chúng tôi thêm ngạc nhiên và khâm phục hành động quả cảm của em.

 

“Buổi trưa hôm đó, tui đang làm rẫy thì nghe tiếng thằng nhỏ (Truyền) la thất thanh: “Có ghe lật ngoài biển ba ơi. Họ kêu cứu quá trời”. Ra tới bờ thì chiếc ghe lật đã chổng thẳng lên trời. Sóng lớn đập liên hồi. Ngoài biển, người ta kêu la, vẫy vùng hoảng loạn. Tui kiếm sợi dây dẫn nước vào rẫy tính quăng ra biển cho người bị nạn bám vào đầu dây kia để tui kéo vô bờ. Mà gió to quá, quăng mấy cũng không ra tới chỗ ghe lật.

 

Sáng nay 23/5, ông Phạm Huy Hoàn, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam - TBT báo Khuyến học và Dân trí đã trao tặng cho em Trần Văn Truyền suất học bổng trị giá 5 triệu đồng, tuyên dương em đã dũng cảm cứu người.

Thằng Xỉn mới tính cách cột dây vào mình bơi ra biển để tui trong này kéo vào. Có hai anh đang câu cá gần đó chạy vô phụ. Ba lần đôi, sáu lần chiếc, thằng nhỏ cứ bơi ra bơi vào (đoạn từ bờ ra tới chỗ ghe lật độ chừng hơn 50m - PV). Hồi đó cũng cứ nghĩ làm răng cứu được người, chẳng nghĩ tới con đang mạo hiểm nữa. Nếu không kéo vào ngay thể nào sóng cũng đánh người dạt vào mấy tảng đá thì chỉ có chết. Thấy chết thì cứu chớ nghĩ chi mô. Mấy ngày sau định tâm nghĩ lại mới run” - ông Trần Văn Mến, ba của Truyền kể lại.

 

“Ba không biết bơi, hai chú kia (2 anh em Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Hoạch đang câu cá gần bờ tại khu vực Bãi Hẵm) cũng rứa. Em biết thì bơi ra thôi” - Truyền tỉnh bơ giải thích cái sự “liều” của mình.

 

Cũng buổi chiều hôm đó (29/4), khi thân nhân và các đội cứu hộ đã bất lực với tử thi cuối cùng bị mất tích, ai cũng nghĩ chắc tử thi đã bị song cuốn ra tận khơi xa thì hai cha con còn nấn ná sắp xếp lại lán trại canh rẫy vừa che nắng cho những người được cứu sống và cả những nạn nhân xấu số trong tai nạn kinh hoàng.

 

Rảnh việc, Truyền lại ra buông câu, thấy nặng tay cần, em nói với ba: “Hình như chú nớ đó ba ơi”. Lúc đó vừa qua 16h chiều. Đúng là xác của nạn nhân bị mất tích thật. Nhưng không cách nào nhảy xuống biển lần nữa vì lúc này sóng to dữ dội. Hai cha con cứ đi ra đi vào, “người ta về hết, có một người nằm lại, để tới mai thì tan xác mất, tội nghiệp”.

 

Vậy là chờ biển hơi yên một chút, Truyền lại một lần nữa lao xuống biển, đẩy cho được thân thể to kềnh, lại vừa trơn của người đàn ông xấu số vào sát mép nước rồi hai cha con kéo vô bờ. Đúng 17h30. Truyền chạy đi gọi nhờ điện thoại cho đồn biên phòng nhờ liên lạc với thân nhân người bị nạn (nạn nhân là anh Đoàn Thanh Hùng, trú tại số 9 đường Cô Giang).

 

Hai cha con từ rẫy về đến nhà đã 8h tối. Mẹ Truyền kể lại cảnh hai cha con về đến nhà:  “Sốt ruột vì mọi hôm hai cha con đã về từ sớm. Vừa thấy hai cha con về đến nhà càng hoảng hơn. Áo quần thốc thếch. Người như rã rời. Ăn cơm cũng không vô. Mấy hôm sau, ba nó còn hụt hơi không nói nổi”.

 

Chuyện chưa biết về “cu Xỉn” dũng cảm cứu người - 1
Cu Xỉn và bố mẹ. 

 

Nhà Truyền, căn nhà lợp tôn, bốn bức tường cũ kỹ, nắng hè xộc vào toả cái nóng hầm hập. Đồ đạc trong nhà cũng đơn điệu. Mẹ đi làm mướn, cha suốt ngày bám mình trên nương rẫy. Chị gái học xong lớp 9 cũng bỏ học ngang chừng, xin vào làm công nhân Công ty Thuỷ sản mãi tận trong phố, cuối tháng về một lần, phụ với ba mẹ từng đồng dè sẻn.

 

Tuổi thơ của Truyền cũng sớm nhọc nhằn theo cuộc mưu sinh của gia đình. Đi học về, em lụi cụi làm việc nhà. “Thằng nhỏ nấu cơm ngon lành lắm”. Ông Mến xoa đầu con khoe. Cuối tuần, thay vì theo chúng bạn chơi đùa, em theo cha men theo mấy cây số đường đèo ra rẫy. “Để ba đỡ buồn và phụ việc với ba” cũng là để thoả thú vui duy nhất của tuổi thơ em là thả câu. Được dăm ba con cá, em hớn hở đem về đưa mẹ “cải thiện bữa ăn”. Có bữa “trúng”, lại thêm được vài con mang ra chợ bán. Mỗi sáng, Truyền vẫn cuốc bộ 3 km hay đi nhờ xe bạn để dành mấy ngàn mẹ cho để đi xe lam tới trường “mua mồi câu cá”.

 

Mấy hôm nay, nhà chẳng ngơi khách đến thăm. Truyền hồn nhiên khoe với chúng tôi lưu niệm tặng phẩm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. Tấm giấy chứng nhận Danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ xuất sắc được lồng trong khung đặt trang trọng ngay giữa nhà.

 

Hôm nay Truyền lại được học bổng tuyên dương của Quỹ Khuyến học Việt Nam. Em nhoẻn nụ cười đen giòn: “Mấy cô chú viết thơ về làm con cảm động. Con đâu có “oách” rứa. Mấy cô chú mà thấy người ta kêu la như con bữa đó cũng làm rứa thôi. Mấy cô chú động viên con học giỏi, con sẽ cố gắng chớ không thôi “quê òm””.

 

Ba mẹ em rưng rưng giọng mừng: “Thằng Truyền được nhiều người quan tâm. Vậy sự học không bị bỏ giữa chừng như chị nó”.  

Khánh Hiền