Chuyển ĐH-CĐ công lập và bán công sang tư thục?

Ngày 9/12, Bộ GD-ĐT đã trình Tiểu ban Giáo dục ĐH-CĐ thuộc Hội đồng quốc gia giáo dục phương án chuyển đổi các trường ĐH-CĐ bán công sang tư thục, và thí điểm chuyển một số trường công lập sang tư thục.

Tính đến tháng 11/2005, cả nước có 230 trường ĐH-CĐ, bao gồm 203 trường công lập, 6 trường bán công (ĐH Mở bán công TPHCM, ĐH bán công Tôn Đức Thắng, ĐH bán công Marketing, CĐ bán công Hoa Sen, CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, CĐ bán công Quản trị kinh doanh) và 21 trường dân lập, tư thục.

 

Sau hơn 10 năm hoạt động, loại hình trường ĐH-CĐ bán công đã thể hiện một số ưu điểm như: giảm một phần gánh nặng chi của ngân sách Nhà nước; phát huy được tính chủ động, trách nhiệm xã hội của các trường; tăng cường ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và sự năng động của mỗi cá nhân.

 

Tuy nhiên, loại hình này còn bộc lộ một số vấn đề như: chưa có các tổ chức và cá nhân đầu tư, tham gia quản lý nhà trường; cơ chế quản lý nhân sự, tài chính và tài sản chưa phân định được giữa công và tư; vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, bao cấp của Nhà nước; hệ thống văn bản pháp quy thiếu và chậm đổi mới.

 

Trong khi đó, đối với các trường công lập, tồn tại cơ bản hiện nay là tình trạng đầu tư thiếu tập trung dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội chưa đủ mạnh và chưa bắt kịp với tiến trình đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước; xã hội hóa được tập trung chỉ đạo nhưng chưa làm giảm sức ép của ngân sách Nhà nước; tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngân sách Nhà nước vẫn chưa được khắc phục; tính chủ động và trách nhiệm xã hội của các đơn vị còn những hạn chế; sự gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với lợi ích cộng đồng và lợi ích xã hội chung chưa chặt chẽ.

 

Vì thế, mục tiêu của việc chuyển đổi (theo phương án) là nhằm biến các cơ sở đào tạo trở thành môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.

 

Việc chọn các đơn vị công lập làm thí điểm dựa trên các tiêu chí: không nằm trong danh sách các trường trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quy định; đào tạo những ngành nghề xã hội có nhu cầu học tập lớn, có suất đầu tư/sinh viên thấp; có 1 trong 3 yếu tố: tự nguyện chuyển đổi, trực thuộc đơn vị đang cổ phần hóa hoặc đã thực hiện bảo đảm từ 50% trở lên chi thường xuyên theo cơ chế tự chủ tài chính; trường ở vùng thuận lợi, có điều kiện kinh tế phát triển.   

 

Dù chuyển từ trường bán công hay trường công lập, phương án đã đưa ra các vấn đề chung như: không thay đổi tên trường; chuyển đổi việc giao nhiệm vụ, kế hoạch hằng năm cho nhà trường như hiện nay sang hình thức tổ chức đấu thầu các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của Nhà nước, các trường đóng vai trò là dịch vụ công; cơ quan chủ quản chuyển giao toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản và cán bộ cho hội đồng quản trị; Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các trường.

 

Việc chuyển đổi được làm từng bước và làm trước ở 1 trường để rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ra các trường khác, các trường bán công có thể thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án; riêng việc thí điểm chuyển đổi các cơ sở đào tạo công lập bắt đầu từ tháng 9/2006 (thời điểm bắt đầu năm học mới). 

 

Theo Nhựt Quang

Thanh Niên