Thanh Hóa:

Chuyển đổi 24 trường THPT bán công sang công lập

(Dân trí) - Tin từ Sở giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, bắt đầu từ kỳ 2 năm học 2009 - 2010 tất cả 24 trường THPT bán công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ được chuyển đổi sang loại hình trường THPT công lập.

Chuyển đổi 24 trường THPT bán công sang công lập  - 1
Trường PTTH Tô Hiến Thành sẽ được chuyển đổi sang mô hình trường công lập

Theo đó danh sách 20 trường THPT bán công được chuyển đổi nguyên trạng như: trường PTTH Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn), trường THPT Nguyễn Thị Lợi (Sầm Sơn), trường THPT Đặng Thai Mai, trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương), trường THPT Lưu Đình Chất, trường THPT Lê Viết Tạo (Hoằng Hóa), trường THPT số 2 Thọ Xuân, trường PTTH Lê Văn Linh (Thọ Xuân), trường  THPT bán công 1 Triệu Sơn (Triệu Sơn), trường THPT bán công 1 Hà Trung (Hà Trung), trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), trường THPT bán công 1, 2 Tĩnh Gia (Tĩnh Gia), trường THPT Trần Phú, trường THPT bán công Nga Sơn (Nga Sơn), trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), trường PTTH Nguyễn Mộng Tuân (Đông Sơn), trường THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc), trường THPT bán công số 1 Nông Cống (Nông Cống), trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc).

Riêng đối với các trường sáp nhập như: trường THPT Nguyễn Trãi và trường THPT Tô Hiến Thành (TP. Thanh Hóa); trường THPT Hà Tông Huân (Yên Định). Đối với trường giải thể (trường THPT bán công số 2 Triệu Sơn), do quy mô và nhu cầu của xã hội nên vẫn giữ nguyên. 

Việc chuyển đổi này dựa trên chủ trương xã hội hoá giáo dục, hơn nữa thực tế những năm qua, hoạt động của các trường THPT bán công đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: chất lượng học sinh thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm còn thấp; công tác quản lý, đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên chưa được coi trọng; việc thu hút giáo viên có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm trong giảng dạy gặp khó khăn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn manh mún, thiếu đồng bộ; nguồn thu từ học phí không đảm bảo chi hoạt động thường xuyên dẫn tới tình trạng nhà trường thường xuyên nợ lương giáo viên và thiếu kinh phí cho hoạt động dạy học. 

Bên cạnh đó cơ sở  vật chất của các trường THPT bán công được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân, không có sở hữu của tổ chức, các nhân; học sinh các trường bán công phải đóng học phí cao trong khi hầu hết học sinh của tỉnh đều có hoàn cảnh khó khăn.  

Về kinh phí thực hiện thì các trường THPT bán công khi chuyển sang trường công lập được giao kinh phí theo quy định của trường THPT công lập và được bố trí trong ngân sách sự nghiệp giáo dục hàng năm. 

Chủ trương này đã được thông qua tại kỳ họp 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa. Việc chuyển đổi và hoạt động của các trường sẽ được thực hiện theo đúng pháp luật hiện hành của Nhà nước. 

Duy Tuyên