Chuyên gia Toán học nói gì về kiểu đề “đầu cừu, đuôi thuyền trưởng”?

(Dân trí)-Trước việc dư luận cho rằng cách ra đề theo kiểu “Đầu cừu, đuôi thuyền trưởng” không phù hợp với học sinh lớp 2 thì các chuyên gia toán học cho rằng: Kiểu ra đề không có gì là mới trong giới toán học. Tác giả chỉ muốn rèn tư duy về logic toán cho học sinh.

TS Lê Thống Nhất chia sẻ: Tôi đã theo dõi dư luận về bài toán “Những con cừu và tuổi vị thuyền trưởng” ngay từ những ý kiến đầu tiên trên mạng. Tôi hiểu là nhiều người rất khó chịu với đề toán này, thậm chí còn phê phán tác giả của đề toán rất nặng nề.

Bài toán lớp 2 gây bão trong dư luận.
Bài toán lớp 2 "gây bão" trong dư luận.

Chuyện bài toán có “dữ liệu một đằng nhưng câu hỏi lại một nẻo” gây một cảm giác khó chịu cho người đọc và ai cũng thấy rất rõ : Làm sao mà biết được tuổi của vị thuyền trưởng? Tuy nhiên, khi nhìn bài toán này dưới một loạt các bài toán trước đó thì tôi mới nhận ra “thâm ý sư phạm” của tác giả và tôi ủng hộ “thâm ý” này. Vì sao? Các bài toán ở trên đều là các bài toán mà chỉ cần làm một phép tính trừ số lớn cho số nhỏ ở giả thiết chúng ta sẽ có đáp số cho bài toán. Một tình huống sư phạm có thể xảy ra: Học sinh không đọc kỹ đề bài và vẫn làm máy móc theo các bài trước để đi đến kết luận tuổi của vị thuyền trưởng là 45 - 5 = 40 (tuổi). Những học sinh đọc kỹ đề bài sẽ bị “hoang mang” vì “dữ liệu một đằng nhưng câu hỏi lại một nẻo”.

Tuy nhiên, nếu học sinh vững vàng thì sẽ kết luận : Không thể biết được tuổi của vị thuyền trưởng vì các giả thiết về những chú cứu không liên quan tới tuổi của vị thuyền trưởng. Đây là bài làm đúng nhất của bài toán này.

Tôi không đồng ý với kết quả mà tác giả ghi trong sách: Không giải được vì bài toán sai. Bởi vì bài toán có sai đâu mà bài toán chỉ dẫn đến ta không biết được chính xác tuổi của vị thuyền trưởng hay nói cách khác bài toán có vô số kết quả như là ta giải một phương trình nào đó mà ra rất nhiều nghiệm. Tóm lại: bài toán không sai - đây là “cái bẫy nhỏ” để một số học sinh “sập bẫy” để từ đó nhắc nhở học sinh cần đọc kỹ từng đề bài khi giải toán, không máy móc theo những bài trước đó.
 
...và bài giải của bài toán gây tranh cãi.
Bài giải của bài toán gây tranh cãi.

Cũng theo TS Lê Thống Nhất, với học sinh tiểu học, bài toán kiểu này vẫn phù hợp, tuy nhiên không nên đưa ra nhiều lần. Bởi chỉ cần một lần là đủ để học sinh cảnh giác.

Với các cấp học cao hơn thì chúng ta vẫn gặp những bài toán mà trong đó chứa những giả thiết “gây nhiễu” - những giả thiết mà không liên quan tới kết luận của bài toán. Học sinh phải tỉnh táo để không tập trung vào những giả thiết kiểu này. Những bài toán có giả thiết “gây nhiễu” vẫn nên tồn tại trong các bài kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên người ra đề phải khéo léo tinh vi để độ “gây nhiễu” khó bị phát hiện và khi đó sẽ có bài toán hay.

Những giả thiết “gây nhiễu” mà thô, mà dễ phát hiện sẽ làm cho bài toán không hay nữa. Bài toán “Những con cừu và tuổi vị thuyền trưởng” rơi vào tình trạng “gây nhiễu” thô nên bài toán không hay tuy không sai. Mức độ thô của giả thiết này đã tạo ra những phản ứng trong dư luận trong những ngày vừa qua.

Nhìn nhận dưới một góc độ khác, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Đối với toán học thì những bài toán như vậy không phải là hiếm gặp. Ở đây chúng ta chỉ cần nên nhìn nhận là tác giả chỉ muốn rèn về tư duy logic cho học sinh. Vấn đề mấu chốt là khi thầy cô giáo đưa ra những dạng bài này thì cần phải có những gợi ý hoặc đã từng nhắc nhở các em trước đó, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học”.

Nguyễn Hùng (ghi)