Chuyển GV cấp 2 sang dạy mầm non: Nhằm cân bằng GV giữa các cấp học

(Dân trí) - Liên quan đến quyết định của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) về việc điều chuyển giáo viên THCS sang bậc học mầm non, đây là giải pháp nhằm “giảm nhiệt” tình trạng dôi dư giáo viên và cân bằng giữa các cấp học. Từ nay đến năm học 2017-2018, địa phương này sẽ không tiếp nhận thêm mà chỉ sắp xếp lại đội ngũ giáo viên.

 

Ngay sau khi UBND huyện Ngọc Lặc thực hiện việc luân chuyển 26 giáo viên (GV) từ bậc THCS sang bậc học Mầm non, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, những người trong cuộc còn nhiều vấn đề thắc mắc về quy trình, quyền lợi cũng như tương lai của GV thuộc diện được điều chuyển và mong muốn được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ để có thể đáp ứng nhu cầu công việc.

"Tâm lý của các giáo viên rất thoải mái"

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tại Trường Mầm non thị trấn 2, huyện Ngọc Lặc, năm học 2015 - 2016, nhà trường thiếu 7 GV, huyện điều chuyển số GV thiếu này từ cấp THCS sang. “Ngay sau khi tiếp nhận, nhà trường đã tiến hành họp triển khai nhiệm vụ, nhìn chung tâm lý của các GV rất thoải mái. Các cô mới chuyển về được phân công làm GV thứ hai với nhiệm vụ chăm sóc các cháu. Bên cạnh đó, các GV chủ nhiệm sẽ quan tâm giúp đỡ thêm. Trên tinh thần các cô giáo đã có nghiệp vụ sư phạm, sau khi ổn định công việc, sẽ đề xuất được cập nhật chuyên môn bậc học Mầm non”, cô Bùi Thị Nụ - hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn 2 cho biết.

Nhiều giáo viên được điều chuyển sang bậc học mầm non.
Nhiều giáo viên được điều chuyển sang bậc học mầm non.

Cô Trần Thị Luyến được điều động từ Trường THCS Lam Sơn về Trường Mầm non thị trấn 2 chia sẻ: “Sau khi nhận nhiệm vụ mới, bản thân tôi sẽ cố gắng hết mình để hòa nhập, làm quen với công việc mới. Trước khi được điều chuyển cũng đã nắm bắt được thông tin, tuy có hơi bất ngờ. Nhưng do GV dôi dư nên trước đây trong quá trình dạy chưa đủ tiết. Về lâu dài phải học hỏi, được các cô ở trường đón tiếp hướng dẫn rất tốt nên cũng bớt bỡ ngỡ. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Còn cô Phạm Thị Hồng là GV Trường THCS Quang Trung cũng nằm trong diện GV dôi dư, được điều chuyển về Trường Mầm non thị trấn 2, cũng chia sẻ: “Về chuyên môn, ở cấp học nào thì sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở cấp học đó. Ở bậc học học Mầm non, có thể không bằng các cô giáo được đào tạo chuyên môn về bậc học này, nhưng bản thân tôi sẽ cố gắng hết mình để cống hiến sức trẻ và không những chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, cô Hồng khẳng định.

Hiện tại, các GV THCS sau khi được tiếp nhận về các trường Mầm non sẽ được bố trí làm GV thứ hai giúp đỡ giáo viên chủ nhiệm trong công tác chăm sóc trẻ. Về vấn đề nghiệp vụ, phía ngành Giáo dục cũng như lãnh đạo huyện Ngọc Lặc đang đề nghị Sở GD-ĐT tập huấn, bồi dưỡng thêm cho số GV này.

Cô Trần Thị Luyến - GV Trường THCS Lam Sơn được chuyển sang Mầm non
Cô Trần Thị Luyến - GV Trường THCS Lam Sơn được chuyển sang Mầm non

Tại Trường THCS thị trấn Ngọc Lặc trong năm học 2014 - 2015 dôi dư 8 GV, trong năm học mới này đã có 4 GV được huyện điều chuyển sang bậc học Mầm non. Theo thầy Vi Văn Hiện - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc điều động đã giúp nhà trường ổn định về công tác tổ chức, giảm áp lực về tình trạng dôi dư GV và việc sắp xếp công việc của nhà trường cũng thuận lợi hơn.

Lương giáo viên vẫn giữ nguyên theo bằng cấp

Trước những thắc mắc của các GV được luân chuyển trong đợt này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc về  chủ trương của địa phương. Theo ông Đạt thì xuất phát từ tình hình GV trên địa bàn, năm 2013, Huyện ủy ban hành kết luận số 23 về tăng cường quản lý nhà nước với giáo dục. Trong đó có nội dung muốn nâng cao chất lượng thì phải sắp xếp lại đội ngũ GV. Trên địa bàn huyện giữa 3 bậc học mất cân đối, THCS dư nhiều GV, trong khi mầm non lại thiếu. Chủ trương của huyện là chỉ ổn định, sắp xếp lại, làm sao trong số GV đó đảm bảo được chất lượng dạy và học để đưa Ngọc Lặc phát triển đi lên.

“Năm học vừa rồi, Ngọc Lặc đã được thăng hạng so với mặt bằng chung của tỉnh, đây là một bước trong thực hiện kết luận số 23 của Thường vụ Huyện ủy. Sắp xếp lại GV là có ý như thế và chỉ nhằm cân đối giữa các bậc học, chứ không tuyển dụng, không tiếp nhận thêm mà chỉ phân công ban đầu là GV sang làm GV trước. Việc này không ảnh hưởng lớn đến mặt bằng chung, với lý do GV học sư phạm cả, có năng khiếu sư phạm, trước khi làm đã báo cáo Thường trực Huyện ủy và làm việc trực tiếp với Sở GD-ĐT. Sau khi sắp xếp xong, Sở GD-ĐT sẽ giúp huyện bồi dưỡng thêm nghiệp vụ Mầm non thôi, còn sư phạm thì yên tâm rồi”, ông Đạt cho biết.

Một vấn đề cũng được GV quan tâm là quyền lợi sau khi được điều động. Ông Đạt khẳng định: “Quyền lợi không có gì thay đổi, tức là GV sang làm GV, lương vẫn giữ nguyên theo bằng cấp, theo quy định, phụ cấp ưu đãi ngành theo quy định của bậc học, còn thâm niên nghề theo quy định. Mục tiêu là ổn định tình hình vì sự nghiệp giáo dục, phấn đấu đưa Ngọc Lặc trở thành đơn vị dẫn đầu khu vực miền núi, chất lượng giáo dục của huyện đi lên sẽ góp phần vào sự đi lên của chất lượng giáo dục cả tỉnh”.

Cô Phạm Thị Hồng - GV Trường THCS Quang Trung được chuyển sang mầm non
Cô Phạm Thị Hồng - GV Trường THCS Quang Trung được chuyển sang mầm non

Cũng theo ông Đạt, quy trình làm thì huyện cũng đã làm việc với Sở GD-ĐT. Mục tiêu là để GV có việc làm, tạo sự công bằng trong giáo dục. Hơn nữa số lượng GV luân chuyển đợt này từ THCS sang là chủ yếu, căn cứ vào số lượng GV cấp học này thừa nhiều hơn so với các cấp học khác là tiêu chí thứ nhất. Thứ hai là đội ngũ cán bộ GV chuyển sang là đội ngũ trẻ, nhanh tiếp cận với cái bậc học mới. Thứ ba là số này cũng nằm trong danh sách những GV tuyển dụng năm 2008. Thứ tư, việc thực hiện là tạo điều kiện tốt nhất về khoảng cách cho các GV, chủ yếu là luân chuyển giữa các trường trong xã và các trường lân cận.

“Huyện đã xây dựng phương án, báo cáo thường vụ huyện ủy, cơ bản đã đáp ứng được thiếu GV ở mầm non, hiện tại bậc học này vẫn còn thiếu 5 GV. Cùng với việc sắp xếp lại, từ nay đến năm 2017 - 2018 thì huyện cơ bản ổn định về đội ngũ GV. Sau đó, tùy theo số lượng học sinh từng năm, nếu thiếu Mầm non, hay Tiểu học sẽ tiếp tục điều chuyển, làm sao trong tổng số GV ổn định. Tính đến năm học 2017 - 2018 theo kế hoạch sẽ thiếu giáo viên thì huyện sẽ điều số GV này về. Còn nếu GV nhiệt huyết tiếp tục muốn gắn bó với Mầm non thì sẽ báo cáo với Sở GD-ĐT, xin Sở cho đào tạo, chuyển đổi. Chủ trương của huyện là trường nào thiếu sẽ cho số GV này quay về. Huyện muốn làm sao không tăng biên chế, không tăng tài chính vì ngân sách có hạn mà vẫn đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Đạt khẳng định.

Duy Tuyên