Chuyện kể về những cô giáo mầm non tương lai

(Dân trí) - Ai đi qua vườn trẻ, nhìn thấy cô bảo mẫu tha thướt giữa một rừng em bé ngây thơ, ríu rít mà chẳng thích. Nhưng khi gặp Hà, Hồng, Vui, Gấm, Vinh…những giáo sinh đã từng thử nghiệm với bọn trẻ, tôi mới hiểu rằng công việc của các bạn không mơ mộng và đơn giản như mọi người tưởng.

Khi trẻ ăn, chơi và... "yêu" (!) 

 

“Tiếp xúc với bọn trẻ rất thú vị”, Thu Hà cho biết. Có cháu vừa mới hứa với mẹ là ở lại chơi ngoan, nhưng mẹ vừa khuất bóng một cái là gào toáng lên. Lại có bé buổi trưa các bạn đi ngủ hết, vẫn cứ đứng phụng phịu ở góc nhà nằng nặc đòi cô phải đi ngủ cùng, nếu không sẽ không đi ngủ.

 

Đối với những cô giáo mầm non, vệ sinh và cho trẻ ăn là vất vả nhất. Có những em ở nhà lười ăn, hay ngầy bố mẹ, đến lớp vẫn giữ thói quen ấy. Lúc đó các cô lại phải đút cho bé từng thìa cơm, ép cho bé ăn hết khẩu phần của mình. Nếu để mặc các cháu tự ăn, các cháu gầy thì các bậc phụ huynh sẽ có ý kiến ngay. Những bé lười ăn thì như vậy, nhưng bé nào ăn khoẻ quá thì cũng … nan giải.

 

Khi bọn trẻ chơi ngoan và sạch sẽ thì ai cũng thích. Nhưng khi chúng đã phá phách và ương bướng thì bực phát điên lên được. Ở lứa tuổi này rất khó bảo, đặc biệt là những cháu hư sẵn từ nhà. Những lúc như thế, để đưa các cháu vào khuôn phép, các cô phải dùng “biện pháp mạnh”.

 

Nhưng việc phạt các cháu cũng chỉ được phép dừng lại ở mức độ phát nhẹ vào mông hoặc bắt ra ngoài đứng khoanh tay trong khoảng vài phút mà thôi. Quan trọng là không để cho tâm hồn trong trắng ngây thơ của em bé bị thương tổn. Để công việc diễn ra một cách hài hoà như giữa thực hành và lý thuyết đôi khi cũng khiến các cô giáo bị stress.

 

Hết chuyện ăn, chơi lại đến chuyện …"yêu". Nếu ai đó nói rằng lứa tuổi mẫu giáo mà biết yêu là chuyện phi thực tế thì Thu Hà sẽ khẳng định đó là... chuyện thật 100%.

 

Ở lớp mà Thu Hà dạy có một cậu bé và một cô bé thích nhau. Hôm nào cậu bé cũng nằng nặc đòi cô phải cho ngồi ăn cùng, ngủ cùng với cô bé mà mình thích. Hôm sinh nhật cô bé ấy, cậu bé khóc ti tỉ đòi mẹ phải đi mua cho mình một cái nơ để tặng…bạn gái.

 

Tất nhiên, bọn trẻ "yêu" thì không có gì to chuyện như người lớn, nhưng các cô phải tìm cách “dàn xếp”, cũng không phải đơn giản.

 

"Dạy trẻ rất vất vả" - Thu Hồng tâm sự "Có những lúc bọn em quát lên mà bọn trẻ vẫn không nghe. Người ta gán cho bọn em là cô nuôi dạy hổ kể cũng đúng trong trường hợp này!”. Chứng kiến công việc các cô giáo mầm non làm thì mới thấu hiểu rằng nghề của các cô không hề đơn giản. Đấy là chưa kể, để vào được ngành này trước hết các thí sinh phải qua “cửa ải” - khâu tuyển người khắt khe chẳng kém gì tuyển diễn viên.

 

Trong kì thi tuyển sinh, thí sinh dự thi vào khoa này ngoài thi hai môn Văn và Toán còn phải qua một vòng “sát hạch” nữa là chấm điểm dáng, điểm hát và kể chuyện. Khắt khe thế mà mỗi năm, tuyển trên toàn quốc, khoa Giáo dục mầm non cũng chỉ lấy mỗi khoá…một lớp, mà lại toàn là con gái.

 

Dạy trẻ - chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

 

Thu Hà cầm mảnh giấy trên tay tiến đến quầy hàng của chị bán rau: “Chị bán cho em: một quả cà chua, một củ cà rốt, một củ su hào, một cái bắp cải, một củ khoai tây, ba quả đậu, một quả cà tím…”. “Em định làm món gì mà mua kì cục vậy?”. “Không! Em mua để chiều nay đem đến trường mầm non cho các cháu thực hành quan sát, chị ạ!”.

 

Khi dạy dỗ các cháu mẫu giáo, các cô bảo mẫu phải gần như biến mình thành những diễn viên. Các cô phải hoá thân thành những chú gà con, lợn con, những chú thỏ trắng, thỏ nâu để cùng chơi với các cháu. Mà đâu chỉ có vậy, còn phải tư duy theo các cháu nữa. Nghĩa là các cô cũng phải nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt ngây thơ, non nớt và hết sức trong sáng.

 

Phải dạy các cháu múa hát, tổ chức chương trình cho các cháu vui chơi. Khi các cháu khóc, phải dỗ các cháu nín. Các cháu đi vệ sinh, cũng phải thay bỉm cho các cháu, công việc mà chưa bao giờ Hà phải đụng tay đến.

 

Giỏ rau quả vừa được đặt xuống giữa sân, theo lệnh cô, các bé ríu rít chạy đến chọn một loại rau, củ mà mình thích. Cô đố các bé đọc tên từng loại một. Để cho các bé tự quan sát xong, cô bảo các bé phân biệt đâu là rau, đâu là củ, đâu là quả. Và thật ngộ nghĩnh. Có bé gọi củ su hào, củ khoai tây là “quả”, gọi quả đậu là “rau”. Đó chính là bài học đầu tiên về quan sát môi trường xung quanh.

 

Bây giờ, càng ngày các trường mẫu giáo càng chú trọng áp dụng các phương pháp khoa học trong nuôi dạy trẻ nên mỗi buổi giảng của những học sinh “nhí” này cũng phải soạn giáo án. Ngoài việc cho các cháu quan sát trực tiếp các đồ vật, các cô còn để cho bé tự suy nghĩ và tự nói ra đặc điểm của chúng. Chẳng hạn, dạy đến bài “Các loại rau”, các cô đố các bé rau (củ, quả) đó màu gì, hình gì. Ở nhà mẹ hay nấu những món gì từ những loại rau quả ấy, mùi vị của nó ra sao, bé có thích không.

 

Và từ một câu hỏi, các cô sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Bé thì nói củ su hào giống nửa ông trăng. Bé thì nói là nó giống cái bát ăn cơm và bé thì nói là nó giống mái tóc. Với màu sắc cũng tương tự như thế. Những bài hát của các bé cũng rất ngắn, rất ngộ nghĩnh và chẳng hề …vô lý chút nào. Như kiểu: “Nào bạn ơi ra đây ta xem một cái mũi. Nào bạn ơi ra đây xem tôi phình cái mũi. Thở làm sao cho cái mũi đó lớn nhanh như quả bóng tròn. Là nơi đó có gió bay qua. Đúng mũi rồi”

 

Chiều, tôi ở lại ăn cơm với Hà tại khu nhà trọ. Bữa cơm là một món xào hổ lốn, bao gồm: sup lơ, cà rốt, cải bắp, xu hào, đậu quả…, những sản phẩm của “thế giới tự nhiên xung quanh em” mà buổi sáng nay cô mới đem đi cho các em thực hành.

 

Ngước lên bức tường dán đầy những bức tranh vẽ, tranh xé dán ngộ nghĩnh của trẻ thơ, Thu Hà cho biết: “Ngành mẫu giáo không đơn giản như mọi người nghĩ đâu. Vất vả lắm. Nhưng nếu ai yêu được nó thì cảm thấy rất thích! Cũng như em, bây giờ càng ngày càng thích trẻ con hơn, mặc dù có thể sau khi ra trường có thể em sẽ phải về quê làm việc với mức lương được trả bằng…lúa!”, Hà cười.

 

Thảo Hương