Chuyện “lọa” ở Việt Trì

Gọi chuyện “lọa” là theo đúng cách đánh vần chữ “lạ” của nhân vật trong bài viết - hai học sinh một lớp 7 và một lớp 9. Hai em học sinh cấp 2 ấy chỉ mới biết đánh vần ê, a từng chữ, không biết làm ngay cả những phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản.

Chuyện khó tin nhưng... có thật

Chúng tôi tìm đến khu 2, xã Phượng Lâu (TP Việt Trì), đang loay hoay tìm hỏi nhà em Vũ Văn Tám, học sinh lớp 8B trường THCS Phượng Lâu thì được một đám trẻ chăn trâu dẫn đến tận nơi.

Vũ Văn Tám không có ở nhà. Mẹ của Tám - chị Phùng Thị Vượng dường như cũng đang chuẩn bị đi đâu đó thấy có khách nên nán lại.

Chị Vượng cho biết những buổi không phải đến trường, Tám thường phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng hoặc đi chăn bò. Sau khi nghe chúng tôi nói thật lý do tìm đến đây, chị Phùng Thị Vượng dường như không thể tin vào tai mình.

Chị cho biết: "Thằng Tám học dốt hơn so với chúng bạn thì gia đình cũng biết, nhưng không thể dốt đến mức khó tin như thế được!

Năm nào tôi chả đi họp phụ huynh cho nó cũng chỉ nghe cô giáo nói Tám nghịch, học hơi yếu chứ chưa bao giờ nghe nói cháu học dốt như thế này.

Vợ chồng tôi tuy ít chữ nhưng thỉnh thoảng cũng kiểm tra sách vở của con, vẫn thấy có những điểm trên trung bình, thậm chí có cả điểm 9,10?! Cô chú ngồi đợi một lát tôi đi tìm cháu về xem sao, tiện thể tôi cũng muốn biết luôn sự thật...".

Nói rồi chị Vượng quày quả đi ra ngoài ngõ, một lát sau đã thấy lôi xềnh xệch một cậu bé da đen nhẻm, nhỏ hơn so với tuổi, mặt cúi gằm, thỉnh thoảng lấm lét nhìn lên vì chưa biết có chuyện gì xảy ra.

Hỏi han một lúc, chúng tôi mới "nhờ" Tám đọc cho nghe một mẩu tin trong tờ báo mang theo. Mới đầu Tám còn lắc đầu nguầy nguậy định không đọc nhưng nhận được sự khích lệ của chúng tôi lẫn lời đe dọa của chị Vượng, Tám mới miễn cưỡng cầm tờ báo lên và bắt đầu... đánh vần thành tiếng.

Nguyên văn một đoạn của mẩu tin in trên tờ báo mà chúng tôi đưa Tám đọc: "Khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên...", Tám đọc thành ra "Khai mọc chuyền tám ảnh nghị sĩ các tỉnh mà Trung Thái Nguyên...".

Sau một hồi loay hoay đến toát mồ hôi hột mà vẫn không tài nào đọc được những dòng chữ đơn giản mà chúng tôi đưa ra, sợ Tám xấu hổ chạy đi mất chúng tôi quay ra "nhờ" Tám tính giùm mấy phép toán đơn giản. Sự thật là như thế này: 26:2=3, 35:5=15, 71-49=20...

Không kìm được cơn nóng giận, chị Phùng Thị Vượng đứng dậy định tát con mấy cái nhưng chúng tôi kịp ngăn được. Đứng dậm chân tại chỗ, chị Vượng bức xúc: "Ngu như bò thế này mà chẳng thấy nhà trường nói gì cả! Bây giờ tôi mới biết nó đọc không nổi, viết không xong.

Nếu cháu học không nổi thì nhà trường phải báo với phụ huynh chứ đằng này lại không thấy nói gì. Không theo nổi nữa thì cho đúp, còn hơn hôm nào cũng cắp cặp đi học mà một chữ bẻ đôi cũng không biết. Không hiểu nhà trường dạy dỗ kiểu gì...?".

Chúng tôi hỏi học yếu như vậy cô giáo không có ý kiến gì sao, thì Tám cho biết: "Cô giáo bảo em nhìn bài bạn bên cạnh?!".

Vũ Văn Tám còn khoe năm học 2005-2006 vừa qua điểm tổng kết môn Toán của em được 7,0 và môn Văn là 6,2 điểm???

Rời nhà Vũ Văn Tám, chúng tôi hỏi thăm đến nhà em Trần Việt Anh học sinh lớp 6B ở khu 1 xã Phượng Lâu. Trần Việt Anh có ở nhà nhưng vì biết chúng tôi muốn đến tìm hiểu chuyện học của em như Vũ Văn Tám, em trốn việt trong buồng đến khi mẹ em, chị Nguyễn Thị Thạo - sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do, đã bán tín bán nghi gọi thì Việt Anh mới chịu "xuất đầu lộ diện".

Chúng tôi đọc cho chép cũng không viết được, làm những phép tính cộng trừ đơn giản Việt Anh còn cho ra những kết quả "kinh hoàng" hơn. Hỏi chị Nguyễn Thị Thạo có biết con mình học đến lớp 6 mà vẫn không biết đọc, biết viết, nhưng năm nào cũng lên lớp, chị thú nhận:

"Gia đình đầu tắt mặt tối lo cái ăn cái mặc, kiếm tiền cho nó đóng góp các khoản cho nhà trường cũng đã bở hơi tai nên... quên mất không ngó ngàng gì đến việc học của con.

Có dốt thì cũng phải biết được tý gì chứ học lớp 6 mà một chữ bẻ đôi không biết thì...

Năm nào cũng thấy nó báo về kết quả học tập được lên lớp thì gia đình yên tâm chứ biết được sự thật như thế này thì tôi đã xin nhà trường cho cháu đúp lại".

Tỷ lệ học sinh lên lớp đạt... 100%!

Liên hệ với giáo viên chủ nhiệm hai lớp 6B và 8B (năm học 2005-2006) của em Trần Việt Anh và Vũ Văn Tám chúng tôi không gặp được vì gia đình cho biết "các cô đi vắng tập huấn chương trình SGK mới!".

Chúng tôi đến tìm Hiệu trưởng trường THCS Phượng Lâu, ông Nguyễn Văn Khẩn. Làm việc với chúng tôi tại văn phòng nhà trường ông này tỏ ra khá bất ngờ với thông tin trên. "Không thể tin được!" ông Khẩn khẳng định.

Ông cho biết: "Trong những năm qua, công tác giáo dục của trường đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ học sinh lên lớp luôn đạt 100%. Từ khi thành lập năm 1997 đến nay nhà trường không có học sinh lưu ban, chỉ có năm học 2005-2006 trường mới có học sinh phải thi lại nhưng số này cũng chỉ là cá biệt?!".

Dừng lại một lát để lục tìm những văn bản giấy tờ, ông Khẩn tiếp tục: "Từ năm 2003, trường chúng tôi đã hoàn thành chương trình phổ cập và hiện nay đang phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia...".

Về trường hợp hai em học sinh không biết đọc, biết viết nêu trên, ông Khẩn cho biết "sẽ cho kiểm tra", nhưng khi chúng tôi hỏi nếu có trường hợp như vậy nhà trường sẽ xử lý như thế nào thì ông không trả lời được.

Trước khi ra về ông Khẩn tiết lộ: "Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và rất tích cực hưởng ứng cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử" do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động.

Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp!" (Nguyên văn lời ông hiệu trưởng).

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ - ông Phan Đăng Lân khẳng định: "Tình trạng ngồi "nhầm lớp" trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là có, chúng tôi đã xử lý một số trường hợp ở trường tiểu học Trung Sơn B (huyện Yên Lập), cứ tưởng đã hết.

Tôi cam kết tới đây ngành sẽ có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh còn yếu, đồng thời kiểm tra trình độ của những học sinh này, nếu yếu quá sẽ sắp xếp để các cháu học lại cho phù hợp với trình độ của mình!"

Theo Sinh viên Việt Nam