Chuyển mục tiêu giảng dạy giáo dục đại học

(Dân trí) - Chuyển mục tiêu giảng dạy từ cung cấp kiến thức là chủ yếu sang phát triển năng lực, phẩm chất của sinh viên. Bên cạnh đó chuyển mô hình phát triển giáo dục đại học dựa trên quy mô, số lượng sang mô hình phát triển dựa trên chất lượng, hiệu quả.

Đây là hai nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của giáo dục ĐH và sẽ được thực hiện trong những năm sắp tới nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết TƯ 8 đã đề ra. Theo Bộ GD-ĐT, việc xác định hai nhiệm vụ trọng tâm trên nhằm đào tạo lực lượng lao động trong thời kỳ mới có phẩm chất đạo đức tốt, phát triển toàn diện năng lực cá nhân, tư duy năng động, sáng tạo phục vụ chi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

“Để từng bước thực hiện các mục tiêu đổi mới, trong năm học 2013-2014, giáo dục ĐH tập trung vào 3 hoạt động chính. Một là, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TƯ 8 khóa XI. Hai là, đổi mới mục tiêu giảng dạy, phương thức tuyển sinh. Ba là, triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Đổi mới cơ chế tài chính và triển khai công tác kiểm định

Thứ trường Bùi Văn Ga cho biết, năm 2014, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và ban hành Đề án định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với giáo dục ĐH để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế tính giá dịch vụ và học phí sau năm 2015; Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục ĐH, CĐ; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo trên cơ sở nguyên tắc, cơ chế chung đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, xây dựng và Trình thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2013-2017. Trước mắt sẽ áp dụng thí điểm đối với 4 trường: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Ngoại thương, Viện ĐH Mở Hà Nội, sau đó sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tới các đơn vị khác.

Sẽ tạo các diễn đàn về đổi mới giáo dục ĐH.
Sẽ tạo các diễn đàn về đổi mới giáo dục ĐH.

Với việc hình thành hai tổ chức kiểm định chất lượng giáo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, Bộ GD-ĐT khẳng định trong năm 2014 hai tổ chức này sẽ có kế hoạch triển khai kiểm định 60 trường ĐH, 15 trường CĐ và kiểm định 95 chương trình đào tạo. Do là năm đầu tiên thực hiện kiểm định nên số lượng các trường và cơ sở kiểm định còn chưa nhiều, những năm tiếp theo, tốc độ kiểm định sẽ được đẩy mạnh.

Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH áp dụng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, khu vực ASEAN, lựa chọn tổ chức kiểm định được Bộ GD-ĐT cho phép để đăng ký thực hiện kiểm định.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2014 cũng triển khai thực hiện Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch lại mạng lưới các cơ mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, tập trung phát triển các trường đại học sư phạm trọng điểm làm nòng cốt đổi mới đào tạo giáo viên phổ thông.

Rà soát lại cơ cấu ngành nghề đào tạo làm cơ sở đưa ra các cảnh báo xã hội về nhu cầu nhân lực giúp thí sinh, phụ huynh định hướng xác định ngành nghề đào tạo đồng thời đề xuất các giải pháp điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương và từng khu vực.

“Để xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TƯ 8, Bộ GD-ĐT sẽ tạo diễn đàn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về Đổi mới giáo dục ĐH, thu hút các nhà khoa học, nhà giáo và các tầng lớp nhân dân tham gia diễn đàn, góp ý kiến cho cồng tác đổi mới giáo dục ĐH” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga tiết lộ.

Năm 2014: Tập trung đổi mới mục tiêu giảng dạy

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT xác định, năm học 2013-2014 là năm đầu tiên toàn ngành thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết TƯ 8. Để đạt được những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết đã đề ra, tất cả các đơn vị trong toàn ngành cần xây dựng chương trình hành động cho từng năm học và cho từng giai đoạn cụ thể với những mục tiêu đạt được rõ ràng. Trong năm học này cần tập trung đổi mới mục tiêu giảng dạy, phương thức tuyển sinh đồng thời triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, các trường tùy theo đặc điểm ngành nghề đào tạo xây dựng kế hoạch chuyển mạnh mẽ phương pháp giảng dạy từ truyền đạt kiến thức là chủ yếu sang hỗ trợ phát triển năng lực, phẩm chất sinh viên. Tập huấn cán bộ giảng dạy, học tập kinh nghiệm những trường đã có kinh nghiệm, học tập kinh nghiệm của các nước phát triển về đổi mới phương pháp giảng dạy, kiên quyết nhanh chóng thay đổi phương pháp giảng dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức thụ động không còn phù hợp với mục tiêu đào tạo mới.

Năm 2014, tập trung thay đổi từ truyền đạt kiến thức là chủ yếu sang hỗ trợ phát triển 
Năm 2014, tập trung thay đổi từ truyền đạt kiến thức là chủ yếu sang hỗ trợ phát triển năng lực, phẩm chất sinh viên.

Xây dựng những nhóm học tập kiểu mẫu theo mô hình mới để rút kinh nghiệm nhân rộng; tập trung đầu tư, tổ chức lại một số khoa, ngành giảng dạy theo mô hình mới làm đầu tàu chuyển động việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong toàn trường; Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình chuyển sang sang đào tạo theo tín chỉ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, hoàn thiện qui trình quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất toàn trường (nếu chưa đủ điều kiện thì hoàn thiện một số ngành) để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ; quán triệt trách nhiệm và tinh thần tự giác của người dạy và người học theo học chế tín chỉ.

Việc xây dựng chương trình đào tạo phải đáp ứng được chuẩn đầu ra của từng ngành, gắn với yêu cầu nhân lực của từng ngành, đáp ứng những đòi hỏi thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nâng cao vai trò của hội đồng khoa học và đào tạo trong xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo; thu hút đại diện của hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vào xây dựng chuẩn kỹ năng nghề nghiệp làm cơ sở để xây dựng chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo, tham gia vào xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo.

“Chúng ta cần nghiên cứu nhân rộng mô hình gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, mô hình gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp đã thành công ở một số cơ sở giáo dục đại học; phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên đồng thời với tiến trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Coi trọng tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học ở các nhà trường, đặc biệt là ứng dụng trong khoa học giáo dục; thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ, hình thành các đơn vị khoa học công nghệ trong các nhà trường” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Bộ GD-ĐT khẳng định, thực hiện thành công nhiệm vụ năm học này sẽ tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục đại học trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Hùng