Chuyện “ông Tư khuyến học”

(Dân trí) - Đến nhà Tư Chấp nghe nói chuyện, thấy tận mắt các cháu học sinh nghèo đến quây quần bên ông vui vầy như cha con, tôi mới hiểu vì sao bà con ở huyện Châu Thành (An Giang) gọi Lê Văn Chấp là ông “Tư Khuyến học”.

Thoạt đầu ông làm trong đội mai táng. Cái công việc chôn cất người chết một thời gian dài để lại nhiều kỷ niệm của một con người luôn làm việc nghĩa.

Trước đây, ông Tư làm ở đội mai táng. Thời gian ở đây, có một người bạn bị bệnh mất đột ngột để lại con nhỏ không ai nuôi nấng. Ông Tư đã không ngần ngại đem cháu Nguyễn Thị Bé Thùy về nuôi và xem như con đẻ. Cũng từ đó, ông thôi làm nghề cũ, chuyển qua hoạt động từ thiện ở Hội Chữ thập đỏ. Ông được mọi người gọi với cái tên thân mật “ông Tư từ thiện”.

Chưa làm công tác giáo dục bao giờ nhưng Tư Chấp lại yêu thương con trẻ. Có hai công đất cha mẹ cho làm nhà ở quê ông bàn: “Giờ con đã có nhà, việc làm nhà ở quê không cần thiết, cha con mình hiến mảnh đất đó cho xã xây trường học”. Bây giờ ở Thốt Nốt, Cần Thơ một ngôi trường khang trang đã xuất hiện trên nền đất ông tặng.

Từ ngày làm công tác Khuyến học, nhà Tư Chấp trở thành địa chỉ đi về của những em nhỏ con nhà nghèo chăm ngoan, học giỏi. Hiện tại, ông đang nuôi “7 đứa con” ăn học.

Tiền phụ cấp một tháng chưa đầy một triệu đồng, ông giành hết cho các con. Có những lúc không đủ, ông lại đi vận động từng người, từng nhà hảo tâm, chắt chiu từng đồng để nuôi các con ăn học. “Con gái lớn” Nguyễn Thị Thái Hiền đang học đại học ở TPHCM còn sáu đứa khác đang lớn lên từng ngày, từng lớp. Đến kỳ nghỉ hè lại về thăm ông như về với cha mẹ đẻ.

Các con của ông đứa nào cũng chăm ngoan học giỏi. Cán bộ và người dân Châu Thành ai cảm mến tấm lòng Tư Chấp.

Phạm Tâm