Chuyện tình chị em của hiệu trưởng và cô giáo

Vượt qua trở ngại về tuổi tác và khoảng cách giữa người dân tộc Kinh-Dao, chị Triệu Thị Xuân và anh Mai Hữu Cương đã đến với nhau cùng xây dựng hạnh phúc gia đình dưới mái Trường PTDTBT THCS Cổ Linh (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn).

Chị Triệu Thị Xuân, người dân tộc Dao, sinh năm 1980 là người ở huyện Pác Nặm. Sinh ra ở vùng quê thuộc huyện khó khăn nhất của tỉnh nhà, hơn ai hết chị Xuân hiểu được việc biết cái chữ, có kiến thức sẽ giúp ích như thế nào cho bà con dân tộc nơi đây.

Vợ chồng thầy Mai Hữu Cương và cô Triệu Thị Xuân. (Ảnh: Văn Chung)
Vợ chồng thầy Mai Hữu Cương và cô Triệu Thị Xuân. (Ảnh: Văn Chung)

Được đi học và khát khao tới trường, những ngày ngồi trên ghế nhà trường, chị Xuân luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo dạy mang ánh sáng tri thức về cho con em dân tộc trong vùng.

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên - chị Xuân là một trong những thầy cô gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Cổ Linh ngày mới thành lập (năm 2004).Tại ngôi trường này, chị dạy môn văn và sử cho học sinh.

Anh Mai Hữu Cương, sinh năm 1982, quê gốc ở Nam Định nhưng đã theo gia đình lên làm ăn và sinh sống ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn từ nhỏ.

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm tỉnh Bắc Kạn, chuyên ngành Toán Lý, anh Cương quyết định xin lên công tác tại Trường PTDTBT THCS Cổ Linh ngay khi trường mới được thành lập.

“Ngày ấy huyện Pác Nặm mới được thành lập nên cần lượng giáo viên về công tác tương đối nhiều. Vì thế mình đã có đơn đề nghị và được về công tác tại trường từ tháng 9/2004 đến giờ” – anh Cương nhớ lại.

Những ngày đầu lên với trường mới, mọi thứ còn ngổn ngang, thiếu thốn. Trường THCS và trường tiểu học của xã cùng nằm trên khoảnh đất, chỉ là những mái nhà lá đơn sơ, mùa đông gió lùa lạnh buốt. Học trò ngày ngày phải cuốc bộ hàng chục km đi rồi về.

Vợ chồng thầy Mai Hữu Cương và cô Triệu Thị Xuân. (Ảnh: Văn Chung)
Hiện vợ chồng thầy Cương, cô Xuân sống trong khu nhà công vụ của trường. Mọi sinh hoạt của 4 con người chỉ gói gọn trong diện tích hơn 20m2. (Ảnh: Văn Chung)

Đến 2006 Trường THCS Cổ Linh bắt đầu được dựng khu nhà tạm để tách với trường tiểu học của xã. Chỉ tay vào khoảng đất trước mặt, nay là khu nhà kiên cố của học sinh lên lớp mỗi ngày, anh Cương cho biết: “Hồi đó, đất này còn là đồi cao, trường có 12 lớp học là 12 lỗ được khoét vào đồi, tựa vào đó để tránh nắng mưa mà dựng lớp học”.

Chị Xuân, anh Cương hay bất cứ ai chẳng thể quên những ngày gian khó ấy.

Trường có khu nhà công vụ nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đó mới chỉ là nhà tranh tre, nứa lá. Phòng dựng lên trống huếch hoác. Các thầy cô chỉ được hỗ trợ cái cột, cái mái. Phần “thịt” bên trong của nhà thầy cô phải tự lo.

Khi ấy trường chưa có điện, đêm đêm thầy cô phải thắp đèn dầu soạn giáo án. Chị Xuân nhớ những buổi tối cả trường phải sách đèn dầu đến nhà, thậm chí qua những quả đồi cao vận động bà con cho học sinh đến lớp.

Bà con khi đó cũng chưa có thói quen trồng rau để lấy ăn. Không có chỗ mua vì chợ phiên 5 ngày mới họp một lần và ở xa nên giáo viên toàn trường sau mỗi buổi học lại đi khắp những quả đồi, cánh đồng ở quanh xã để tìm rau ăn. Nước dùng cũng được thầy cô gánh từ mương lên.

Tình yêu

Nhưng chính trong khó khăn ấy, anh – một hiệu trưởng và chị-một cô giáo vùng cao đã tìm thấy hạnh phúc đời nhau.

Chị Xuân đang soạn bài giảng trong căn phòng nhỏ của gia đình. (Ảnh: Văn Chung)
Chị Xuân đang soạn bài giảng trong căn phòng nhỏ của gia đình. (Ảnh: Văn Chung)

Anh tính tình cởi mở, nhiệt tình nên hay giúp chị và mọi người sửa sang phòng giáo viên. Chị là người cẩn thận, chu đáo, mỗi khi anh đi công tác hay uống rượu say về chị lại pha nước hay đánh gió cho anh.

Những buổi đi hái rau rừng, cùng nhau đi gánh nước, những lời hỏi han động viên nho nhỏ đã gắn kết anh chị gần nhau hơn. Món quà tình yêu anh dành chỉ là đóa hoa rừng tươi thắm.

Khoảng cách về tuổi tác không dễ vượt qua khi anh kém chị 2 tuổi, lại là người dân tộc Dao. Bà nội anh biết chuyện, kiên quyết phản đối vì chị người dân tộc ít người “nhiều tục lệ cổ hủ”.

Mọi sinh hoạt của 4 con người chỉ gói gọn trong diện tích hơn 20m2. (Ảnh: Văn Chung)
Mọi sinh hoạt của 4 con người chỉ gói gọn trong diện tích hơn 20m2. (Ảnh: Văn Chung)

Đã không ít lần chị khóc, nói với anh lời chia tay. Nhưng sự ân cần và kiên trì của anh đã níu tình yêu của chị ở lại nơi anh. Qua nhiều lần thuyết phục, đến năm 2006 anh và chị cũng chính thức nên duyên vợ chồng trước sự vui mừng của gia đình hai họ.

Lấy nhau, vợ chồng anh chị tiếp tục ở trong khu nhà công vụ của trường từ đó đến nay. Trong căn nhà nhỏ hơn 20m2, bốn con người (anh chị hiện đã có một bé gái 8 tuổi và bé trai hai tuổi ngoan ngoãn, kháu khỉnh) tiếp tục viết lên câu chuyện hạnh phúc.

Niềm vui của anh chị như được nhân lên khi đến năm 2009, Trường PTDTBT THCS Cổ Linh bắt đầu nhận được vốn đầu tư nhà nước để san mặt bằng, xây dựng lớp học kiên cố. Năm học mới 2010 thầy trò nhà trường hân hoan khi khu nhà chính được dựng lên với hơn chục lớp học kiên cố, có bàn ghế, đèn điện đủ tiêu chuẩn. Cùng với đó, trường dần dần được bổ sung thêm các công trình như khu nhà bán trú, bếp ăn, nhà công vụ kiên cố cho giáo viên. Tỉ lệ học sinh bỏ học cũng gần như không còn.

Ngày qua ngày những người như anh Cương, chị Xuân và nhiều thầy cô khác trên khắp cả nước vẫn âm thầm bám trường lớp để gieo cái chữ, mang tri thức giúp thay đổi dần diện mạo cuộc sống, suy nghĩ của người dân vùng khó khăn như ở xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn này.

Theo Đăng Duy
Vietnamnet