Clip gian lận phòng thi: “Không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”

(Dân trí)- “Tôi không ủng hộ cho việc bỏ qua vi phạm của thí sinh quay clip. Chuyện chống tiêu cực có nhiều biện pháp chứ không thể dùng một biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nói.

Vụ clip gian lận trong phòng thi tại Hội đồng thi trường THPT Dân Lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đang gây xôn xao dư luận. Trước sự việc này, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng bên lề Quốc hội chiều 5/6.

Ông Đào Trọng Thi
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng. (Ảnh: Việt Hưng)

Ông đánh giá thế nào về vụ clip gian lận trong phòng thi tốt nghiệp đang gây xôn xao dư luận hiện nay?

Nếu đúng có hiện tượng giám thị ném phao vào phòng thi thì có thể bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ cho việc bỏ qua vi phạm của thí sinh quay clip. Chuyện chống tiêu cực có nhiều biện pháp chứ không thể dùng một biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực.

Bởi nếu chúng ta chấp nhận hành động đó sẽ có nhiều người lợi dụng để vi phạm, xã hội sẽ không có kỷ cương. Không thể nói tôi vi phạm pháp luật để tôi chống tiêu cực được.

Nhưng thưa ông, nếu chúng ta xử phạt cả người đứng ra tố cáo, mà ở đây cụ thể là thí sinh thì sẽ không ai dám ghi lại những cảnh tiêu cực trong phòng thi?

Cho dù như thế thì cũng không ai chấp nhận việc thí sinh mang các vật dụng đó vào phòng thi vì mang vào là vi phạm quy chế. Không thể cho rằng tôi làm việc này với động cơ tốt để biện minh cho sai phạm trước đó.

Nói như vậy là ông đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc phải xử lý cả thí sinh đứng ra quay clip?

Thí sinh mang các phương tiện ghi hình vào phòng thi là vi phạm quy chế thi. Và khi thí sinh đó sử dụng nó, tức là thêm một lần vi phạm.

Thí sinh quay phim ở trong phòng thi như vậy là bản thân anh đã vi phạm. Thí sinh vi phạm là phải xử lý thí sinh, còn thông tin từ clip khi được xác định thì người ta sẽ theo thông tin trong clip chứ không ai đánh giá hành động của thí sinh quay clip trong phòng thi là đúng. Hai cái đó phải phân biệt, anh vi phạm kỷ luật rồi lại cho rằng làm việc đó vì mục đích tốt đẹp thì không chấp nhận được.

Vậy theo đánh giá của ông, việc clip ném phao vào phòng thi tại hội đồng thi Bắc Giang có phải do áp lực của bệnh thành tích hay không?

Áp lực của bệnh thành tích có cao hay không còn phải xem xét và đánh giá một cách đầy đủ. Sự việc này cũng có thể là hiện tượng tiêu cực, cũng có thể do phụ huynh có quan hệ với hội đồng thi, còn nếu không có động lực và quan hệ nào khác mà giáo viên tự làm việc đó thì là do áp lực thành tích của nhà trường.

Nếu có chuyện giám thị chuyển phao thi thì cần nghiêm khắc vì đây là hiện tượng không bình thường. Ngoài ra, chúng ta cần phải xử lý nghiêm vì nó vi phạm nghiêm trọng kỷ luật phòng thi, vi phạm pháp luật chứ không chỉ vi phạm đạo đức đơn thuần.

Hiện tại, cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ các vi phạm. Theo ông, vụ việc này nên xử lý thế nào?

Nếu clip ấy đưa ra hình ảnh đúng thì có thể coi clip là một thông tin để xử lý vi phạm. Thầy cô giáo tiêu cực trong phòng thi cũng phải xử lý nghiêm.

Còn với những bài thi của thí sinh hôm đó, chúng ta phải nghiên cứu phương án xử lý, không thể vì một vài người vi phạm mà ảnh hưởng đến quyền lợi số đông thí sinh. Phòng thi đó khi chấm thi có thể có chế độ chấm bài đặc biệt. Nếu có nhiều bài trùng một cách bất thường, không tự nhiên, thì cần xử lý theo đúng quy chế như trừ điểm hoặc hủy kết quả bài thi.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền