Cô bé tật nguyền mong trở thành giáo viên

(Dân trí) - Vốn bị teo cơ, sau đó lại bị ngã gãy chân trong trận bão, em Trương Thị Ngọc Thịnh (lớp 9, Trường THCS Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) vẫn cố gắng đi học với mong ước trở thành giáo viên. Hồi nhỏ được mẹ cõng đến lớp, bây giờ Thanh được bạn chở đến trường…

Bị khuyết tật vận động, cô bé Trương Thị Ngọc Thịnh vẫn vượt khó đến lớp
Bị khuyết tật vận động, cô bé Trương Thị Ngọc Thịnh vẫn vượt khó đến lớp.

 

Cô bé Trương Thị Ngọc Thịnh sinh ra tại xã Quế Châu (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình thuần nông. Em Thịnh bị teo cơ bẩm sinh, đôi chân đi lại khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1977), mẹ em Thịnh kể: "Hồi sinh ra, tôi cứ nghĩ nó chậm phát triển nhưng đến khi 3 tuổi, đầu gối cháu bắt đầu sưng đỏ. Tôi chột dạ nghĩ chuyện chẳng lành. Tôi lập tức đưa con gái đi Bệnh viện Đà Nẵng sau đó lại chuyển con về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Các bác sĩ cho biết con tôi bị teo cơ".

 

Và từ ngày đó, bà bắt đầu dẫn con gái đi khám thường xuyên, bà Thanh nói: "Chân nó đi được, nhưng yếu lắm, chỉ đi được vài bước…".

 

Sau đó, hồi tháng 11/2013, một trận bão xảy ra, lúc ấy, bà Thanh đang chở con gái mình đi học thì bị té xe. Bà Thanh cho biết: "Bé Thịnh bị gãy chân, và cuối cùng bắt đầu từ đó nó không thể đi lại được…".

 

"Tôi đã nghĩ đến chuyện không sinh đứa con nào nữa, nhưng tôi vẫn mong một điều kỳ diệu…", bà Thanh nói. Và năm 2002, đứa con thứ hai ra đời, em Trương Tấn Đạt. Đến năm 2005, vợ chồng bà sinh con gái Trương Thị Ngọc Dung. May mắn là hai con sau đều bình thường. Nhưng nỗi lo về đứa con đầu lòng khiến bà Thanh nhiều đêm liền mất ngủ và bà đã tự động viên mình khi nghĩ về ước mơ đến trường của con.

 

Để biến giấc mơ đến trường của con gái thành hiện thực, người mẹ đã bỏ những buổi đồng áng, những giấc ngủ để cùng con đến trường.

 

Bà Thanh kể lại, những năm mẫu giáo, lớp 1, thì bà bồng con đến trường, và đều đặn ngày nào cũng vậy, bước chân bà thay lối dẫn con đi.

 

Bà kể: "Từ nhà đến trường chỉ khoảng 2km, và chỉ có một cách là ôm con đến trường. Nhưng chỉ có thể ôm con phía trước, vì nếu mạnh tay một tý sẽ làm nó đau lắm!".

 

Bé Ngọc Thịnh và mẹ. Hồi Thịnh còn nhỏ, em được mẹ bồng đến trường
Bé Ngọc Thịnh và mẹ. Hồi Thịnh còn nhỏ, em được mẹ bồng đến trường.

 

Cho đến năm Thịnh học lớp 4, lớp 5, phải lên xuống cầu thang, những ngày đó, có một người bạn hàng xóm học cùng lớp đã giúp đỡ Thịnh, đó là em Nguyễn Thị Diệp. Thịnh cho biết: "Những lúc học phải lên xuống cầu thang, bạn Diệp đã cõng em xuống, bạn ấy giúp cõng em đến trường những lúc mẹ em bận việc".

 

Cho đến ngày Thịnh lên cấp 2, không thể cõng lên xuống được nữa. "Bạn bè cũng sợ cõng nó lỡ mà té ngã thì khổ, nên chẳng ai dám cõng nó giúp. Những ngày đó, các giáo viên trường đã giúp nó, từ chuyện lên xuống cầu thang, có nhiều lúc, tôi bận không đón được, thầy cô giúp đưa về tận nhà" - bà Thanh kể.

 

Sau rồi, nhà trường tặng cho Thịnh chiếc xe đạp để cô bạn cùng lớp, vậy là Diệp có thể chở bạn đến trường.

 

Dù khó khăn nhưng nhiều năm qua Thịnh luôn cố gắng học tập. Bà Thanh cho biết: "Từ lớp 1-6, cháu là học sinh tiên tiến, đến lớp 7, 8 thì học trung bình. Do đây là khoảng thời gian bé phải bỏ tiết khá nhiều để đi chữa bệnh".

 

Bà Thanh nói: "Đến giờ con gái tôi vẫn phải đi bệnh viện khám, uống thuốc liên tục để tăng khả năng vận động".

 

Chia sẻ về ước mơ của mình, em Thịnh cho biết: "Em muốn trở thành giáo viên, vì các thầy cô ở trường rất quan tâm em, giúp đỡ em, em muốn được như thầy cô trường em".

 

Ông Nguyễn Mậu Hối, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quế Châu, cho biết: "Gia đình em Thịnh rất khó khăn, em còn bị tật nguyền, nhưng bạn bè em, nhất là em Diệp hàng xóm đã giúp em đến trường. Để tạo điều kiện nhà trường đã hỗ trợ 1 chiếc xe đạp động viên em tiếp tục học tập".

 

Đôi chân teo lại, không thể đi được, nhưng Thịnh lại rất mong muốn được đứng lớp giảng dạy và giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh như mình. Chúc cho ước mơ của cô bé tật nguyền sẽ trở thành hiện thực.

 

Nguyễn Trang

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!