Cô giáo Ba Na miệt mài nghiệp chữ

“Khi làng Kon Klo chỉ nghĩ đến chuyện “no cái bụng” thì H’Je đã nghĩ phải làm sao để “no cái đầu”. Kiên trì theo đuổi con đường học hành, H’Je bây giờ là niềm tự hào cho cả làng này” - già làng A Tích hãnh diện nói.

Là người dân tộc Ba Na, ngụ tại làng Kon Klo, phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum (Kon Tum), K’Dân H’Je hiện đang là giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái xã Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum). H’Je kể: “Mình tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai từ năm 1989. Bấy giờ người làng Kon Klo ít có người học lên cao lắm”. Người DTTS tốt nghiệp cao đẳng lúc bấy giờ càng là “của hiếm” nên lập tức H’Je được phân công về công tác tại Ban Nghiên cứu giáo dục thuộc Sở GDĐT tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ). Sẵn tâm huyết và vốn hiểu biết phong tục tập quán của người bản địa, H’Je luôn có nhiều ý kiến tham mưu, đề xuất với lãnh đạo ngành giáo dục để có nhiều quyết sách phù hợp với đối tượng học sinh DTTS…
Cô giáo K’Dân H’Je bên các em học sinh thân yêu.
Cô giáo K’Dân H’Je bên các em học sinh thân yêu.

Năm 1991, tỉnh Gia Lai - Kon Tum chia tách, cô cùng nhiều cán bộ được phân công về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Kon Tum. Đang là cán bộ của sở, lại có trình độ cao đẳng nhưng được phân công dạy tiểu học H’Je chẳng nề hà. Suốt 10 năm cô mới được “trả” về đúng với trình độ chuyên môn THCS. Với tinh thần cầu thị và lòng yêu nghề, H’Je không những đã bắt kịp đồng nghiệp mà còn được nhà trường giới thiệu đi thi giáo viên giỏi cấp thành phố. Thầy Hiệu trưởng Bùi Dũng cho biết: Đến thời điểm này, cô giáo K’Dân H’Je là người DTTS đầu tiên của TP.Kon Tum đạt danh hiệu giáo viên giỏi...

Một đóng góp rất có ý nghĩa của H’Je đối với ngành giáo dục tỉnh Kon Tum là năm 2002, Bộ GDĐT có chủ trương biên soạn sách tiếng Ba Na, chị là một trong những thành viên được giao trọng trách này. Đây là công việc thực ra H’Je đã có dịp nghiên cứu từ dạo cô còn công tác tại Sở GDĐT Gia Lai - Kon Tum. Tuy vậy, đây vẫn là công việc rất khó. H’Je lao vào tìm tòi, nghiên cứu với tất cả nhiệt huyết, lọc tìm những từ ngữ gần gũi, dễ hiểu nhất để đưa vào chương trình của cuốn sách. Công trình hoàn thành đã được đánh giá cao và hiện đã được đưa vào dạy thí điểm ở một số trường tiểu học tỉnh Kon Tum...

Còn giữa đời thường, giờ đây cô giáo H’Je có mặt ở khắp mọi nẻo buôn làng, nơi nào có học sinh bỏ học, người ta lại thấy cô tìm mọi cách đưa các em trở lại trường… Trở về với mái ấm gia đình ngoài giờ lên lớp, H’Je đang xây dựng thương hiệu rượu cần đặc sản với thương hiệu “Y Khuê”. Cô nói: “Không chỉ để tăng thu nhập cho gia đình, đây còn là công việc góp phần “quảng bá” văn hóa Tây Nguyên đối với các dân tộc anh em ở mọi miền đất nước…”.